Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Gói đầu tư giáo dục: Rủi ro khi học phí ẩn chứa quan hệ tín dụng thiếu cam kết

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo các chuyên gia, đối với các gói đầu tư giáo dục một lần được miễn phí hoặc giảm phí toàn bộ thời gian học tại một số trường quốc tế hiện nay là một hình thức huy động vốn ẩn chứa nhiều rủi ro cho phụ huynh.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, trong năm học mới 2024-2025, Trường Tiểu học, Trung học sơ sở và Trung học phổ thông quốc tế Mỹ (gọi tắt là: Trường quốc tế Mỹ Việt Nam hoặc AISVN) không thể mở cửa để hoạt động giáo dục. Lý do là trường này chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ minh chứng thể hiện đã khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ hoạt động.

Trước đó, Trường quốc tế Mỹ Việt Nam đã bị Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM ra quyết định đình chỉ hoạt động từ ngày 1-7 do không đảm bảo điều kiện dạy học, vì chưa có đủ nguồn lực tài chính, giáo viên và nhân viên. Ngoài ra, Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè cũng đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM về việc đề nghị thu hồi giấy phép thành lập Trường quốc tế Mỹ Việt Nam do đơn vị này nợ thuế kéo dài.

Dù ngành giáo dục TPHCM có nhiều hỗ trợ cho học sinh chuyển đến các trường để kịp bước vào năm học mới, nhưng đây chỉ là phương án trước mắt. Hiện nhiều phụ huynh vẫn như ngồi trên “đống lửa”, bởi không biết rằng liệu khi trường bị đình chỉ hoặc có thể chuyển giao cho chủ đầu tư khác, thì số tiền đầu tư của họ có được an toàn.

Những năm học trước đó, nhiều phụ huynh và Trường quốc tế Mỹ Việt Nam đã ký một hợp đồng đầu tư giáo dục. Phụ huynh cho trường vay một khoản tiền lớn từ vài tỉ đến gần 10 tỉ đồng. Đổi lại con của họ sẽ được học tại trường với mức học phí 0 đồng. Kết thúc thời gian học hoặc gặp lý do bất khả kháng sẽ nhận lại tiền. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh chưa lấy lại được số tiền đã góp vốn dù con của họ đã hoàn thành khóa học vài năm.

Nhiều phụ huynh Trường quốc tế Mỹ Việt Nam đứng trước nỗi lo khi chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính. Ảnh: AISVN

Cho trường vay không lãi: Rủi ro đẩy về phụ huynh 

Trao đổi với KTSG Online, ông Bùi Khánh Nguyên, chuyên gia giáo dục độc lập cho biết, các gói đầu tư một lần được miễn phí hoặc giảm phí toàn bộ thời gian học tại trường có thể mang lại sự tiện lợi cho phụ huynh. Gói đầu tư giáo dục này cũng phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi và mong muốn đảm bảo chỗ học cho con lâu dài. Tuy nhiên, khi cho vay tiền chỉ dựa trên lòng tin (tín chấp) thì có thể có rủi ro khi trường phá sản hoặc tệ hơn gặp phải tổ chức giáo dục lừa đảo.

Khi trường học bị ngừng hoạt động vì bất cứ lý do gì, người đầu tiên bị ảnh hưởng là học sinh. “Bởi không phải chương trình nào hay cấp lớp nào cũng có thể chuyển ngang. Chẳng hạn như chương trình IGCSE, A level và IB Diploma phổ biến trong trường quốc tế thường dạy theo đơn vị 2 năm liên tục thay vì một năm học như thông thường. Vì vậy, học sinh đang học dở chương trình sẽ rất khó tìm được trường nhận vào. Thông thường các em phải bỏ dở chương trình đó hoặc chấp nhận học lại chương trình đó từ đầu”, ông Nguyên phân tích.

Cũng theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT, đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản tại Việt Nam, thoạt nhìn, các gói đầu tư giáo dục có thể làm cho nhiều phụ huynh nghĩ rằng việc đóng tiền một lần sẽ được chiết khấu nhiều. Tuy nhiên, bản chất bên trong lại phức tạp và tương đương với việc phát hành trái phiếu từ nhà trường. Điểm mấu chốt là không có tài sản đảm bảo, quá hợp lý cho nhà trường nhưng đầy phi lý và bất lợi cho phụ huynh.

“Không ít phụ huynh vì thiếu kiến thức tài chính cơ bản nên đang nhìn cuộc chơi này tương đối đơn giản. Một số khách hàng chia sẻ, với hình thức nộp học phí vừa nêu trên tính ra lợi nhuận khoảng 7-10% (tùy mỗi trường và từng giai đoạn). Phụ huynh cảm thấy lợi nhuận hợp lý, cao hơn lãi huy động gửi tiết kiệm; cũng như có nhiều mặt lợi nên họ không suy nghĩ nhiều, mà sẵn sàng cho trường vay một khoản tiền lớn", ông Huấn cho hay.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng nhận định khi đầu tư vào các gói giáo dục này, ít người Việt quan tâm về vấn đề thẩm định rủi ro. Với hình thức này, nếu thuận lợi, nhà trường đúng nghĩa là “tay không bắt giặc”. Họ đưa ra ý tưởng kinh doanh; sau đó hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người góp vốn mà không bị kiểm soát. Phía nhà trường được hưởng quá nhiều lợi ích mà không hề có rủi ro, cũng như giao gần hết rủi ro phá sản lại cho phụ huynh.

“Rủi ro ở đây là mất sạch vốn nếu trường hoạt động không tốt. Về bài toán kinh tế, nếu thuận lợi, tỷ lệ lợi nhuận tầm 7-10% nhưng nếu rủi ro thì khả năng mất vốn 100%. Đây là sự đầu tư vô lý và cũng là bài học lớn khi trao tiền bằng niềm tin mà không có tài sản đảm bảo”, ông Huấn nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, vụ việc huy động vốn từ phụ huynh của Trường quốc tế Mỹ Việt Nam được xem là lời cảnh báo cho phụ huynh nên cẩn trọng khi đầu tư vào các gói giáo dục. Ảnh: AISVN

Tách biệt hoạt động doanh nghiệp, nhà trường khi huy động vốn

Được biết, hiện nhiều trường tư thục cũng triển khai hoạt động này với tên gọi “gói đầu tư giáo dục” như hệ thống trường ICS, hệ thống Dewey Schools, Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS), Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA)...

Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, hình thức vay vốn phụ huynh để thành lập và phát triển trường đã có từ gần 15 năm trước và trong vài năm gần đây trở nên càng phổ biến hơn. Theo thống kê, hiện có khoảng gần 20 trường quốc tế và song ngữ ở TPHCM và Hà Nội có gói đầu tư giáo dục thông qua hình thức trả học phí trước nhiều năm.

Dù có những trường được đầu tư bởi các tập đoàn lớn như Nord Anglia, Cognita, Inspired Education... nhưng ông Nguyên cho rằng hầu hết trường quốc tế hiện do các công ty vừa và nhỏ trong nước thành lập. Để xây dựng một trường quốc tế hoặc song ngữ tư thục nói chung, các trường cần có từ 500 tỉ đến vài ngàn tỉ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, thuê đất, chi phí vận hành, trả lương cho giáo viên nước ngoài... Do vậy, rất nhiều dự án xây dựng trường có nhu cầu vay vốn.

“Hiện nay, rất hiếm trường tư thục phi lợi nhuận, hoạt động vì mục tiêu phụng sự giáo dục và xã hội. Đa số hoạt động vì lợi nhuận với mục tiêu cao nhất là kiếm tiền từ giáo dục. Từ trước đến nay, chức năng của trường học là dạy học và được thu học phí, thông thường không quá một năm học. Trường hợp nhà trường phải dừng việc giảng dạy trong năm học, thì vẫn có nghĩa vụ phải hoàn lại phần học phí chưa sử dụng tới cho phụ huynh", ông Nguyên nói.

Hình thức đầu tư giáo dục thông qua học phí về bản chất ẩn chứa mối quan hệ tín dụng. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro, ông Nguyên cho rằng cần nên tách bạch quan hệ tín dụng với việc đóng học phí. Ngoài ra, ngành giáo dục cần có quy định rõ về việc trường học có chức năng huy động vốn, phát hành trái phiếu, phát hành các gói đầu tư giáo dục hay không. Tất cả các vấn đề này đã phát sinh trong thực tế. Do đó, ngành giáo dục cần luật hóa các quy định để hướng dẫn cho trường và phụ huynh biết rõ quyền lợi, trách nhiệm và giới hạn mỗi bên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới