Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hà Nội được thu phí cao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hà Nội được thu phí cao?

Minh Đức

Hà Nội muốn thu phí giao thông cao để tránh ùn tắc. Ảnh: Báo Tiền phong

(TBKTSG Online) – Đa số đại biểu Quốc hội hôm 5-11 tán thành sự cần thiết phải thiết lập những chính sách đặc thù cho thủ đô như trong dự thảo Luật Thủ đô, nhưng vẫn còn một số quy định gây tranh cãi.

Thu phí cao để giảm ùn tắc?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn về một số quy định liên quan đến việc thu phí đối với người dân nội thành cao hơn khu vực ngoại thành, kể cả việc xử phạt vi phạm hành chính, về đất đai, môi trường, giao thông.

Ông Nhân cho rằng, đây có thể là biện pháp chế tài cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhưng theo ông đó không phải là giải pháp tối ưu. “Đề nghị không nên có sự chênh lệch này, bởi thu nhập tiền lương của đại đa số người dân và công chức không tăng lên được, thậm chí ngày càng khó khăn”, đại biểu này nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng quy định mức thu phí cao hơn để nhằm mục đích hạn chế phương tiện tham gia giao thông.

Ông giải thích, phí là số tiền phải trả khi được cung cấp dịch vụ, tuy nhiên trong điều kiện dịch vụ về giao thông của Hà Nội chưa tốt, đường sá xuống cấp, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra hàng ngày, lụt lội khi mưa xuống và một số vấn đề khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân thì chưa nên quy định cho Hà Nội được đặc thù thu phí cao hơn.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) lập luận, nếu cho rằng tăng phí giao thông để giảm ùn tắc, giảm phương tiện giao thông thì không đúng, bởi người nghèo vẫn phải mua xe vì đó là phương tiện làm ăn sinh sống, dù có tăng 1 triệu, 5 triệu hay 10 triệu đồng họ vẫn phải mua, vì không có chiếc xe thì không thể giải quyết được cuộc sống. Như thế, vô tình ta đưa ra chủ trương, gánh nặng này đè lên vai người có thu nhập thấp; còn đối với người thu nhập cao có thu thêm 5 triệu, 10 triệu đồng/năm cũng không là vấn đề gì.

Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP HCM), đã là cư dân của đô thị thì phải có ý thức tôn trọng quy tắc của đô thị. Theo ông, cần phải có những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe hành vi vi phạm, có mức xử phạt cao hơn bởi lẽ đô thị có yêu cầu, quy tắc cao hơn.

Chưa giải quyết được tận gốc bài toán nhập cư

Đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đưa ra một loạt con số thống kê: sau 5 năm ban hành Luật Cư trú số thì người ở các tỉnh, thành phố khác chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống tăng nhanh.

Tính đến tháng 3-2012, Hà Nội có 1.805.335 hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú là hơn 900.000 đến gần 1 triệu người, mật độ dân cư không đều, có sự chênh lệch lớn giữa các quận nội và ngoại thành.

Theo phê duyệt của Chính phủ, dự kiến đến năm 2030 dân số thành phố Hà Nội khoảng 9-10 triệu, tuy nhiên với tốc độ như hiện nay, đến năm 2020 dân số Hà Nội đã là 13-14 triệu. Ông Chung dẫn chứng, mật độ dân của TPHCM hiện nay là khoảng 4.000 người/km vuông, trong khi đó ở quận Đống Đa, Hà Nội là 37.000 người/km vuông, quận Hai Bà Trưng là 30.000 người/km vuông.

Ông Chung khẳng định, việc hạn chế các điều kiện nhập cư vào các quận nội thành là hết sức cần thiết.

Đồng tình với việc hạn chế nhập cư, nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, nếu dùng biện pháp hành chính thì không có hiệu quả.Theo ông Tâm, nguyên nhân của việc tăng dân cư thời gian qua ở địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều thành phố khác có gốc là việc mất cân đối trong phát triển giữa các vùng, miền trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, phải giải quyết vấn đề này trước.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, nếu không xây dựng và phát triển thủ đô theo quy hoạch thì không có cách nào giải quyết bài toán mật độ dân cư. Ông khẳng định, các điều khoản như trong dự luật không đủ sức thuyết phục và không thể giải quyết việc giảm mật độ dân cư ngày càng tăng của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Hơn nữa, ông Thành cho rằng, Luật Thủ đô không thể phủ định và quy định khác đi so với Luật Cư trú.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng dự thảo luật đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế cư trú trong nội thành Hà Nội là “bước thụt lùi trong công tác quản lý quy hoạch cũng như chất lượng làm luật”.

Ông Vinh cho biết, Luật Cư trú năm 2008 đã thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân được quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 10 Luật Cư trú, các hành vi bị hạn chế quyền tự do cư trú không quy định trường hợp hạn chế nào đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội.

Theo Ông Vinh, cần phải xây dựng chính sách đồng bộ, cải thiện điều kiện cơ sở về kinh tế, xã hội, quy hoạch như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ quan tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cần để kéo giãn dân cư ra ngoại thành và các vùng lân cân thay vì chúng ta đặt ra các biện pháp kỹ thuật hành chính tạm thời.

Có như vậy mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới