Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản

Sakaya – SHINE Toshihiko(*)

Bình đựng tráng men đa màu.

(TBKTSG) – Chiêm nhân là danh từ người Nhật dùng để chỉ người Chiêm Thành – chủ nhân của vương quốc Champa cổ ở miền Trung Việt Nam từng một thời nổi tiếng về thương mại ở vùng châu Á. Ngay từ thế kỷ 12, họ đã đóng được những chiếc thuyền buôn lớn đến Campuchia, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Hiện nay, mặc dù Champa cổ đã mất nhưng những mặt hàng tiêu biểu như trầm hương, sa nhân, mật ong, roi mây, ngà voi và đặc biệt là gốm vẫn còn lưu nhiều dấu ấn và có tiếng vang ở các nước Châu Á.

Gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản được đánh giá là lạ, độc đáo và quý hiếm. Hiện nay, ở trung tâm văn hóa thị trấn Nagoya có trưng bày khoảng 30 hiện vật gốm như nồi, bình, bát, dĩa, lọ… làm bằng bàn xoay, kỹ thuật chế tác đạt đến độ tinh xảo để phục vụ sinh hoạt cung đình. Có hai loại đáng chú ý là loại bình nhỏ (cao khoảng 20-25 cen ti mét) bụng phình to, đáy nhỏ, xương gốm dày và loại dĩa bát (đường kính khoảng 18-22 cen ti mét) có miệng tròn, miệng kum, miệng loe có vành, xương gốm mỏng và đáy có đế. Gốm có men dày chủ yếu là men màu trắng đục (màu mây), xanh da trời, màu nghệ, màu đen, đen xám. Đây là những gam màu truyền thống chủ đạo mang đặc trưng màu Champa mà hiện nay còn lưu giữ trên những chiếc áo dài phụ nữ người Chăm lớn tuổi, mặc trong ngày lễ hội; màu áo dài phụ nữ Huế và màu những chiếc ghe bầu ở ven biển miền Trung. Hoa văn chủ yếu là hoa văn khắc vạch, hình răng cưa, hình tam giác, hình lá và hình xoắn ốc (xem ảnh).

Theo tư liệu lịch sử của Nhật Bản, gốm Chiêm nhân được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 15-17. Hiện nay, tại thị trấn Nagoya còn một di tích lò gốm rộng khoảng 100 mét vuông chưa được khai quật, vẫn được bảo quản tốt. Ông Watanabe Kiyohiro, sinh năm 1945, một hậu duệ cuối cùng của nghệ nhân gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản, kể rằng: Dòng họ gốc của ông là Oko, làm nghề gốm nổi tiếng ở Nhật Bản. Kỹ thuật làm gốm do người Chiêm dạy và trong xưởng gốm ngày trước luôn có người Chiêm chỉ huy. Hiện nay, dòng họ của ông không có gia phả, chỉ nghe ông bà xưa kể lại về thợ gốm người Chiêm. Gia đình ông hiện không làm nghề gốm nữa nhưng có trách nhiệm lưu giữ những bình gốm của ông bà và một di tích lò gốm ở thị trấn Nagoya này để truyền lại cho con cháu biết.

Lần theo tư liệu này và dựa vào đặc trưng của gốm Chiêm nhân, những người nghiên cứu nhận thấy gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản có mối liên hệ ít nhiều với gốm Sa Huỳnh(1), gốm Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, nhất là các loại gốm có hoa văn khắc vạch(2). Đặc biệt hơn, gốm Chiêm nhân rất giống gốm Cây Me và gốm Gò Hời ở Bình Định được các nhà khảo cổ xác định là thuộc trung tâm sản xuất gốm của Champa ở thủ đô Vijaya (Bình Định) thế kỷ 13-15 với kỹ thuật sản xuất bằng bàn xoay, có tráng men nâu, trang trí đẹp(3).

Vậy, có thể tạm kết luận rằng những thợ gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản xưa kia là những thợ gốm Champa ở vùng Vijaya (Bình Định) qua Nhật Bản bằng con đường ngoại giao, buôn bán hoặc có thể là nạn nhân của những cuộc vượt biển trôi dạt đến Nhật Bản khi thủ đô Vijaya bị thất thủ vào thế kỷ 15. Những thợ gốm ấy đã truyền dạy kỹ thuật chế tác gốm Champa cho người Nhật và lưu truyền đến sau này, cho đến đời ông Watanabe Kiyohiro ở Nagoya ngày nay.

Gốm Chiêm nhân ở Nhật Bản hiện nay là những hiện vật quý giá, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về kỹ thuật chế tác gốm bằng bàn xoay và tráng men của người Champa một thời nổi tiếng nhưng ngày nay đã thất truyền. Nếu gốm này tiếp tục được nghiên cứu, khôi phục và phát triển ở người Chăm Việt Nam, trong tương lai không xa sẽ góp phần đưa gốm Champa ở Việt Nam tái khẳng định thương hiệu trong thị trường gốm ngày nay. ____________

(*) Sakaya là bút danh của ThS. Trương Văn Món – người Chăm, giảng viên Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM;

TS. Shine Toshihiko – người Nhật, giảng viên trường Đại học Kyoto – Nhật Bản. (1) Vũ Công Quý, Văn hóa Sa Huỳnh, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1991.

(2) Văn Món, Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc – Ninh Thuận, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.

(3) Lê Đình Phụng, Di tích Văn hóa Champa ở Bình Định, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới