Gỡ khó cho doanh nghiệp FDI
![]() |
Nhiều doanh nghiệp FDI không muốn cắt giảm lao động. Ảnh: Lê Toàn |
(TBKTSG Online) – Trước tình hình xuất khẩu sụt giảm đáng kể so với quý I năm 2008, lần đầu tiên, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc tọa đàm với doanh nghiệp FDI về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu (hôm 3-4, tại Hà Nội).
Thông thường, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI hàng năm chiếm khoảng 44% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (nếu tính cả dầu thô thì tỉ lệ kim ngạch này chiếm 55%). Tuy nhiên, trong doanh số xuất khẩu 13,5 tỉ đô la (quý I năm nay) của cả nước thì kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chỉ đạt 2,9 tỉ đô la, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ còn chiếm 24,9% thay vì mức cao như trước.
“Đó là một mức sụt giảm rất lớn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận xét. Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Văn Chinh cũng e ngại rằng, nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì mức độ sụt giảm kim ngạch của khối doanh nghiệp chuyên xuất siêu trong nền kinh tế Việt Nam có thể lên đến 10 hoặc 15%, tính ra cả năm có thể chỉ đạt 19 đến 20 tỉ đô la Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc tọa đàm đã đưa ra những ý kiến, vướng mắc cụ thể khác nhau ở từng doanh nghiệp, từng ngành hàng để Bộ Công Thương và các bên liên quan tháo gỡ.
Đại diện công ty Panasonic Việt Nam (chuyên sản xuất điện thoại xuất khẩu) nói rằng, dù kế hoạch đề ra năm nay là xuất khẩu dự kiến 2 triệu sản phẩm đến Mỹ và Nga nhưng tình hình suy giảm như hiện nay họ đã phải cắt giảm 30% số lao động và điều chỉnh quy mô hoạt động tại Việt Nam bằng cách chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm chính. Vị này cho rằng, nếu các thủ tục xuất khẩu, hải quan, cảng biển có thể được đẩy nhanh và thông thoáng hơn thì doanh nghiệp này có thể giữ được các đơn hàng cạnh tranh về thời gian so với các đối thủ khác, nhằm giữ ổn định công ăn việc làm cho người lao động sở tại.
Tương tự, một đại diện khác của công ty sản xuất máy in đến từ Nhật Bản, công ty Brother mong muốn công nhân của họ có được những chỗ thuê trọ ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Trong điều kiện suy thoái kinh tế, chúng tôi vẫn phải giữ ổn định nơi ăn ở cho người lao động để đảm bảo tiến độ sản xuất và mở rộng thị trường. Nhiều công ty vệ tinh muốn đi theo chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác cũng cần có những công ty vệ tinh để tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất nhưng chúng tôi gặp khó khăn vì người lao động không thuê được chỗ ở hoặc chỗ ở trong những điều kiện không đảm bảo, bỏ việc, gây ảnh hưởng đến sản xuất”, ông Nguyễn Văn Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Brother nói.
Một cuộc gặp tương tự với các doanh nghiệp FDI phía Nam sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 8-4 tới.
NGỌC LAN