(KTSG Online) - Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chuyên ngành 6 địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp gồm Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước rà soát lại các dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án mới được bổ sung vốn. Bên cạnh đó, các địa phương duy trì việc giao ban thường xuyên của các tổ công tác địa phương, hướng đến mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.
- Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 28% kế hoạch sau 6 tháng
- Giải ngân khoảng 20.500 tỉ đồng vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông
TTXVN đưa tin, tổ công tác số 5 do Bộ Tài chính làm tổ trưởng vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo quyết định số 235 về thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị 6 địa phương thuộc tổ công tác số 5 gồm Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước gửi văn bản báo cáo những khó khăn liên quan để kịp thời có phương án giải quyết.
Đối với các vướng mắc liên quan đến luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật, cơ quan này đề nghị các bộ chuyên ngành nghiên cứu, xây dựng phương án sửa đổi, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi để tạo điều kiện thông thoáng, giảm trình tự thủ tục để thúc đẩy giải ngân của các dự án.
Bên cạnh đó, các bên rà soát lại các dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án mới được bổ sung vốn; kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Tổ trưởng tổ công tác số 5 cũng đề nghị các địa phương duy trì việc giao ban thường xuyên của các tổ công tác địa phương, hướng đến mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, đặc biệt là giải quyết những khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Báo cáo cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, 6 địa phương nêu trên chưa có nhiều chuyển biến trong thực hiện và giải ngân thanh toán vốn. Cụ thể, ba địa phương là Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước có tỷ lệ giải ngân lần lượt là 18,81%, 22,6%, 21,2%. Con số này đạt được mục tiêu đề ra nhưng vẫn thấp hơn giải ngân bình quân chung của cả nước. Ba địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Ngoài ra, tuy 6 địa phương này đã có nhiều dự án thực hiện giải ngân, nhưng tỷ lệ còn rất thấp, đa phần chưa đạt được 10% kế hoạch vốn được phân bổ.
Nguyên nhân giải ngân chậm là do những vướng mắc liên quan đến việc giao vốn, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án; liên quan tới quy hoạch, nghiệm thu công trình; liên quan đến giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng…