Thứ Hai, 29/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Gỗ viên nén “tắc đường” xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gỗ viên nén “tắc đường” xuất khẩu

Thùy Dung

Gỗ viên nén
Một dòng sản phẩm gỗ viên nén của các doanh nghiệp – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Gần đây các nhà máy sản xuất gỗ viên nén để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phát triển ồ ạt, nhưng từ cuối tháng 11-2014, thị trường truyền thống này gần như đã “tắc”, buộc các doanh nghiệp trong ngành phải tìm cách tiêu thụ trong nước.

“Tắc” thị trường Hàn Quốc

Trong một hội thảo gần đây về định hướng phát triển thị trường gỗ viên nén dùng làm chất đốt diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Quân, Chủ tịch câu lạc bộ gỗ viên nén miền Nam đồng thời là giảng viên trường Đại học Bách Khoa TPHCM cho hay, nhu cầu tiêu thụ gỗ viên nén trên thế giới rất lớn vì đây là nguồn nguyên liệu tái tạo carbon trung tính thay thế nguồn nguyên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguồn nguyên liệu sinh khối chất lượng cao nhất với tro thải ít, khí thải sạch và nhiệt trị cao.

Trước năm 2010, Hàn Quốc nhập khẩu nhiên liệu gỗ chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia và New Zealand. Nhưng từ năm 2011-2012, các doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu đặt hàng viên gỗ nén ở Việt Nam. Đến năm 2013, chính phủ Hàn Quốc có chủ trương nâng tỷ trọng điện sản xuất từ sinh khối từ 6% vào năm 2007 lên trên 30% vào năm 2030 trong tổng lượng năng lượng mới và năng lượng tái tạo nên Hàn Quốc hầu như bao tiêu hết sản phẩm viên gỗ nén từ Việt Nam.

Cho tới cuối năm 2014, Việt Nam là quốc gia cung cấp gỗ viên nén lớn nhất cho Hàn Quốc, gấp 2 lần nước đứng thứ 2 là Canada.

Nhưng đến tháng 11 và 12-2014 vừa rồi, Hàn Quốc gần như ngừng mua viên gỗ nén, khiến giá sụt giảm thảm hại, hàng tồn kho bị ứ đọng, nhiều doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đình Quân, là do Hàn Quốc đã tăng mua với cấp số nhân trong vài năm trở lại đây nên tạm thời cung đã vượt cầu. Chính phủ Hàn Quốc vừa qua đã kéo dài thêm 5 năm lộ trình tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo khiến cho nhu cầu tiêu thụ gỗ viên nén nói chung và nhiều loại năng lượng tái tạo khác giảm xuống. Đặc biệt, giá dầu thô sụt giảm mạnh trong vài tháng qua đã khiến cho nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo chững lại…

Chính vì vậy, kể từ tháng 11-2014, “bầu sữa” duy nhất của các doanh nghiệp sản xuất gỗ viên nén gần như đã bế tắc.

Theo số liệu của của Câu lạc bộ gỗ viên nén miền Nam, nếu như năm 2012-2013, ngành này chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp thì tới năm 2014 đã lên tới 400 doanh nghiệp, với tổng công suất sản xuất từ 200.000 đến 300.000 tấn gỗ viên nén mỗi tháng.

Tính đến tháng 9 năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt gần 500.000 tấn với giá xuất khẩu trung bình hơn 170 đô la Mỹ/tấn. Tuy nhiên, từ tháng 9 – 2014 tới nay thị trường Hàn Quốc đóng cửa, số doanh nghiệp sản xuất chết dần, bán lỗ, giải thể nhưng chưa có số liệu thống kê số doanh nghiệp còn tồn tại tới thời điểm này.

Tìm đường “sống”

Thực tế, tiềm lực của các doanh nghiệp sản xuất gỗ viên nén không lớn, chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Đại đa số không chủ động được nguyên liệu nên khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp sản xuất gỗ viên nén ở các nước khác.

Ví dụ tại Mỹ, sản xuất gỗ viên nén chỉ là một trong nhiều hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trồng rừng nên họ vừa chủ động được nguyên liệu và nguyên liệu truy xuất được nguồn gốc; sản phẩm của họ có giá cạnh tranh hơn nhiều so với ở Việt Nam.

Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc nên khi thị trường này ngừng mua là sản xuất liền bị ứ đọng. Bên cạnh đó, thực chất, Việt Nam cũng không có nhiều lợi thế trong ngành này khi  diện tích rừng có giới hạn, tiềm năng nguyên liệu chỉ vào loại trung bình, tương lai gần sẽ bị cạnh tranh quyết liệt bởi các quốc gia láng giềng.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Quân, các doanh nghiệp trước tiên cần phải liên kết sản xuất để có sức mạnh thương thảo đầu ra và đầu vào. Đặc biệt, ngoài thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, chú trọng hơn đến các thị trường châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản… .

Riêng thị trường châu Âu, thị trường lớn nhất hiện nay với mức tiêu thụ lên tới 19 triệu tấn gỗ viên năm 2013, chiếm khoảng 75% thị phần tiêu thụ gỗ viên nén trên toàn thế giới, các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận phù hợp, chú ý đến các yếu tố kỹ thuật.

Để xuất khẩu vào châu Âu, gỗ viên nén phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe và nguồn gỗ được sử dụng phải là gỗ hợp pháp (phải là gỗ rừng trồng có thể truy xuất được nguồn gốc, tức có chứng chỉ FSC).

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thị trường nội địa cũng là một thị trường thay thế rất lớn. Theo ông Nguyễn Khánh Hà, Chủ tịch Hiệp hội gỗ viên nén, ước tính Việt Nam có ít nhất 20 triệu bếp đun hộ gia đình, trong đó bếp củi và than tổ ong chiếm khoảng 50-60%, tương đương 12 triệu bếp đun. Nếu thay thế bếp củi và bếp than tổ ong độc hại bằng bếp đun viên gỗ nén với tỉ lệ thay thế khoảng 20% thì thị trường cần khoảng 2,4 triệu bếp đun.

Với mức tiêu thụ trung bình 30kg/bếp/tháng thì nhu cầu tiêu thụ gỗ viên nén có thể lên tới 1 triệu tấn, chưa kể tới việc sử dụng gỗ viên nén cho các bếp công nghiệp. “Đây là thị trường rất lớn và tiềm năng của gỗ viên nén,” ông Hà nói.

Đọc thêm:

Doanh nghiệp đầu tiên nhận chứng chỉ gỗ có kiểm soát FSC

Ít doanh nghiệp gỗ có chứng nhận gỗ bền vững

Ngành gỗ đặt mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm 2015

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới