Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

GS Đào Xuân Học: Quy hoạch ĐBSCL cần theo tư duy vùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

GS Đào Xuân Học: Quy hoạch ĐBSCL cần theo tư duy vùng

Trung Chánh

GS Đào Xuân Học: Quy hoạch ĐBSCL cần theo tư duy vùng
Quy hoạch hiệu quả là cách để tránh lãng phí nguồn lực. Trong ảnh là GS-TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại hội thảo hôm nay 22-10 - Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có một quy hoạch mang tích toàn vùng, thay vì mang tính cục bộ của từng địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và phát triển bền vững, GS-TS Đào Xuân Học khẳng định tại một hội thảo vừa diễn ra hôm nay tại Cần Thơ.

“Nếu chúng ta làm quy hoạch tốt, đó là điều rất quan trọng giúp đất nước phát triển vững chắc, tránh lãng phí nguồn lực. Vì vậy, quy hoạch có vai trò rất lớn đối với đất nước cũng như cả nền kinh tế,” GS-TS Đào Xuân Học nói tại hội thảo “Luật quy hoạch - cơ hội và thách thức trong quy hoạch tích hợp vùng” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm nay 22-10.

Bên lề hội thảo, GS-TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận tư duy của một số người lập quy hoạch thời gian qua còn hạn chế, cục bộ; có không ít quy hoạch chồng chéo và không khả thi.

Theo ông Học, ĐBSCL là một ví dụ rất là sinh động về câu chuyện tư duy, chiến lược trong vấn đề lập quy hoạch.

Cụ thể, đối với quản lý lũ ở ĐBSCL, các địa phương ở đây dường như chỉ làm những điều gì đó bức bách, không chịu đựng được nữa buộc phải làm, tuy nhiên, khi nhìn lại tổng thể trên bình diện của vùng, thì làm như vậy thật sự là không ổn.

“Chẳng hạn, để bảo vệ sản xuất, dân cư, chúng ta đã làm 6.000 vùng đê bao chống lũ triệt để, với tổng chiều dài lên đến 19.900 ki lô mét và để bảo vệ lúa, chúng ta cũng làm 4.000 vùng đê bao với chiều dài 17.700 kí lô mét. Như vậy, nếu tính tổng lại, đê bao của ĐBSCL hiện nay đã lên đến 37.600 ki lô mét,” ông dẫn chứng.

Ngoài ra, theo ông Học, việc khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến sụt lún đất ở ĐBSCL và gây nên tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng ở đây. Ví dụ, mực nước lũ năm 2000 ở khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia cao hơn năm 2011 là 20cm, nhưng ngược lại, mực nước lũ nội đồng được ghi nhận ở Cần Thơ năm 2011 lại cao hơn năm 2000 đến 20cm, nghĩa là nếu so sánh giá trị tuyệt đối, thì mực nước lũ năm 2011 ở Cần Thơ cao hơn năm 2000 ở biên giới Việt Nam- Campuchia tới 40cm.

“Và đương nhiên, điều này sẽ gây ngập khu vực ở giữa của ĐBSCL, nơi mà chúng ta có nhiều vùng cây ăn trái, dân cư sống tập trung như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Cà Mau,…” ông cho biết.

Hệ quả tất yếu của xây đê bao, sụt lún đất như đã nêu ở trên, là bây giờ Cần Thơ ngập, Vĩnh Long ngập, Cà Mau ngập và như vậy những địa phương này lại tìm cách bảo vệ dân cư, bảo vệ sản xuất.

“Tuy nhiên, nếu cách tư duy của chúng ta vẫn không thay đổi, vẫn quy hoạch riêng cho Cần Thơ, riêng cho Vĩnh Long, riêng cho Cà Mau, thì chỉ cần ba quy hoạch nhỏ như vậy thôi đã tạo ra hàng chục ô đê bao bảo vệ với chiều dài lên đến 500 ki lô mét và phải dùng đến 47 trạm bơm để bơm tiêu thoát nước,” ông Học nói.

Nhưng có một câu hỏi được đặt ra là sau khi bao đê ở Cần Thơ xong, thì những khu vực phía trên, bên cạnh Cần Thơ vốn đã ngập, nay sẽ còn ngập sâu hơn và sẽ giải quyết như thế nào, và ĐBSCL sẽ ra sao?

Theo tính toán của một số nhà chuyên môn tại hội thảo, để bảo vệ ĐBSCL tránh ngập lụt theo kịch bản đỉnh lũ ngang bằng năm 2000, thì chiều dài đê bao của ĐBSCL có thể lên 57.000 ki lô mét. Còn nếu nước biển dâng thêm 20 cen ti mét, thì chiều dài đê ở ĐBSCL sẽ lên 87.000 ki lô mét và nếu nước biển dâng lên 50 cen ti mét, thì con số này sẽ là 99.000 ki lô mét và tiền đổ vào để làm đê bao sẽ rất là lớn.

Tuy nhiên, nếu lũ về lớn hơn, nước biển dâng cao hơn và đất tiếp tục sụt lún, thì ĐBSCL lấy đâu ra nguồn lực cho toàn bộ hệ thống đê? Và khi đó, ĐBSCL có thể sẽ hứng chịu rất nhiều thảm họa.

Đứng trước những vấn đề nêu trên, theo khuyến cáo của ông Học, đối với ĐBSCL, việc quy hoạch cần phải có cái nhìn tổng thể - tức phải xóa bỏ tư duy cục bộ, địa phương- và dài hạn hơn để Chính phủ và các địa phương trong vùng làm một bản quy hoạch mang tính chiến lược, lâu dài nhằm ứng phó và đảm bảo phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Từ câu chuyên của ĐBSCL, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các ngành, các lĩnh vực khác…, khi thực hiện quy hoạch cũng nên thay đổi tư duy, phải có sự phối hợp giữa các bộ, các ngành; tránh chồng chéo, cục bộ nhằm tránh lãng phí nguồn lực, đưa kinh tế đất nước phát triển bền vững.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới