Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gợi ý nào cho phát triển kinh tế ĐBSCL?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gợi ý nào cho phát triển kinh tế ĐBSCL?

Trung Chánh

Gợi ý nào cho phát triển kinh tế ĐBSCL?
Gợi ý nào cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế ĐBSCL. Trong ảnh là PGS-TS Trần Đình Thiên trình bày tại diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa chịu những tác động chung giống như những khu vực khác trong cả nước, vừa có những bối cảnh đặc biệt riêng, cho nên cần có cách tiếp cận vừa chung, vừa đặc biệt trong chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp, kinh tế khu vực này.

Đó là vấn đề được PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nêu ra tại “Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL” được tổ chức hôm nay 13-7, tại Hậu Giang trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Hậu Giang năm 2016 (MDEC-Hậu Giang 2016).

Theo ông Thiên, thời gian gần đây, thái độ của cơ quan công quyền đối với doanh nghiệp thể hiện qua luật lệ, chính sách đang thay đổi rất mạnh, tức ngày càng thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực tư nhân, và “đấy là một dấu hiệu rất đáng mừng”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, vấn đề bây giờ của ĐBSCL là hành động tiếp, đặc biệt trong bối cảnh, điều kiện vùng này có sự thay đổi rất mạnh. “Có lẽ, ĐBSCL là một trong những vùng ngoài chịu tác động bởi bối cảnh chung cả nước, thì còn có những bối cảnh rất đặc biệt, cho nên, cách tư duy những chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp, kinh tế khu vực này tôi nghĩ cần có cách tiếp cận “vừa là chung, vừa đặc biệt riêng”, ông nói.

“Nhưng, khác thường như thế nào?” ông Thiên đặt vấn đề.

Qua khảo sát của mình, ông Thiên thấy một điều rất lạ, đó là trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ số phát triển doanh nghiệp của ĐBSCL là tốt nhất so với cả nước, cả về số doanh nghiệp đăng ký, số vốn, số lao động… “Tất nhiên, công bằng mà nói, tốt hơn, nhưng số lượng chẳng được mấy vì xuất phát điểm của chúng ta (ĐBSCL) về số doanh nghiệp, số vốn, lao động…, nó thấp nên có tăng cao hơn về mặt “tỷ lệ”, nhưng “số tuyệt đối” nó vẫn thấp hơn”, ông cho biết.

Trình bày tham luận tại diễn đàn này, bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ dẫn số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL, cho biết đến hết quí 1-2016, toàn vùng có 59.348 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 11,6% tổng số doanh nghiệp cả nước.

Theo bà Linh, điều đáng lưu ý là số doanh nghiệp thành lập mới trong ba tháng đầu năm 2016 đạt 1.242 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 54.515 tỉ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Linh, tình hình hoạt động doanh nghiệp ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm nhìn chung khá ổn định. “Tuy nhiên, với các vấn đề nổi bật có tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 là quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng đã và sẽ tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, bà cho biết.

Qua khảo sát của mình, ông Thiên thấy một điều rất lạ đối với ĐBSCL là trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ số phát triển doanh nghiệp của ĐBSCL là tốt nhất so với cả nước, cả về số doanh nghiệp đăng ký, số vốn, số lao động… “Tất nhiên, công bằng mà nói, tốt hơn, nhưng số lượng chẳng được mấy vì xuất phát điểm của chúng ta (ĐBSCL) về số doanh nghiệp, số vốn, lao động…, thấp nên có tăng cao hơn về mặt “tỷ lệ”, nhưng “số tuyệt đối” nó vẫn thấp hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, điều đáng ghi nhận là xu hướng đã tốt lên. “Tôi cho rằng đấy là dấu hiệu khá đặc biệt”, ông đặt vấn đề và lý giải điểm đặc biệt, đó là trong điều kiện nông nghiệp- nền tảng của ĐBSCL- giảm trong 6 tháng đầu năm 2016, thì số doanh nghiệp lại tăng lên. “Tôi cho rằng đây tuy có thể mới là ngắn hạn, nhưng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các địa phương trong vùng nên có những nghiên cứu, phân tích sâu rằng tại sao nó như vậy? Tại sao lúc khó (nông nghiệp âm) thì doanh nghiệp ĐBSCL lại tăng lên?” ông lưu ý.

Theo ông Thiên, ĐBSCL đang đứng trước bối cảnh sẽ có sự xoay chuyển rất lớn, nhất là tác động hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Ông Thiên cho rằng, quan sát công bằng thì dường như cách tiếp cận cho phát triển, việc cải cách, cải thiện môi trường thể chế…, tư duy, tầm nhìn giữa các tỉnh còn khác nhau. “Vì dụ, tôi đi Đồng Tháp chẳng hạn, cách tiếp cận hội nhập của địa phương này mấy năm nay rất mạnh, nhưng không phải tỉnh nào cũng mạnh như vậy”, ông dẫn chứng.

Bà Linh của VCCI Cần Thơ, cho rằng Đồng Tháp tiếp tục duy trì được phong độ của mình trong xếp hạng PCI với vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh/thành phố cả nước do địa phương cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là sự tiên phong và năng động của chính quyền tỉnh. Nhưng, ở một số địa phương khác, có vài xu hướng đáng lo ngại khi các nỗ lực cắt giảm “chi phí không chính thức cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng” cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả.

Ông Thiên nhận xét rằng những thay đổi gần đây của ĐBSCL là báo hiệu cái kéo dài, chứ không phải bất thường. “Hạn mặn, thiếu nước ngọt và kém phù sa của ĐBSCL nó không phải là hiện tượng bất thường, mà nó kéo dài, nó sẽ trở thành bình thường trong tương lai, cho nên khi một số tỉnh chuẩn bị có những cải cách ban đầu, thì bị gặp khó khiến cái đà cải cách nó chậm lại, có phải nó như vậy không?” ông nêu vấn đề.

Theo ông Thiên, ĐBSCL với nguồn lực, năng lực của mình để “vượt lên” là rất khó và trong ngắn hạn là không thể, “cho nên hội nhập, mở cửa quốc tế có thể là động lực quyết định, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên”, ông đặt vấn đề và cho rằng cách tiếp cận này phải được thảo luận và thống nhất trong chỉ đạo hành động cho ĐBSCL.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới