Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hạ tầng chung Ngân hàng mở – kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chiều ngày 8-5-2024, tại hội thảo “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” trong khuôn khổ sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã có bài trình bày về “Hạ tầng chung về Ngân hàng mở - nền tảng mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng Giám đốc NAPAS, cho biết ngân hàng mở (Open banking) là mô hình kết nối, xử lý các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) cho phép các Bên thứ ba cung cấp dịch vụ (TPP - Third-party provider) được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng dựa trên sự chấp thuận của khách hàng.

Hiện nay, trên thế giới xu hướng hạ tầng chung về ngân hàng mở ngày càng tăng. Theo nghiên cứu của nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và công nghệ tài chính mở Konsentus, 68 quốc gia đã hoặc đang phát triển Ngân hàng mở. Tại châu Á, các dịch vụ ngân hàng mở đã phát triển rất mạnh ở Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản…

Tại Việt Nam, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các bên thứ ba (TPP) thông qua việc sử dụng Open API. Theo đó, từ 2020 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc phát triển mô hình này: Vietinbank, BIDV, OCB, MB… Trong đó, VietinBank đã cho ra mắt ứng dụng VietinBank iConnect từ năm 2019. Theo thống kê, mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này. Hay ứng dụng BIDV Open API của ngân hàng BIDV mới được “trình làng” vào ngày 29-11-2023, cung cấp 15 gói API với 04 nhóm dịch vụ được sử dụng nhiều nhất gồm Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ thu hộ; Thanh toán trực tuyến; Tiện ích (Thông tin ngân hàng; BIDV QRcode).

Theo ông Long, hạ tầng chung về ngân hàng mở sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khách hàng sẽ được tối ưu hóa trải nghiệm, tiếp cận nhiều nguồn thông tin và dịch vụ, xử lý các nhu cầu tài chính nhanh, cá nhân hóa dịch vụ, chia sẻ dữ liệu an toàn, nhiều ưu đãi, giảm chi phí. Đối với các ngân hàng và công ty Fintech, hạ tầng chung về Ngân hàng mở sẽ giảm sự phức tạp trong triển khai pháp lý, giảm rủi ro an ninh, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, tăng khả năng mở rộng dịch vụ, thêm cơ hội tiếp cận khách hàng, bán chéo sản phẩm dịch vụ…

Về phía cơ quan quản lý, hạ tầng chung về ngân hàng mở cũng giúp dễ dàng hơn trong giám sát thị trường, thúc đẩy hệ sinh thái số, triển khai chủ trương phát triển kinh tế số, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của tài chính mở…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới