Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gốm Bàu Trúc lại “chọn đường”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gốm Bàu Trúc lại “chọn đường”

Hà Nguyễn

Một nghệ nhân Chăm đang làm gốm với kỹ thuật truyền thống không dùng bàn xoay.

(TBKTSG) – Được tin Sở Công Thương Ninh Thuận đang muốn hỗ trợ nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đầu tư máy móc, thay đổi một số khâu sản xuất gốm ở làng gốm thủ công này, nhiều người đã giật mình. Gốm Bàu Trúc đang đứng trước một sự chọn đường mang tính sống còn, khi yếu tố văn hóa truyền thống và đòi hỏi thị trường đang có dấu hiệu “bất hòa”…

Lần “chọn đường” thứ nhất

Trong kí ức của những ai từng đến Bàu Trúc trước năm 1995, làng gốm này gắn với hình ảnh những cộ bò đôi chậm rãi chở những lu, thạp, siêu thuốc, bếp lò, chậu, khuôn bánh… đi tìm những bãi chợ xa vài mươi cây số, mất hàng tháng trời để bán hết những mẻ gốm làm được. Ngày ấy, trước sự tấn công của hàng nhôm, nhựa công nghiệp vào thế giới hàng gia dụng, nhiều người cho rằng, giữ được cái nghề gốm là “chảy máu con mắt”.

Thế rồi một vận hội mới đã đến với làng gốm. Sinh viên Sỹ Hoàng trong một chuyến thực tập ngành mỹ thuật năm 1985, có dịp lưu trú ở nhà nghệ nhân Đàng Thị Vệ trong thời gian dài tìm hiểu nghề gốm, đã xin nhận bà Vệ làm mẹ nuôi. Khi về Sài Gòn, trở thành một họa sĩ, anh nuôi ý hướng biến cái vốc cát trên tay người mẹ Chăm nơi làng quê heo hút kia thành thứ ngọc lấp lánh ở nơi sang trọng để nhiều người thưởng ngoạn.

Tôn trọng phương thức sản xuất cũ của gốm Bàu Trúc (kỹ thuật không bàn xoay, nung lộ thiên, dùng nguyên liệu cát, đất sét và nước ở địa phương) nhưng trau chuốt phần thiết kế mẫu mã hướng đến tính trang trí, mỹ thuật, thể nghiệm đính cườm, buộc lụa, Sỹ Hoàng đã dấn thêm một bước khá táo bạo – mở cuộc triển lãm hơn 800 sản phẩm gốm Chăm có tên “Điểm của một thời” (2001) tại Sài Gòn. Cuộc triển lãm tạo được tiếng vang lớn và đạt doanh thu cao (tác phẩm gốm tại triển lãm đã được bán hết và còn được nhiều khách hàng ngoại quốc đặt mua thêm!).

Bộ mặt Bàu Trúc thay đổi sau cuộc triển lãm đó. Không chỉ có Sỹ Hoàng, một nhà thiết kế khác là Nguyễn Văn Tuyên, người gốc Phan Rang, cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc tiếp tục thiết kế, đặt hàng sản phẩm gốm mỹ nghệ ở địa phương để giới thiệu tại Sài Gòn và bán ra nước ngoài với số lượng lớn. Trong một gian nhà riêng của Tuyên nằm gần chợ Gò Vấp, có ngày có hàng chục khách hàng nước ngoài tìm đến mua gốm mang đi.

Hình ảnh những bầy lợn bụng ỏng chạm đất thả rông cùng với bọn trẻ trần truồng nhếch nhác nheo nhóc trên những ngõ làng đầy bụi của làng gốm gần biến mất, chuyện những đoàn người “digan” từ làng Chăm đi lê lết đến những phiên chợ xa để bán từng mẻ gốm chỉ còn trong kí ức những nghệ nhân già, rồi đến những chái nhà tranh vách đất tuênh huênh nắng gió cũng chìm vào dĩ vãng.

Làng gốm thay đổi sắc diện rất nhanh, chính thức kể từ năm 2001 trong một cuộc chọn đường có tính sống còn: tập trung làm hàng mỹ thuật phục vụ thị trường lớn thay vì làm hàng gia dụng truyền thống phục vụ địa phương như trước đây. Nhiều nghệ nhân già đã đi biểu diễn kỹ thuật làm gốm không bàn xoay khắp nơi. Nhiều người trẻ đã tự nguyện nối nghề vì hiểu đây là cái nghề sống được. Hàng chục gia đình nghệ nhân mở rộng, gắn bảng cơ sở sản xuất gốm ngay trong làng!

Thời kỳ này, vì quá yêu mà có người đã khoác cho Bàu Trúc lớp áo quá khổ khi tôn vinh đây là làng gốm cổ nhất Đông Dương dù cho đến nay, lục tìm nhiều tư liệu, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia khảo cổ, chúng tôi vẫn không tìm thấy cứ liệu nào khẳng định điều này.

Cuộc lột xác chọn đường đầu tiên của Bàu Trúc, về tính chất, có thể rút gọn theo một câu mà họa sĩ Sỹ Hoàng trả lời trên tờ Phụ Nữ xuân 2003: “Tôi không có ý cải cách về kỹ thuật, cách làm của gốm Chăm Bàu Trúc, mà chỉ dùng lối trang trí tôn lên vẻ đẹp của nó, muốn giữ lại một nghề gốm có lịch sử hàng ngàn năm không bị thất truyền, của một làng Chăm nghĩa tình”.

Sản phẩm phù điêu bằng gốm.

Thị trường hay truyền thống?

Có hai điều mà Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu đã lưu ý chúng tôi trước khi tiếp cận làng gốm lần này: một, chuyện cho rằng đây là làng gốm cổ nhất Đông Dương thì không xác định được; hai, kỹ thuật làm gốm không bàn xoay và nung lộ thiên không phải là duy nhất có ở Bàu Trúc.

Anh H., một cán bộ được Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận phân công hướng dẫn chúng tôi về làng gốm, hé lộ ý tưởng phát triển Bàu Trúc bằng cách nhập máy móc về thay đổi quy trình sản xuất ở đây giúp cho bà con đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Có hai điểm mà người đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận nêu ra nhằm chứng minh cho việc phải thay đổi phương thức làm gốm:

1/ do kỹ thuật nung lộ thiên truyền thống nung không đủ nhiệt độ chín gốm, dẫn đến sản phẩm gốm Bàu Trúc không đảm bảo độ bền khi vận chuyển đi xa cho nên phải đầu tư lò nung mua về từ gốm Bình Dương, sau khi nung đều xong thì phải nung lộ thiên lần nữa để “lấy màu” hỏa biến, sản phẩm vừa đạt được độ bền vừa đạt được sắc thái như gốm nung theo cách truyền thống;

2/ kỹ thuật tạo dáng gốm không bàn xoay truyền thống không còn đảm bảo được nhu cầu sản xuất số lượng lớn, sản phẩm đều đặn kiểu dáng và tiến độ giao hàng đúng theo lịch đặt hàng thị trường, chính vì vậy sẽ phải trang bị máy móc, bàn xoay để thực hiện khâu kỹ thuật này. Theo phương án này, kỹ thuật làm gốm truyền thống vẫn phải giữ gìn nhưng chỉ để… biểu diễn chứ không phải để sản xuất.

Chúng tôi vào cơ sở gốm của ông Đàng Xem, một nghệ nhân lâu năm trong làng. Ông Xem hoàn toàn đồng ý với giải pháp mà Sở Công Thương Ninh Thuận nêu ra. Tuy nhiên, ông tỏ ý băn khoăn về nguồn vốn để mua máy móc và nhất là nhận thấy việc xây nhà triển lãm gốm ở trung tâm làng đang trở nên hoang phí, không làm cho việc bán gốm khá hơn.

Trong lúc đó, ông Sử Văn Ngọc, một thành viên trong ban biên soạn sách giáo khoa chữ Chăm, và gia đình đã làm gốm nhiều năm cũng hoàn toàn đồng thuận với cách thức mà Sở Công Thương nêu ra, vì theo ông như thế sẽ rất tiện lợi cho bà con và cải thiện tốt hơn nữa việc sản xuất và cung ứng cho thị trường trong bối cảnh mới. Nhưng đứng trước câu hỏi, liệu những thay đổi trên có làm cho nghề gốm Bàu Trúc dần dần bị xu thế công nghiệp, thị trường lấn át bản sắc truyền thống hay không, ông Ngọc cho biết: “Bán được gốm, làm cho đời sống khá lên thì người ta mới giữ được nghề!”.

Cần cái nhìn thấu đáo

Không thể chối cãi, không gian đặc trưng tín ngưỡng, địa sinh thái và văn hóa đã góp phần hình thành phương thức làm gốm đặc trưng của người dân Bàu Trúc. Tính đặc thù của sản phẩm gốm Bàu Trúc còn là chất liệu, quy trình sáng tạo và giá trị vô hình mà những bàn tay nghệ nhân tại đây nhào nặn nên. Ngay cả sự chọn lựa phương thức tổ chức sản xuất và bảo lưu hình thái không gian làng cũng là những yếu tố quan trọng góp vào cái gọi là bản sắc sản phẩm gốm được làm ra từ cái làng nắng gió chứa chan này, và chính điều này làm nên khác biệt giữa gốm Bàu Trúc với gốm Bình Dương hay Bát Tràng (Hà Nội), Thanh Hà (Quảng Nam)…

Ngay cả tính độc bản của sản phẩm, sự mong manh không bền vững của từng mặt gốm cũng mang trong nó nhiều lí lẽ truyền thống cần bảo lưu và lúc ấy để đáp ứng thị trường, người ta cần phải nghĩ đến cái hộp để đựng hơn là thay đổi cái chứa đựng bên trong. Điều này cũng giống như tục “ăn rừng” là một trong những điều làm nên không gian “văn hóa rừng” của người Mnông Gar ở Tây Nguyên. Trong sự mong manh có tính bền vững. Và trong sự tự diệt vong có sinh sôi.

Bảo lưu di sản văn hóa truyền thống làng nghề trước hết là bảo lưu một không gian văn hóa, một phương thức sản xuất chứ không chỉ dừng lại ở những sản phẩm vô tri có thể sản xuất hàng loạt càng nhiều, càng bền càng tốt.

Mong rằng trong dự án phát triển làng gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận sẽ có sự cân nhắc và tiếp thu ý kiến từ những chuyên gia văn hóa, không thể chỉ căn cứ trên những mong muốn trước mắt, để những can thiệp duy ý chí sẽ không bị tác dụng ngược hay phải đánh đổi quá nhiều!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới