Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gọi vốn cộng đồng và những vùng xám pháp lý

Nguyễn Ngọc Phương Hồng - Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hoạt động gọi vốn cộng đồng có nhiều dư địa để phát triển nhưng vẫn đang bị kìm hãm vì thiếu khung pháp lý. Trong bối cảnh luật pháp không rõ ràng, các bên cần nhận diện được những vùng xám pháp lý để phòng tránh những rủi ro.

Dư địa lớn, thử thách nhiều

Vào năm 1997, một ban nhạc rock tại Anh đã không thể đến Mỹ biểu diễn vì thiếu nguồn tài chính. Sau đó, thông qua các nền tảng trực tuyến, họ đã nhận được sự quyên góp từ cộng đồng người hâm mộ để thực hiện chuyến lưu diễn của mình. Đây được xem là khởi đầu của mô hình gọi vốn cộng đồng - thông qua Internet để huy động nguồn vốn từ cộng đồng tài trợ cho việc thực hiện các dự án, ý tưởng.

Kể từ đó, gọi vốn cộng đồng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm qua, gọi vốn cộng đồng cũng bắt đầu được áp dụng, trong bối cảnh nhiều thách thức và khó khăn vì thiếu khung pháp lý(1). Nhiều nền tảng gọi vốn cộng đồng đã xuất hiện nhưng nhanh chóng biến mất.

IG9.vn là nền tảng đầu tiên ra đời từ năm 2013 và theo sau đó là hàng loạt cái tên khác như Firststep.vn, Comicola.com, Betado.com, Fundstart.vn, Charity Map, Fundingvn.com. Tuy nhiên đến hiện nay, trong số này chỉ còn hai nền tảng tồn tại: Comicola, Betado. Trong đó, theo thông tin hiển thị tại nền tảng Betado thì dự án mới nhất cũng đã cách đây ba năm và đã kết thúc. Còn nền tảng Comicola vẫn hoạt động khá sôi nổi với nhiều dự án đang được triển khai. Thông qua nền tảng này, đã có 11.023 người ủng hộ cho 55 công ty sáng tạo số tiền hơn 4,7 tỉ đồng. Gần đây nhất, Comicola chính thức công bố kêu gọi thành công số vốn hơn 1,7 tỉ đồng cho Dự án hoạt hình con Thỏ, vượt qua số vốn mục tiêu ban đầu là 1,2 tỉ đồng.

Nhìn từ sự thành công trong việc gọi vốn của Dự án hoạt hình con Thỏ phần nào cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với những ý tưởng, dự án sáng tạo. Đây có thể xem là những hạt giống tốt để ươm mầm cho sự phát triển của góp vốn cộng đồng tại Việt Nam.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ lưỡng hoạt động của các nền tảng cũng như mô hình góp vốn cộng đồng hiện nay, người viết nhận thấy vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến từ những vùng xám pháp lý mà pháp luật hiện hành còn bỏ ngỏ.

Trách nhiệm của các bên liên quan

Trong hoạt động góp vốn cộng đồng, có ba quan hệ hợp đồng cần được chỉ ra, đó là quan hệ giữa nền tảng - người gọi vốn, quan hệ giữa nền tảng - người góp vốn và cuối cùng là quan hệ giữa người gọi vốn và người góp vốn. Hiện tại ở Việt Nam, do chưa có khung pháp lý riêng biệt cho hoạt động góp vốn cộng đồng nên các quan hệ nói trên chủ yếu được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự.

Trong hoạt động góp vốn cộng đồng, có ba quan hệ hợp đồng cần được chỉ ra, đó là quan hệ giữa nền tảng - người gọi vốn, quan hệ giữa nền tảng - người góp vốn và cuối cùng là quan hệ giữa người gọi vốn và người góp vốn.

Tuy nhiên việc thiếu vắng quy định cụ thể về tư cách, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ góp vốn cộng đồng cũng dẫn đến thực trạng là không có cơ sở pháp lý cụ thể để áp dụng khi phát sinh tranh chấp cũng như quản lý nhà nước, đặc biệt với việc quản lý tiền đóng góp từ cộng đồng, nghĩa vụ thuế, phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, đảm bảo hoạt động và minh bạch về thông tin truyền tải đến người dùng.

Tại cam kết về bảo vệ khách hàng, một số nền tảng khẳng định trách nhiệm pháp lý của họ là giới hạn, cho dù Việt Nam có quy chế pháp lý cho góp vốn cộng đồng hay không. Điều này không sai nhưng có lẽ người dùng cần được bảo vệ chặt chẽ hơn ngoài những cam kết đơn thuần của nền tảng tại trang web chính thức, trong đó bao gồm cả việc hoàn tiền, yêu cầu kết nối với dự án, trách nhiệm theo dõi và giải ngân có điều kiện cũng như có trích lập quỹ dự phòng.

Trong trường hợp nền tảng không đảm bảo được hoạt động dẫn đến giải thể, phá sản, các trách nhiệm pháp lý phát sinh vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Tương tự, về trách nhiệm với các dự án, nền tảng cũng chưa đưa ra bất kỳ cam kết chung nào ngoài nội dung hợp đồng cung ứng dịch vụ. Các vấn đề pháp lý phát sinh ngoài hợp đồng cũng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Đối với bên gọi vốn, cơ chế thẩm định chất lượng dự án hay ý tưởng cũng chưa được làm rõ. Một số nền tảng tuyên bố mình sẽ tham gia vào thẩm định các dự án, ý tưởng của bên gọi vốn nhưng tiêu chí và quy trình cụ thể như thế nào đều không được công bố. Vì vậy không loại trừ trường hợp các dự án chỉ là “bánh vẽ” để thu tiền từ cộng đồng hoặc sử dụng tiền sai mục đích. Thực tế cho thấy việc công bố số liệu về tài chính chứng minh quá trình sử dụng tiền huy động còn khá hạn chế và thiếu độ xác tín. Hay cơ chế giải quyết khi dự án chậm tiến độ hoặc thất bại cũng được thể hiện khá sơ sài trên các điều khoản của nền tảng.

Do đó, để tăng cao uy tín cho các nền tảng cũng như bên gọi vốn, trong lúc chờ đợi khung pháp lý, các bên cần chủ động xây dựng hệ thống các quy chế, chính sách hoạt động và các cam kết rõ ràng, chi tiết hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người góp vốn và minh bạch thông tin.

Rủi ro tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Trong số các dự án đang được góp vốn cộng đồng, có thể thấy xu hướng chính là tập trung vào các dự án văn hóa sáng tạo như boardgame, truyện tranh, hoạt hình, trò chơi. Cũng từ đó gợi mở ra câu hỏi đầu tiên liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đó là vai trò của các bên, (bao gồm tác giả, nền tảng, người ủng hộ) (backer) là gì trong các hoạt động sử dụng và khai thác bản quyền liên quan sau khi kết thúc gọi vốn.

Về phía nền tảng, với vai trò là bên cung ứng dịch vụ và trung gian để tác giả đến gọi vốn cho dự án của mình, các nền tảng nhìn chung không liên quan và cũng không dính dáng gì đến quá trình sáng tạo ra tác phẩm. Do đó, vai trò của nền tảng cũng không khớp với bất kỳ định nghĩa nào về tác giả, đồng tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả. Quyền và nghĩa vụ của nền tảng chủ yếu bị ràng buộc bởi hợp đồng cung ứng giữa nền tảng với người gọi vốn (creator). Thông thường quá trình thẩm định và tư vấn của nền tảng là để đảm bảo dự án minh bạch và đảm bảo các yếu tố liên quan đến bản quyền. Việc đảm bảo quyền tác giả và dự án đang không trong tình trạng tranh chấp liên quan cũng là một trong những nghĩa vụ của người gọi vốn mà cả chủ thể này và nền tảng cần lưu tâm.

Ngược lại với nền tảng thì vai trò của người ủng hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ phát sinh lại không đơn giản như thế. Với vai trò là người đóng góp tiền bạc, hỗ trợ tài chính cho tác giả hoàn thành tác phẩm, câu hỏi đặt ra ở đây là người ủng hộ có phải là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra từ nguồn tài chính có được từ hoạt động góp vốn cộng đồng hay không.

Bởi lẽ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, nếu xem xét hoạt động góp vốn cộng đồng như một hợp đồng giữa người sáng tạo và người góp vốn về việc tạo ra một tác phẩm, với sản phẩm cụ thể trao lại cho người ủng hộ dựa trên nguồn tài chính họ đã cung cấp cho tác giả trước đó, thì những người góp vốn cũng có thể trở thành chủ sở hữu quyền tác giả.

Có lẽ người dùng nói chung sẽ không mấy quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ hay khai thác thương mại sau dự án khi đóng góp một số tiền nhỏ ủng hộ một dự án mình yêu thích. Tuy nhiên từ góc độ pháp lý, với vai trò là chủ sở hữu quyền tác giả, người ủng hộ có các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm. Điều đó cũng có nghĩa là nếu vin vào lập luận về tư cách chủ sở hữu, nhiều người có thể đặt ra vấn đề pháp lý và làm khó các chủ dự án. Trong trường hợp đó, các chủ sở hữu mới thực sự là người có quyền được thực hành các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm.

Cần lưu ý rằng, việc sở hữu về mặt vật lý các phần quà (reward) không phải là điểm kết thúc và cũng không phải là tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của tập thể người ủng hộ. Tập thể, hay bất kỳ người ủng hộ nào cũng có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ pháp lý để yêu cầu các dự án góp vốn cộng đồng tuân thủ trách nhiệm liên quan. Sẽ càng phức tạp hơn khi người ủng hộ có ác ý muốn ngăn chặn việc công bố tác phẩm, khai thác thương mại, chuyển giao quyền... của chủ dự án. Do đó, bên gọi vốn và phía nền tảng cần lưu tâm đến việc phân định và công bố rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ đối với các dự án văn hóa sáng tạo để phòng tránh những rủi ro có thể phát sinh.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Dựa vào quyền lợi mà người góp vốn nhận được có thể chia gọi vốn cộng đồng thành bốn loại: (i) từ thiện (Donate); (ii) góp cổ phần (Equity); (iii) góp vốn cho vay (Lending); (iv) nhận quà tri ân (Reward-based). Trong nội dung bài viết, tác giả chỉ tập trung vào phân tích hình thức gọi vốn cộng đồng số (iv) - nhận quà tri ân vì đây là mô hình đang rất được quan tâm sau sự kiện huy động vốn thành công của dự án hoạt hình con Thỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới