Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Gỡ khó cho khu công nghiệp sinh thái

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bên cạnh yêu cầu sản xuất "sạch" hơn, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) sinh thái còn được khuyến khích thực hiện "cộng sinh công nghiệp", tức tận dụng hoặc tái sử dụng tài nguyên, chất thải... của quá trình sản xuất trước hoặc của doanh nghiệp trong cùng khu để làm đầu vào cho chu trình sản xuất mới.

Mô hình trên giúp tiết kiệm chi phí, giảm phát thải và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như những nhà sản xuất muốn chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế và quy chuẩn cụ thể nên trong tổng số 300 khu công nghiệp đang hoat động hiện nay, chỉ mới có chưa đến 10 khu thực hiện được mô hình khu công nghiệp sinh thái. Vì vậy, nhiều nhà phát triển hạ tầng KCN và chuyên gia kiến nghị cần sớm tháo gỡ các "nút thắt" để phát triển mô hình này, giúp đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.

Những “trái ngọt” ban đầu

Một góc Khu công nghiệp Hiệp Phước, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn

Tại KCN Hiệp Phước (TPHCM), nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Trong đó, chất thải giấy vụn từ các nhà máy được Công ty Giấy Xuân Mai thu gom để tái chế thành giấy cuộn, giấy vệ sinh; chất thải từ các nhà máy làm khuôn đúc được những công ty như Thịnh Toàn và Đại Dũng (sản xuất gạch không nung) sử dụng làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất...

Việc "cộng sinh" giữa các doanh nghiệp trong khu không chỉ giúp doanh nghiệp giảm phát thải mà còn giảm được chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh. Đáng chú ý, nhờ sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn mà KCN Hiệp Phước đã tiết kiệm được khoảng 43,3 tỉ đồng/năm nhờ giảm mức tiêu thụ điện 6.854 MWh; giảm tiêu thụ nước hơn 151.000 m3… từ đó giảm phát thải nhà kính được gần 6.000 tấn CO2/năm.

Tương tự, KCN Deep C (Hải Phòng) cũng đã tiết kiệm được khoảng 19,3 tỉ đồng/năm. Trong đó, giảm tiêu thụ điện hơn 1.820 MWh/năm, giảm tiêu thụ nước hơn 90.323 m3/năm... nhờ đó giảm phát thải hơn 1.500 tấn CO2/năm.

Với KCN Amata (Đồng Nai), nơi triển khai các giải pháp trong Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) điều phối, lượng phát thải đã giảm đến 1.588 tấn CO2/năm.

Tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), tuy không thuộc danh sách các KCN tham gia dự án trên nhưng chủ đầu tư, Công ty cổ phần Shinec cũng đã sớm triển khai mô hình KCN sinh thái. Nhờ đó, khu này có hơn 30% diện tích đất sử dụng cho các công trình cây xanh.

Một góc KCN Nam Cầu Kiện. Ảnh: trang web của DN

Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, KCN có 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, nguồn nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN, sau đó tái tạo để nuôi các loài thủy sản, thủy sinh, dùng tưới cây, rửa trang thiết bị trong các nhà máy, làm mát lò hơi, PCCC… Nhờ kết nối cộng sinh mà các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trong việc tìm kiếm nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm.

Cần sớm gỡ "nút thắt"

Các lợi ích với các KCN sinh thái là rất lớn, bao gồm giảm tác động môi trường, thúc đẩy tăng hiệu quả kinh doanh, tạo điều kiện cho sự gắn kết cộng đồng, cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn với tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, cộng sinh công nghiệp hiệu quả là một trong những điều kiện cần để triển khai KCN sinh thái. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này còn nhiều vướng mắc.

Tại nhiều cuộc họp, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc, Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, chia sẻ do nhiều nơi không có định hướng phát triển KCN sinh thái ngay từ đầu nên việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang mô hình sinh thái khá khó khăn. Với KCN Hiệp Phước, hiện cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết để các doanh nghiệp dễ "cộng sinh" với nhau hơn.

Chẳng hạn, với việc trao đổi chất thải sản xuất, không dễ để những doanh nghiệp có nhu cầu trong KCN có thể trực tiếp thực hiện việc này vì theo quy định, chất thải phải được đơn vị có chức năng xử lý chất thải xử lý rồi mới đem đến doanh nghiệp cần sử dụng. Quy định này khiến việc trao đổi, xử lý chất thải mất nhiều thời gian.

Tương tự, dù khẳng định tính hấp dẫn của KCN sinh thái trong mời gọi đầu tư nhưng trong các cuộc họp bàn về mô hình KCN này, lãnh đạo KCN Deep C cho rằng, đây là công việc rất gian nan và pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển. Đơn cử, để xin được giấy phép thi công lắp đặt cột điện gió, DEEP C đã phải mất 3 năm vì chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt cột điện gió trong KCN.

Vì vậy, ông cho rằng, bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ quan quản lý cần đào tạo cán bộ quản lý kỹ thuật ở cấp tỉnh để những người này có thể hiểu được các yêu cầu kỹ thuật của một KCN sinh thái.

Ông Phạm Hồng Điệp và một số doanh nhân khác cho rằng, nhiều vấn đề pháp lý về hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể. Các quy định và định hướng phát triển các KCN vẫn còn nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp quy và các bộ luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Trong đó, Nghị định 35/2022 quy định KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn nhưng Luật Môi trường lại cho rằng, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Tuy nhiên, sạch hơn là như thế nào, phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ra sao thì chưa có quy định cụ thể", ông Điệp nói.

Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của một KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các KCN truyền thống. Vì vậy, nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn thì doanh nghiệp vẫn sẽ đầu tư vào KCN truyền thống thay vì đầu tư vào KCN sinh thái hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.

"Chúng ta cũng chưa có danh mục phân loại "xanh" để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa vào đó mà quyết định đầu tư, giúp tăng khả năng tiếp cập nguồn tín dụng xanh", ông Điệp nói.

Nhiều doanh nhân cũng cho biết, một rào cản nữa trong việc phát triển KCN sinh thái là quy trình thẩm định KCN sinh thái phải qua đến 6 bộ, ngành trước khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Quá trình này mất nhiều thời gian, làm lỡ cơ hội của doanh nghiệp.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần sớm có luật về KCN. Trong đó, những quy định về KCN sinh thái cần cụ thể, rõ ràng để thu hút doanh nghiệp đầu tư KCN sinh thái mới và thúc đẩy địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới