(KTSG Online) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian tới, Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn sẽ tiến hành giám sát, đề xuất cắt giảm chi phí đối với tổ chức thủy lợi để xảy ra vi phạm trong quản lý công trình thủy lợi.
- Hàng chục công trình thủy lợi xuống cấp, dự án kè chậm tiến độ
- Thừa Thiên -Huế ngừng xả nước hồ thủy lợi để cứu hàng ngàn héc-ta lúa bị ngập
Theo TTXVN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi phối với với đơn vị chức năng trong xử lý những vụ việc vi phạm đối với công trình thủy lợi, hướng đến sử dụng đúng nguồn nước phục vụ cho sản xuất, chống ngập úng trong mùa lũ 2023.
Theo đó, sở giao cho địa phương hướng dẫn cụ thể đến người lao động trong kiểm tra, tránh để phát sinh hoặc tái phạm tại công trình do đơn vị quản lý.
Sở giao Ban Quản lý và duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn tiến hành giám sát, đề xuất cắt giảm chi phí quản lý công trình đối với tổ chức thủy lợi để xảy ra vi phạm trong công tác này nhưng lại không thiết lập hồ sơ, xử lý kịp thời.
Cũng theo bản tin trên, số liệu thống kê của các tổ chức thủy lợi cho biết, tính từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội có hơn 130 vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi với những hành vi như đóng cọc, đổ đất, san nền, xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất, dựng lều lán, trồng cây xanh vào công trình và vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi.
Chẳng hạn như cuối tháng 5 vừa qua, một số hộ dân xây nhà ở, bể bơi, trồng cây trong vùng phụ cận và thân đập công trình hồ thủy lợi Lập Thành với quy mô hơn 900 m2. Trong khi đó, hồ thủy lợi này với nhiệm vụ là phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, trữ nước tưới cho khoảng 40 héc-ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai).
Ngoài ra, ở nhiều tuyến kênh, sông là trục tưới, tiêu chính thuộc các quận, huyện như Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín cũng đang có dấu hiệu vi phạm. Theo đó, người dân đổ cát vào lòng kênh, đóng cọc bê tông, đổ phế thải xây dựng lấn vào lòng sông hoặc dựng khung sắt làm nhà trồng cây.
Các địa phương mới xử lý, giải tỏa gần 40 vụ trong tổng số gần 130 vụ vi phạm. Những vi phạm này đang làm cản trở dòng chảy, giảm dung tích trữ nước, nguy cơ mất an toàn đập hồ, gây nguy hiểm cho hàng trăm ngàn cư dân và ảnh hưởng đến hàng chục ngàn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du.