Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Gỡ khó cho bảo hiểm nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỡ khó cho bảo hiểm nông nghiệp

Đăng Linh

(TBKTSG) – Dù hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện nhưng để giải bài toán bảo hiểm nông nghiệp vẫn cần xây dựng nhiều hơn nữa các cơ chế chính sách riêng cho lĩnh vực này.

 

Gỡ khó cho bảo hiểm nông nghiệp
Hạn mặn xâm nhập, lúa không phát triển được người dân phải cắt cho bò ăn. Ảnh: N.K

Khó ở cả phía cung và phía cầu

Câu chuyện bảo hiểm nông nghiệp gần đây lại nóng trở lại do những tác động nặng nề của tình hình bão lũ ở miền Trung đối với đời sống và sinh kế của người nông dân ở khu vực này. Về bản chất, ngành nông nghiệp luôn gắn liền với rủi ro, đặc biệt từ các yếu tố không thể lường trước như thiên tai. Do vậy, bảo hiểm nông nghiệp – công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường – chính là một công cụ chia sẻ rủi ro hữu ích đối với người sản xuất nông nghiệp.

Một trong những hậu quả trong ngắn hạn nếu không có các công cụ quản lý rủi ro hiệu quả là việc giảm đáng kể thu nhập của người nông dân. Bên cạnh đó, khi rủi ro liên quan đến những cú sốc mang tính hệ thống và ảnh hưởng tới toàn ngành như người nông dân mất khả năng trả nợ đối với các khoản vay, các tổ chức cho vay sẽ có xu hướng giảm cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo thời gian, việc không thể tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài sẽ giới hạn khả năng mở rộng, đa dạng hóa và hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp.

Dù có lợi ích thiết thực như trên nhưng trong thực tế, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại ở cả phía cung và phía cầu.

Vẫn cần xây dựng nhiều hơn nữa các cơ chế chính sách riêng cho lĩnh vực này như: hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp…

Về phía cung (người bán bảo hiểm), các tổ chức tài chính hiện chưa mấy mặn mà trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp do nghiệp vụ này đòi hỏi cao về năng lực đánh giá thống kê, cộng với việc các thông tin liên quan đến hoạt động bảo hiểm nông nghiệp rất rườm rà và đòi hỏi nhiều nhận định mang tính chất chủ quan… Bên cạnh đó, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên. Việt Nam là nước có nhiều thiên tai, với mật độ thiên tai xảy ra ngày càng dày và cường độ ngày càng tăng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao.

Về phía cầu (người mua bảo hiểm), với đặc thù nền nông nghiệp sản xuất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ ở Việt Nam thì khả năng người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp càng hạn chế. Kể cả trong trường hợp có bảo hiểm nông nghiệp thì chi phí bảo hiểm lớn cũng là một gánh nặng cho người tham gia bảo hiểm.

Cần cơ chế chính sách riêng

Bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam được triển khai thí điểm từ năm 2011-2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong giai đoạn thí điểm này, chương trình đã thu được những kết quả tích cực nhất định như: hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thí điểm, hình thành ba sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa, vật nuôi, thủy sản), thu hút được các hộ dân tham gia, thực hiện bồi thường kịp thời khi xảy ra tổn thất…

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn thí điểm từ năm 2011-2013, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, đã có tới 236.396 hộ nông dân tham gia (bao gồm: 76,5% hộ nghèo; 16,8% hộ cận nghèo; 6,7% hộ thường). Sản phẩm bảo hiểm vật nuôi cũng có 60.133 hộ nông dân tham gia (gồm: 84,1% hộ nghèo; 9,8% hộ cận nghèo; 6,1% hộ thường). Bảo hiểm thủy sản đã thu hút được 7.487 hộ nông dân tham gia (gồm: 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường). Đồng thời, trong giai đoạn thí điểm trên, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh. Cụ thể, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường 17,4 tỉ đồng (tỷ lệ bồi thường 19%); bảo hiểm vật nuôi có tổng số tiền bồi thường 19,5 tỉ đồng (tỷ lệ bồi thường 23,3%); bảo hiểm thủy sản có tổng số tiền bồi thường 675,9 tỉ đồng (tỷ lệ bồi thường 309,8%)…

Tiếp theo giai đoạn thí điểm, từ năm 2014-2018, theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm như tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI)… vẫn tiếp tục nghiên cứu triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp với tổng doanh thu đạt trên 210 tỉ đồng…

Trên cơ sở tổng kết thực hiện giai đoạn thí điểm và tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 về bảo hiểm nông nghiệp, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, ngày 26-6-2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Dù hành lang pháp lý đã dần hoàn thiện nhưng để giải bài toán bảo hiểm nông nghiệp vẫn cần xây dựng nhiều hơn nữa các cơ chế chính sách riêng cho lĩnh vực này như: hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, những người làm chính sách cũng cần nghiên cứu mức độ rủi ro cho từng đối tượng, từng vùng để có chính sách phát triển bảo hiểm phù hợp, theo đó thực hiện theo phương châm đi từ dễ đến khó, lựa chọn các đối tượng có mức độ rủi ro đồng nhất, mức độ rủi ro vừa phải, sản phẩm bảo hiểm đơn giản để thực hiện trước. Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong xây dựng sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo hướng đảm bảo áp dụng thống nhất trên tất cả các địa bàn được triển khai cũng như phù hợp với điều kiện của ngành nông nghiệp. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới