Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gỡ ‘vướng’ để nâng tầm thị trường chứng khoán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện có quy mô vốn hóa lớn hơn nhiều quốc gia thuộc thị trường mới nổi. Theo các chuyên gia, lợi thế về quy mô và nền tảng kinh tế của Việt Nam được đánh giá tốt hơn so với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực giúp TTCK Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút nguồn vốn ngoại một khi việc nâng hạng hoàn thành.

Việt Nam tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên (frontier markets), cùng Sri Lanka, Bangladesk và Pakistan. Nhưng các chuyên gia cho rằng mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi trước năm 2025, theo yêu cầu của Chính phủ, hoàn toàn khả thi.

Mục tiêu nâng hạng trong tầm tay

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối Phân tích thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, nhận định Việt Nam gần như là ứng viên duy nhất cho “tấm vé” nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI khi chiếm tỷ trọng cao nhất trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index với 30,3%, bỏ sau khá xa các thị trường khác như Morocco (9,61%), Iceland (8,86%) và Kazakhstan (8,38%).

Ngoài ra, TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và chất lượng. Quy mô vốn hóa tăng từ mức 190 tỉ đô la Mỹ một ngày ở cuối năm 2019 lên mức xấp xỉ 280 tỉ đô la Mỹ hiện tại.

“Nhìn lại chặng đường 3 năm qua thì thanh khoản trung trung bình năm 2022 cũng tăng gấp 4 gần so với năm 2019”, bà Hiền nói. Bà cho biết mức thanh khoản này lớn hơn nhiều so với các thị trường trong nhóm cận biên như Morroco, Iceland, Kazakhstan.

Điều này, theo bà Hiền, giúp thị trường Việt Nam đáp ứng một số tiêu chí định lượng quan trọng để nâng hạng thị trường mà các tổ chức như FTSE và MSCI đưa ra với thị trường mới nổi.

Việc nâng hạng sẽ giúp TTCK Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn ngoại và cải thiện đinh giá. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán và trái phiếu thuộc VinaCapital, cho rằng kế hoạch nâng hạng trước năm 2025 - theo yêu cầu của Chính phủ - hiện tại vẫn khả thi.

Vị này cho rằng chuyển động thực tiễn nhất đến từ chủ trương và ý chí của các cơ quan Chính phủ. Cụ thể, sau khi sửa đổi một loạt các luật có liên quan, nổi bật là đưa sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), Bộ Tài chính đã xin ý kiến Thủ tướng về dự thảo quyết định "Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030", trong đó định hướng thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế.

“Việc nâng hạng thị trường chắc chắn là một điều kiện tiên quyết để hướng tới mục tiêu này. Các chủ trương này góp phần đốc thúc các cơ quan quản lý thị trường trong việc triển khai các kế hoạch đã được đặt ra một cách kịp thời, nhanh chóng”, bà Thu nói. Theo bà, đã có một số tiến triển thực tế như việc HOSE triển khai giao dịch lô lẻ và thanh toán T+2.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BIDV (BSC), dự báo TTCK Việt Nam sẽ phát triển tích cực trong 3-5 năm tới, mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ được hiện thực hóa vào năm 2025 khi các tổ chức xếp hạng FTSE, MSCI đã có những ghi nhận nhất định về sự phát triển của thị trường.

Dự báo của ông Khoa dựa trên cơ sở là quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tăng trưởng vượt bậc và sớm đạt mục tiêu được Chính phủ định hướng vào năm 2025. Với nền tảng này, tỷ lệ người dân tham gia chứng khoán được kỳ vọng sẽ sớm đạt mức 8%.

Chất lượng của thị trường cũng thay đổi theo hướng bền vững với các quy định pháp lý luôn được cập nhật nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển thị trường. Ngoài ra, nhiều hoạt động thao túng, làm giá đã bị ngăn chặn và xử lý, trả lại sự công bằng cho nhà đầu tư, giúp bình ổn và đưa thị trường chứng khoán về quỹ đạo phát triển bền vững hơn.

Về các tổ chức trung gian, cơ cấu hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán giảm số lượng và tăng chất lượng dịch vụ thông qua triển khai công nghệ và fintech.

Về hệ thống giao dịch, thời gian giao dịch đã được rút ngắn từ T+3 xuống chiều T+2 trong tháng 9-2022. Lộ trình giảm thời gian thanh toán xuống T+0 trong thời gian tới sẽ cho phép nhà đầu tư giao dịch thấu chi và ký quỹ theo thông lệ quốc tế cũng được công bố và có lộ trình rõ ràng.

Về pháp lý, bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng cao khung pháp pháp lý đã từng bước đáp ứng tiêu chí nâng hạng. Cụ thể, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, gồm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, báo cáo vào tháng 6-20022 của MSCI đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam như quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, chuyển đổi mô hình và đổi tên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Những nút thắt

Bên cạnh cơ hội, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết việc nâng hạng TTCK Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức về mặt kỹ thuật, dẫn đến việc triển khai tổ chức đối tác bù trừ trung tâm (Central Clearing Counterparty), công nghệ KRX, giao dịch T+0 và loại bỏ yêu cầu về pre-funding (phải đảm bảo đầy đủ tiền trước khi giao dịch) bị trễ hơn dự kiến.

“Việc không có giao dịch T+0, dự kiến có thể được giải quyết bởi CCP/công nghệ KRX, và giao dịch bị vướng room nước ngoài, dự kiến có thể được giải quyết bởi NVDR, là hai tiêu chí cản trở việc nâng hạng của TTCK Việt Nam nhiều nhất”, bà Thu đánh giá.

Tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cho rằng việc chưa thể triển khai hệ thống công nghệ KRX - nền tảng để thị trường phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới gồm T+0, bán khống, sản phẩm giao dịch phái sinh trên trái phiếu và cổ phiếu – trong năm 2022 khiến quá trình nâng hạng chậm lại.

Bà Trần Thị Khánh Hiền cho biết một số điểm nghẽn cho quá trình nâng hạng của thị trường Việt Nam vẫn còn tồn tại, gồm giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành có điều kiện, tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Ngoài ra, việc đăng ký đầu tư và mở tài khoản cần được VSD thông qua.

Về hoạt động thanh toán và bù trừ, hiện thị trường không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.

Về công bố thông tin, các thông tin về TTCK, quy định về thị trường, thông tin doanh nghiệp thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

Bên cạnh những khó khăn trên, ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết nếu nhìn vào bộ tiêu chí của MSCI thì ngành chứng khoán hay Bộ Tài chính không hoàn toàn kiểm soát một số tiêu chí.

Điển hình là bộ tiêu chí cởi mở cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không đạt ba tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về giới hạn “room” ngoại và đối xử bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài liên quan tới một số bộ, ngành khác. Tương tự, giới hạn về tự do hóa thị trường ngoại hối cũng liên quan đến ngành ngân hàng.

Chung tay tháo gỡ khó khăn

Với bối cảnh trên, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng cần tinh thần quyết tâm chung và phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn.

Với ngành chứng khoán, vị này khuyến nghị chủ động thực hiện sớm một số giải pháp như yêu cầu các thành viên tham gia thị trường công bố thông tin theo hình thức song ngữ và đưa ra các chế tài cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thông tin. Đây là một tiêu chí đóng vai trò rất quan trọng vì cả MSCI lẫn FTSI đều rất chú trọng đến quyền tiếp cận thông tin bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Về thanh toán bù trừ, cần đẩy nhanh dự án hợp tác với đối tác Hàn Quốc (KRX) nhằm nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán trong bối cảnh thị trường chưa có thông tin cập nhật về tiến độ dự án này.

Bên cạnh đó, cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK, ngăn chặn tình trạng các tin đồn sai căn cứ nhằm lành mạnh hóa thị trường khi Việt Nam bước ra một sân chơi lớn hơn.

Với nội tại thị trường, ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng cần sự chung tay phát triển các thành viên tham gia gồm cơ quan điều hành, các tổ chức phát hành, các tổ chức trung gian và các nhà đầu tư chứng khoán.

Với cơ quan điều hành, quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính gần đây được thị trường đánh giá cao. Các quan điểm này bao gồm việc xây dựng cơ chế bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường, tập trung vào các giải pháp quản lý, phát triển thị trường; nâng cao công tác giám sát, thanh kiểm tra các công ty đại chúng, không đại chúng khi huy động vốn, tránh hiện thao túng làm giá nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng an toàn, công khai, minh bạch...

Với tổ chức phát hành, cần minh bạch trong công bố thông tin, trong sử dụng vốn phát hành, quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, tập trung nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và đối xử công bằng với nhà đầu tư.

Với các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thanh toán bù trừ, cần tuân thủ triệt để các quy định luật pháp và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện công bố thông tin và chế độ báo cáo. Các cơ quan này cũng cần phối hợp với cơ quan điều hành tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức tài chính cho nhà đầu tư.

Với nhà đầu tư, cần trang bị những kiến thức cần thiết, có thông tin đầy đủ, hiểu biết các kiến thức tài chính, chuẩn bị các phương án kiểm soát được rủi ro.

“Cùng với sự theo đuổi các chính sách và các giải pháp phát triển thị trường, nếu các thành viên tham gia thị trường tuân thủ và có sự chuẩn bị phù hợp như trên, tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không ngừng phát triển và trở thành thị trường tầm cỡ, quan trọng trong khu vực trong 10 năm tới”, ông Khoa đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới