Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Grab và Gojek sáp nhập, ai được lợi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Grab và Gojek sáp nhập, ai được lợi?

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Trang tin DealStreetAsia hôm nay đưa tin các cuộc đàm phán về việc sáp nhập hai ứng dụng gọi xe khổng lồ ở Đông Nam Á đạt được những tiến bộ quan trọng. Tỷ phú người Nhật Masayoshi Son và các nhà đầu tư khác của cả hai 'kỳ lân' đang xúc tiến thương vụ khủng nhưng không dễ dàng này. Câu hỏi cuối cùng là ai sẽ được hưởng lợi và hưởng nhiều nhất?

Grab và Gojek sáp nhập, ai được lợi?
Thương vụ sáp nhập giữa hai hãng gọi xe công nghệ hàng đầu của khu vực có thể trị giá hơn 30 tỉ đô la. Ảnh: Nikkei Asian Review

Thương vụ đầy trở ngại

Thương vụ mới nhắc lại chuyện Uber nhường lại các mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho Grab và đổi lại sẽ có cổ phần trong "kỳ lân" (unicorn – các startup được định giá trên 1 tỉ đô la) vào năm 2018. Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như là Grab đang thâu tóm. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đây chỉ là sự phân bổ lại thị trường ngách, thuận tay cho từng hãng: Uber sẽ chăm chú vào phân khúc thị trường “sang” hơn ở Đông Bắc Á, Grab sẽ chăm sóc thị trường ở phân khúc “bình dân” hơn ở Đông Nam Á gồm 650 triệu dân đầy tiềm năng.

Giá trị của thương vụ này không được tiết lộ, nhưng một trong các điều khoản khó nhằn: Grab phải trả 2 tỉ đô la tiền mặt cho 23% cổ phần của Uber vào ngày 25-3-2023, tức là 5 năm sau khi thương vụ chuyển nhượng ký kết.

Về cơ bản, vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek sẽ khác bản chất với vụ Grab – Uber.

Chủ đề sáp nhập giữa hai kỳ lân Grab và Gojek được đề cập từ đầu năm 2020. Cái khó của thương vụ này là các quy định pháp luật liên quan đến cạnh tranh ở các thị trường mà cả hai đang hoạt động. Kế đến là sự phản đối mạnh mẽ của các cơ quan quản lý e ngại sự độc chiếm thị trường một khi hai ứng dụng gọi xe này sáp nhập.

Nhưng cái khó lớn nhất sẽ là sự tranh giành ảnh hưởng của dàn lãnh đạo giữa hai startup này. DealStreetAsia nói cả hai bên chỉ thực sự nghiêm túc đề cập đến chuyện hòa nhập trong những tháng gần đây. Gojek muốn một tỉ lệ 50:50, trong khi đó Grab muốn giành quyền kiểm soát. Dàn lãnh đạo của cả Grab và Gojek đều không lên tiếng hay xác nhận bất cứ thông tin gì về vụ sáp nhập trong suốt nhiều tháng qua.

Nhưng quỹ đầu tư SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son cùng những đại công ty khác như Google, Facebook, PayPal, Toyota, Hyundai… sẽ là những người có tiếng nói cuối cùng. Việc cạnh tranh ở cùng một mảng dịch vụ hay sản phẩm tại cùng một thị trường sẽ khiến cả hai đốt tiền vô ích. “Và đó là thiệt hại của nhà đầu tư”, theo một chuyên gia phân tích về thị trường và công nghệ tại TPHCM.

Cũng có thể mượn lời của CEO Grab Vietnam Nguyễn Thái Hải Vân trong một sự kiện vào tháng 7 tại TPHCM để trả lời cho động cơ của các nhà đầu tư: “Một đồng vốn sau đại dịch có giá trị bằng 10 hay 100 đồng trước đại dịch”. Tiền đốt, của đau, nhà đầu tư xót và quá trình sáp nhập là điều rất bình thường trong bối cảnh bình thường mới sau dịch.

Giải bài toán giao thông đô thị

Trước khi khai trương hệ thống tàu điện ngầm Jakarta, Tổng thống Joko Widodo đặt vấn đề với Gojek và kể cả Grab tham gia giải quyết bài toán giao thông công cộng ở các thành phố ở Indonesia. Ảnh: Sekretariat Kabinet Indonesia

Sẽ là quá trình dài để cả hai hãng gọi xe này hợp nhất ở Đông Nam Á. Nhưng xét về mặt lâu dài, thương vụ sáp nhập khủng về công nghệ đầu tiên ở khu vực sẽ có lợi cho lĩnh vực dịch vụ công lẫn tư và người dân các nước Đông Nam Á.

Trước khi Jakarta khai trương hệ thống tàu điện metro vào tháng 3-2019, Tổng thống Joko Widodo đã có buổi trao đổi riêng với nhà sáng lập, cựu CEO Nadiem Makarim của Gojek. Nhà lãnh đạo Indonesia mong muốn Gojek đưa dịch vụ vận chuyển của hãng gọi xe hòa nhập với mạng lưới giao thông công cộng của Jakarta. Các trạm metro ở Jakarta cũng sẽ là bãi đậu của các tài xế Gojek đưa đón cư dân thủ đô đi học, đi làm, sinh hoạt và mua sắm. Vị cựu CEO của Gojek đã gật đầu.

Nhưng ông Widodo còn nhìn xa hơn nữa. Không chỉ là Gojek – startup là niềm tự hào của Indonesia – mà cả Grab cũng tham gia vào cộng hưởng dịch vụ giao thông công và tư. Các thuật toán và trí tuệ nhân tạo (AI) của hai hãng gọi xe khổng lồ sẽ được sử dụng trong việc phân tích luồng giao thông và tìm ra giải pháp cho vấn đề tắc nghẽn xe ở đô thị lớn nhất trong khu vực.

Bài toán giao thông nội đô của Jakarta cũng đang là vấn đề nan giải của các đô thị lớn trong khu vực như TPHCM, Hà Nội, Bangkok và Manila. Đội ngũ các lập trình viên và chuyên gia AI của cả hai "kỳ lân" sẽ giải bài toán cho các đô thị nhanh hơn.

Một triệu cây ATM di động, dịch vụ đầu tư một đô Singapore

Nhưng khả năng tạo ra một thị trường mới to lớn cũng là chuyện đáng nói cho cả hai startup và cả các nhà đầu tư. Số lượng các tài xế của Gojek tại Indonesia hiện gần một triệu người. Tại thị trường này, mỗi tài xế đều có thể nhận tiền của khách đi xe và nạp vào tài khoản ví điện tử cho khách. Và ngược lại, khách có thể “rút” tiền mặt từ tài xế.

“Một triệu cây ATM di động là sự tiện lợi vô cùng to lớn mà Gojek mang lại cho khách hàng ở Indonesia”, CEO Gojek Phùng Tuấn Đức nói khi vừa được bổ nhiệm vào tháng 7-2020 vừa rồi. Ông cũng thêm rằng đó là tiện ích mà khách đi xe được hưởng nếu dịch vụ này được phép thực hiện tại Việt Nam.

Trong khi đó, ngoài các dịch vụ vận chuyển, thanh toán, giao nhận thư tín và thức ăn, Grab còn đưa ra các dịch vụ tài chính mới cho khu vực. Tỷ lệ người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được nhiều với dịch vụ tài chính và ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á còn rất lớn.

Đầu tháng 9 này, người dùng ứng dụng Grab ở Singapore có thể trở thành nhà đầu tư trên thị trường tài chính với số vốn chỉ từ một đô la Singapore, khoảng 16.500 đồng.

“Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đều yêu cầu số tiền khởi điểm tối thiểu, khoảng từ 10.000 đô la Mỹ. Đây không phải là một số tiền nhỏ, trong khi phí rất cao. Nhưng ngày nay, với việc sử dụng công nghệ đúng cách và với giải pháp mà chúng tôi đang đưa ra, bạn có thể hoàn toàn bắt đầu với số tiền thật nhỏ đó”, bà Chandrima Das, Giám đốc khối tài chính của Grab, chia sẻ trong cuộc họp báo trực tuyến.

AutoInvest là sản phẩm đầu tư quy mô nhỏ của Grab được hình thành sau khi Grab mua lại startup tư vấn đầu tư Bento Auvest. Sản phẩm cho phép người dùng tại Singapore được phép đầu tư ít nhất một đô la Singapore trên mỗi giao dịch thực hiện trên ứng dụng như GrabCar, GrabFood hay GrabMart.

Grab nói rằng AutoInvest giúp GrabPay sẽ nổi bật so với các ví điện tử khác nhờ vào việc cho phép người dùng dễ dàng đầu tư số tiền dư trong ví. Khoản đầu tư này có thể được rút ra bất cứ lúc nào mà không bị phạt, người dùng có thể chi tiêu trên các dịch vụ khác của Grab hoặc liên doanh với Grab.

Ứng dụng gọi xe này cũng nói rằng các khoản đầu tư của khách hàng sẽ được đầu tư vào cổ phiếu công ty có tính thanh khoản cao. Phần lớn sẽ được quản lý bởi các quỹ quản lý tài sản – Fullerton Fund Management và UOB Asset Management. Grab có thể hưởng 1,8% lợi nhuận mỗi năm. 

Theo cuộc khảo sát do Google, Temesak và Bain&Co tiến hành, doanh thu của dịch vụ tài chính điện tử sẽ tăng 3,4 lần từ 11,1 tỉ đô la trong năm 2019 lên 36,7 tỉ đô la trong năm 2025. Thanh toán và chuyển tiền, vốn chiếm 50% trong năm 2019, dự báo sẽ giảm xuống 20% vào năm 2025 do phí giảm khi có nhiều công ty cạnh tranh.

Tại Việt Nam, Grab có phần lấn lướt Gojek trong các lĩnh vực thanh thoán bằng thẻ tín dụng và ví điện tử. Grab cũng phát đi những tín hiệu đầu tiên của việc triển khai các mảng dịch vụ tài chính vi mô. Bắt đầu là từ đầu tháng 7 vừa qua, người dùng Grab phải thực hiện đăng ký định danh với chứng minh nhân dân mới được sử dụng ví điện tử Moca, dù trước đó đã đăng ký với ngân hàng liên kết. Tiếp đến, Grab cũng thực hiện khảo sát người dùng về dịch vụ bảo hiểm.

Trước đó, hồi tháng 5 với sự kết nối của ngân hàng Mitsubishi UFG  – vốn đầu tư hơn 770 triệu đô la vào ứng dụng này, VietinBank và Grab đã ký kết hợp tác chiến lược nhằm khai thác tối đa và hiệu quả năng lực của mỗi bên trên thị trường công nghệ tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới