(KTSG Online) - Ngành ngân hàng cần xác định những trở ngại, nhìn lại bất cập, tồn tại, tìm ra những giải pháp tháo gỡ và gợi mở hướng đi mới cho công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Thông tin trên được ghi nhận tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề "Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" do Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và Tập đoàn IEC tổ chức vào chiều ngày 11-10.
- Top 10 ngân hàng Việt Nam đầu tư 15.000 tỉ đồng mỗi năm cho chuyển đổi số
- Ngành ngân hàng đặt tham vọng chuyển đổi số, 70% giao dịch là qua internet
Tham gia thảo luận tại diễn đàn trên, ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, kiến nghị ngành ngân hàng cần có khung hướng dẫn chung để có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI toàn diện, hiệu quả.
Ông Việt đưa ra kiến nghị trên vì theo ông, có ngân hàng rất thận trọng do liên quan đến những vấn đề như dữ liệu để vận hành giải pháp AI sẽ xử lý thế nào; AI đóng vai trò là công cụ máy móc hỗ trợ con người, vậy ai là người chịu trách nhiệm chính...
Tham khảo kinh nghiệm các nước, ông Việt cho biết tại các nước phát triển như Anh hoặc Singapore, tuy không có nhiều bộ luật quy định nhưng có rất nhiều hướng dẫn cụ thể. Điều này giúp doanh nghiệp ứng dụng AI hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quy trình vận hành, đảm bảo các quy tắc kinh doanh và luật hiện hành.
Từ đó, đại diện FPT cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra khung hướng dẫn chung về ứng dụng AI dành cho các doanh nghiệp để các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng.
Ông Lê Hồng Việt cũng khuyến nghị, cần có sự tách bạch trong cơ chế phân loại hệ thống thông tin, phân biệt giữa chiều dữ liệu và năng lực xử lý thông tin. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý dữ liệu, tận dụng tối đa sức mạnh của dữ liệu lớn và công nghệ điện toán đám mây, giúp các ngân hàng có thể đột phá về tốc độ, quy trình vận hành và sáng tạo.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng, mặc dù đã có những kết quả bước đầu khả quan, nhưng ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó là xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Những vấn đề trên đặt ra cho ngành ngân hàng phải chuyển đổi số bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể. Ngành ngân hàng cần xác định những trở ngại, nhìn lại bất cập, tồn tại, tìm ra những giải pháp tháo gỡ và gợi mở hướng đi mới cho công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Tính đến nay, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Các công nghệ phổ biến của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn... đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng; tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%...