Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Góp vốn điều lệ và những rủi ro hình sự tiềm ẩn

Xuân Đạt - Thanh Duy (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Vốn điều lệ nguồn lực khởi đầu để duy trì hoạt động doanh nghiệp và ghi nhận các khoản đầu tư của nhà đầu tư. Đồng thời, đây còn là cơ sở giới hạn trách nhiệm về tài sản trong phạm vi vốn điều lệ của doanh nghiệp trước các nghĩa vụ pháp lý. Tuy nhiên những sai phạm trong việc góp vốn điều lệ tại một số doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán vừa qua cho thấy, hoạt động này cũng tiềm ẩn những rủi ro hình sự nếu không tuân thủ đúng quy định.

Hệ lụy lớn khi "khai khống" vốn điều lệ

Theo quy định pháp luật, giá trị vốn điều lệ được quyết định bởi nhà đầu tư, chủ của doanh nghiệp. Tại thời điểm tạo lập và trong quá trình hoạt động, các thành viên góp vốn, các cổ đông cần phải đảm bảo vốn điều lệ đáp ứng đủ và kịp thời các chi phí vận hành, dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Trong một số lĩnh vực đặc thù, pháp luật còn đặt ra yêu cầu về vốn pháp định (vốn tối thiểu) để đảm bảo sự ổn định và an toàn tài chính, như ngân hàng. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì giá trị thực của vốn điều lệ hoặc vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo một ngưỡng vốn nhất định, phản ánh năng lực cần thiết cho hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù.

Hoạt động góp vốn điều lệ tiềm ẩn nhiều rủi ro hình sự. Ảnh minh họa: DNCC

Bên cạnh việc đảm bảo giá trị vốn điều lệ, pháp luật cũng quy định về trách nhiệm góp vốn đầy đủ và đúng thời hạn. Chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện góp đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp không góp đúng và đủ số vốn đã đăng ký, các bên cần thực hiện việc giảm vốn về giá trị thực góp để đảm bảo tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật.

Việc “khai khống” vốn điều lệ và không góp đủ vốn như đã đăng ký hoặc cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Điều này gây rủi ro kinh tế cho cả bản thân doanh nghiệp, đối tác kinh doanh và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Những quy định này thể hiện yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật đối với việc duy trì tính minh bạch, tin cậy và nguồn lực thực của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính phủ đã công bố thông tin về vốn điều lệ được doanh nghiệp chính thức đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Việc không góp đủ vốn điều lệ là một vấn đề thực sự nghiêm trọng và vướng mắc lớn có thể làm gián đoạn toàn bộ quá trình giao dịch mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Hậu quả của việc này không chỉ dừng lại ở sai phạm về thời hạn góp vốn và nghĩa vụ giảm vốn theo luật định, mà còn tạo ra một tình thế khó xử cho cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các bên tham gia M&A. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép các bên khắc phục để tiến hành giao dịch, vô hình chung sẽ "hợp thức hóa" sai phạm trước đó và cũng mâu thuẫn với pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, việc không cho phép lại cản trở và gây tắc nghẽn cho quá trình giao dịch, khiến các bên liên quan không thể hoàn thành giao dịch mặc dù chấp nhận mọi biện pháp xử lý và khắc phục các tồn đọng trước đó.

Sự lúng túng trên không chỉ ảnh hưởng đến quyền sở hữu tại doanh nghiệp mà còn khiến cho doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tiếp nhận nhà đầu tư cùng với những cơ hội phát triển mà họ mang lại. Rộng hơn, vấn đề này còn ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, làm suy thoái niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.

Do đó, việc giải quyết điểm tắc nghẽn này đòi hỏi sự nghiên cứu và tiếp cận linh hoạt từ phía cơ quan nhà nước cũng như sự chủ động từ phía doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các bên.

Tiềm ẩn rủi ro hình sự khi chuyển nhượng vốn

Vấn đề chuyển nhượng và huy động vốn trong doanh nghiệp liên quan đến việc không góp đủ vốn điều lệ hoặc nâng khống vốn điều lệ đang trở thành điểm nóng tại Việt Nam. Các vụ việc sai phạm như tại Công ty CP Xây dựng Faros(1) và Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu(2) là điển hình cho thực tế đáng báo động. Việc lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn và nâng khống vốn điều lệ không những “bóp méo” thông tin tài chính của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho các hành vi chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.

Cả hai vụ việc đình đám trên đều có điểm chung là các hành vi chiếm đoạt tài sản đều xuất phát từ việc nâng “ảo” vốn điều lệ, không thực chất và chỉ diễn ra trên sổ sách, giấy tờ. Từ đó, hai công ty trên đang bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản “thực” của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong vụ án tại Công ty Faros và nhà đầu tư góp vốn kinh doanh trong vụ án tại Tập đoàn Sen Tài Thu.

Pháp luật hình sự Việt Nam quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhấn mạnh đến hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin tưởng và giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Như vậy, việc chuyển nhượng và huy động vốn trong doanh nghiệp nhưng chưa góp đủ vốn điều lệ trước khi tham gia giao dịch tiềm ẩn rủi ro phát sinh dấu hiệu hình sự. Hành vi này có khả năng đáp ứng 02 yếu tố như: Sử dụng thủ đoạn gian dối thông qua việc nâng khống vốn điều lệ, không đúng thực tế và  từ đó chiếm đoạt tài sản của những nhà đầu tư tin tưởng.

Thực tế đã chứng minh, hành vi lừa đảo trong tăng khống vốn điều lệ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay. Do đó, những biện pháp kiểm tra, xác minh và phòng ngừa rủi ro trước khi tham gia giao dịch là vô cùng quan trọng.

Để phòng ngừa rủi ro và ngăn chặn các hành vi tiêu cực này, việc áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm tra, xác minh là rất cần thiết. Khi tham gia các giao dịch chuyển nhượng hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, nhà đầu tư cần xem xét sử dụng một số biện pháp tăng cường về an toàn tài chính và pháp luật.

Đầu tiên là xác minh tính chính danh và độ chính xác của thông tin về vốn điều lệ của doanh nghiệp trên hệ thống thông tin công khai của Chính phủ.

Tiếp đó, yêu cầu bên chuyển nhượng hoặc công ty huy động vốn cung cấp các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là những báo cáo đã được kiểm toán bởi các đơn vị kiểm toán độc lập. Điều này góp phần đảm bảo tính xác thực thông tin về vốn điều lệ một cách khách quan và kịp thời phát hiện sai sót để khắc phục.

Ngoài ra, yêu cầu bên chuyển nhượng, bên huy động vốn cung cấp các chứng từ chứng minh việc tăng vốn, góp đủ, góp đúng vốn điều lệ như quyết định của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, biên bản nhận tài sản góp vốn, chứng từ góp vốn qua ngân hàng… Đồng thời, các bên cần xem xét thực hiện thẩm định pháp lý  thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trước khi quyết định giao dịch để phát hiện kịp thời bất kỳ sự kiện bất thường và tránh rủi ro lừa đảo về vốn điều lệ.

Ngoài ra, trước những thực trạng nghiêm trọng trên, các cơ quan nhà nước cũng cần có cơ chế tăng cường giám sát và kiểm tra việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp; bổ sung cơ chế xử lý phù hợp đối với các trường hợp sai phạm; đưa ra và khuyến nghị áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần vào công cuộc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và đảm bảo tính lành mạnh, minh bạch của thị trường.

(*) Luật sư tại Công ty Luật TNHH Pros Legal

[1] https://vov.vn/phap-luat/bo-cong-an-bi-can-trinh-van-quyet-chiem-doat-3620-ty-dong-cua-nha-dau-tu-post1055537.vov

[2] https://tuoitre.vn/sen-tai-thu-nang-khong-von-dieu-le-31-ti-len-160-ti-dong-lua-hon-400-nha-dau-tu-20240129194148404.htm

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới