Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gói hỗ trợ thì phải nhanh và dễ với

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chính phủ đã trình Quốc hội gói chính sách tài khóa và tiền tệ với tổng trị giá tới 340.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Gói hỗ trợ này đã được Quốc hội thông qua, nhưng chưa đề cập con số cụ thể. Đây là gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử và cũng là điều nhiều doanh nghiệp đang mong chờ.

Tuy nhiên, quyết định này mới chỉ giải quyết được phần chủ trương chung, khó khăn thực sự là làm sao để số tiền dự chi đó được giải ngân một cách nhanh chóng đến đúng người, đúng chỗ để có thể hiện thực hóa được mục tiêu là “hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”.

Có thể thấy, gói hỗ trợ của Chính phủ đề xuất mới nêu ra được những nhiệm vụ tổng quát. Để số tiền này đến được đúng đối tượng, đúng lĩnh vực cần kích cầu và có tác động lan tỏa thì cần phải có kế hoạch chi tiết và được đánh giá kỹ lưỡng. Việc làm này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, nếu cộng thêm sự lúng túng và trì trệ như đã thấy trong thời gian qua ở nhiều địa phương, rất có thể phần lớn trong số tiền dự chi ra, sau hai năm, sẽ vẫn nằm trên giấy.

Trong gói hỗ trợ này, phần dự chi để phát triển hạ tầng giao thông chiếm trên 176.000 tỉ đồng và đây cũng là chương trình đầu tư được kỳ vọng nhất. Nhưng theo tình hình thực tế hiện nay, giải ngân hết số tiền này trong hai năm theo kế hoạch của Chính phủ gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Chưa nói đến việc giờ mới bắt tay vào làm thủ tục, và với quy trình xét duyệt nhiêu khê, phức tạp còn ở phía trước, chỉ riêng việc hoàn tất giải phóng mặt bằng trong hai năm đã là một thách thức.

Hay như khoản chi dự kiến khoảng 40.000 tỉ đồng để hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay ngân hàng, chính sách này hầu như vô dụng đối với những doanh nghiệp cần vốn kinh doanh nhưng không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, vì không còn tài sản để thế chấp. Không biết những người thiết kế chính sách có nghĩ đến nhóm đối tượng này chưa?

Trong gói hỗ trợ do Chính phủ trình, có lẽ chính sách giảm thuế, phí và lệ phí là dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên, 64.000 tỉ đồng dự kiến giảm cũng chỉ chiếm 4,35% tổng thu ngân sách của năm 2021 và chưa bằng một nửa so với số thu vượt dự toán của năm. Rõ ràng là số dự kiến giảm này chẳng thấm vào đâu so với gánh nặng chi phí tăng vọt trong suốt năm qua của doanh nghiệp, từ chi phí phòng chống dịch đến cước phí vận tải và giá nhiên liệu…

Các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế là rất cần thiết. Nhưng điều doanh nghiệp còn cần hơn là giúp cho hoạt động của họ được thông suốt, trước hết là đừng để doanh nghiệp phải phập phồng lo lắng về nguy cơ gián đoạn kinh doanh vì cách chống dịch mỗi nơi làm một kiểu, nhất là sau khi phát hiện những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.

Đồng thời, bên cạnh việc giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, Quốc hội nên cân nhắc giảm thuế, phí cho người dân để hỗ trợ cải thiện sức mua của thị trường. Trong đó, ngoài thuế VAT đã được đề xuất, Quốc hội có thể xem xét giảm ngay thuế thu nhập cá nhân, ít nhất là cho các bậc thuế đầu tiên; giảm thuế và lệ phí đánh trên xăng dầu để giảm giá xăng; miễn hoặc giảm ít nhất một năm phí công đoàn cho doanh nghiệp nào cam kết dùng số tiền được giảm để tăng thu nhập cho công nhân…

Trong bối cảnh thu nhập của người dân đang cạn kiệt như hiện nay, một mình chi tiêu của Nhà nước sẽ khó có thể sớm vực dậy sức mua của thị trường nên rất cần có chính sách hỗ trợ để người dân có thể có thêm thu nhập để chi tiêu nhiều hơn. Đây mới là giải pháp thiết thực nhất để phục hồi và phát triển kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới