Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

GS. Krugman: Việt Nam cần thận trọng trong cổ phần hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

GS. Krugman: Việt Nam cần thận trọng trong cổ phần hóa

Quế Anh

Giáo sư Paul Krugman tại buổi hội thảo thu hút gần 1.000 đại diện các doanh nghiệp trong ngoài nước cũng như chính quyền tham dự. Ảnh: Thanh Tùng

(TBKTSG Online) – “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và mở cửa giao thương quốc tế là những điều mà Việt Nam nên làm. Tuy nhiên, phải thật thận trọng với cổ phần hóa doanh nghiệp. Nếu như có một sai lầm nào đó thì thiệt hại sẽ rất lớn”, giáo sư Paul Krugman cho biết trong buổi hội thảo ngày 21-5 tại TPHCM.

Buổi hội thảo nói trên do trường Doanh nhân PACE tổ chức, với chủ đề “Từ khủng hoảng, định vị lại tương lai”, được giáo sư Krugman trình bày tập trung vào các cơ hội và giải pháp trong giai đoạn khủng hoảng, với sự tham dự của gần 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Giáo sư Krugman, người nhận giải Nobel kinh tế năm 2008, tự nhận rằng đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam, do vậy ông không có đủ kinh nghiệm để chia sẻ nhiều.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về lời tư vấn của ông dành cho các nhà lãnh đạo Việt Nam mà ông sẽ đưa ra trong buổi bặp gỡ tại Hà Nội vào ngày 22-5, ông nói: “Tôi nghĩ tôi sẽ lắng nghe họ, chứ không phải tư vấn họ. Tôi không có kinh nghiệm về Việt Nam. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ mang tư cách là phóng viên của New York Times để nói chuyện và lắng nghe họ”.

Ông cho rằng Việt Nam cần khuyến khích sự đổi mới. “Chúng ta cần nhiều đổi mới để tiếp tục cho tương lai”, ông nói, và cho rằng Việt Nam cần nhìn vào nhập khẩu một cách tích cực.

Vai trò của nhập khẩu đối với các nước đang phát triển cũng quan trọng như xuất khẩu. Nhập khẩu, theo ông Krugman, nên phục vụ cho phát triển, chẳng hạn như nhập khẩu các công nghệ, máy móc…

Đề cập đến vấn đề kích cầu để phục hồi nền kinh tế toàn cầu, giáo sư nói: “Nếu nền kinh tế thế giới được cải thiện, sẽ có cải thiện tại Việt Nam”.

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, do đó cần có sự giúp đỡ của các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu”, ông bổ sung thêm.

Theo ông, Việt Nam có thể đi theo mô hình phát triển của Hàn Quốc, tập trung vào phát triển công nghệ. Việt Nam đã dựa quá nhiều vào các ngành nghề đòi hỏi nhiều lao động và điều này không tốt về lâu dài.

Do có ít kinh nghiệm về Việt Nam nên toàn buổi nói chuyện của mình, giáo sư Paul Krugman tập trung nhiều vào những kinh nghiệm của nền kinh tế Mỹ, cũng như châu Âu và Trung Quốc.

Ông dự đoán trong vài tháng tới sản xuất công nghiệp thế giới sẽ không suy giảm nữa và GDP chung toàn cầu có thể cải thiện vào quí 2 năm nay.

Giáo sư Krugman cảnh báo rằng, các quốc gia trên thế giới phải nhìn vào cuộc khủng hoảng này mà nhìn lại hệ thống tài chính của mình. “Có một vài điểm chính mà các quốc gia cần quan tâm trong việc cải thiện hệ thống tài chính nội tại, bao gồm, các quy chế hoạt động trong hệ thống ngân hàng cũng như từng ngân hàng riêng lẻ, các chế độ bảo hiểm, an toàn hệ thống…”

“Các nước phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện nền kinh tế cũng như cần hợp tác chặt chẽ hơn với nhau mới mong giúp nền kinh tế thế giới phục hồi sớm”, ông nói thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới