Thứ ba, 1/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hạ tầng giao thông chính của ĐBSCL hoàn thiện, các địa phương tận dụng ra sao?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các trục hạ tầng giao thông lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang dần thành hình sau một thập niên tập trung đầu tư. Tuy nhiên để các trục chính hạ tầng này thực sự đánh thức tiềm năng phát triển của vùng vẫn cần sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng mạng lưới kết nối.

Để tận dụng cơ hội hạ tầng chính phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, địa phương cần phải hoàn thiện hạ tầng kết nối. Ảnh: Trung Chánh

Khung hạ tầng chính dần đồng bộ

Hạ tầng giao thông kém phát triển là “nút thắt” rất lớn cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, điểm yếu này đang từng bước được tháo gỡ khi nhiều dự án quan trọng được Trung ương quan tâm đầu tư.

Theo đó, ngoài các tuyến cao tốc đã khai thác để kết nối nội vùng cũng như từ khu vực ĐBSCL đến miền Đông Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng, bao gồm TPHCM- Trung Lương, Trương Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ, thì khu vực này đang được đầu thêm các trục giao thông quan trọng khác, gồm tuyến cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau (hoàn thành cuối năm 2025); Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Trần Đề (Sóc Trăng) hoàn thành vào tháng 6-2026.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Cao Lãnh- An Hữu (nối Đồng Tháp với Tiền Giang) khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ kết nối đồng bộ vào tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận về đến thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) thông qua tuyến cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi đang được đầu tư nâng cấp.

Không dừng lại ở đó, các “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông cản trở phát triển kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL cũng từng bước được tháo gỡ khi hình thành cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang- Bến Tre và dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh- Sóc Trăng.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL) cho rằng, kinh tế- xã hội khu vực ĐBSCL thời gian qua kém phát triển do nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện kinh doanh, môi trường pháp lý, quy hoạch, chính sách, nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng của yếu tố hạ tầng kém phát triển.

“5 năm gần đây, khu vực ĐBSCL nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Trung ương khi các tuyến cao tốc được mở ra, giúp việc đi lại thuận lợi, nhanh chóng hơn, nhưng mới dừng lại ở… “trục chính””, ông Lam nói.

Trong sự kiện công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 do VCCI ĐBSCL và FSPPM thực hiện mới đây, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam (FSPPM), cho biết với kế hoạch hoàn thiện các tuyến cao tốc trong năm 2025 mở ra cơ hội phát triển cho nhiều địa phương nằm phía dưới tỉnh Long An và Tiền Giang. Khi hoàn thiện, cao tốc trục dọc từ Long An đến Cà Mau và trục ngang từ An Giang về Sóc Trăng những địa phương dọc hai trục này sẽ có động lực phát triển công nghiệp khi hệ thống giao thông, logistic của ĐBSCL được cải thiện.

Thực tế, Long An và Tiền Giang là hai địa phương đóng góp 50% kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL (năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL đạt trên 28 tỉ đô la Mỹ). Ngoài việc tận dụng “lợi thế” là cửa ngõ của vùng ĐBSCL, tiếp giáp TPHCM và Đông Nam bộ, thì cao tốc TPHCM - Trung Lương đưa vào khai thác từ năm 2010 có ý nghĩa rất lớn cho kết quả này của hai địa phương trên.

Một góc khu, cụm công nghiệp dọc sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Địa phương làm gì để hiện thực hoá cơ hội?

Chỉ trong gần 10 năm, Long An và Tiền Giang đã vượt lên trên mặt bằng chung của khu vực về xuất khẩu. Câu hỏi được đặt ra là, nếu chỉ dừng lại ở hình thành trục giao thông chính, liệu có giúp hai địa phương bứt tốc nhanh như vậy hay không?

Ông Lam của VCCI ĐBSCL nhấn mạnh, hạ tầng không chỉ đường cao tốc, mà quan trọng không kém là ở hệ thống nối kết, cảng biển, công nghiệp, hệ thống logistics, điện, nước... Dĩ nhiên, để có thể hưởng lợi từ cao tốc, đòi hỏi các địa phương ĐBSCL phải hành động một cách chủ động. Đầu tư hạ tầng kết nối là cần thiết, việc hình thành này phải đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư.

“Chẳng hạn, với hạ tầng khu công nghiệp, nhiều địa phương xây dựng, nhưng không đáp ứng về nguồn lực, trong khi logistics là điểm yếu chí tử khi khả năng trung chuyển, đóng gói, giao nhận kém nên vẫn không thu hút được nhà đầu tư”, ông Lam dẫn chứng và tái khẳng định, Chính phủ đầu tư vào giao thông mới là câu chuyện bước đầu, chưa phải giải quyết tất cả.

Ở góc độ địa phương, ông Trần Văn Tươi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, cho biết hiện địa phương có 2.269 dự án, với tổng vốn khoảng 509.000 tỉ đồng, tương đương 20 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), trong đó, năm 2024 và quí 1-2025 có khoảng 1 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư.

“Điều gì giúp địa phương thành công như vậy? Ngoài lợi thế vị trí địa lý là cửa ngõ ĐBSCL, kết nối TPHCM, thì yếu tố đầu tiên giúp thành công là làm tốt quy hoạch chiến lược tỉnh 2021-2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch của tỉnh tập trung phát triển một trung tâm (thành phố Tân An), hai hành lang kinh tế (vành đai 3, 4 và trục quốc lộ 50B ). Sau khi quy hoạch được công bố, địa phương lập tức giúp thu hút được gần 174.000 tỉ đồng ở hai trục này”, ông Tươi dẫn chứng.

Một điểm quan trọng hơn, đó là Long An đã huy động nguồn lực rất lớn để đầu tư hạ tầng kết nối, bao gồm đường vành đai 3, 4 và các trục động lực kết nối đến cảng biển Long An. Ngoài hạ tầng giao thông và logistics, tỉnh Long An cũng dành nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng điện, nước, thậm chí hạ tầng đô thị, thương mại và hạ tầng số để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi đến đầu tư. Theo lãnh đạo tỉnh, năm 2024, dù Long An chỉ xếp 21 cả nước về chỉ số hạ tầng, nhưng thành công của địa phương là đã thu hút được số vốn đầu tư lớn.

Trong khi đó, về nguồn nhân lực, theo ông Tươi, trường nghề tỉnh Long An cũng đã liên kết với các trường ở TPHCM để tạo nguồn lao động chất lượng cao. “Đây là cái bắt buộc chúng tôi phải đầu tư để lấp đầy 16.000 héc ta đất công nghiệp đã quy hoạch”, ông nhấn mạnh.

Qua kết quả của tỉnh Long An, rõ ràng bên cạnh hạ tầng do Trung ương đầu tư, để phát huy cơ hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển đòi hỏi các địa phương phải đầu tư hạ tầng kết nối. Đây như là mạch máu phụ để tiếp nhận, lan toả và tạo “sức sống” cho cơ thể mang tên ĐBSCL nói chung và của địa phương nói riêng.

Để tận dụng các trục đường cao tốc đang đầu tư, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ (địa phương có hai trục cao tốc dọc và ngang đi qua), cho rằng việc mở thêm các tuyến đường mới sẽ tạo thêm cơ hội để phát triển kinh tế- xã hội của ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, nhất là trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá và đi lại của hành khách được thuận tiện hơn. “Đây là cơ sở để các nhà đầu tư quan tâm hơn đối với vùng ĐBSCL so với những năm trước đây”, ông nhấn mạnh.

Theo đó, Cần Thơ hiện đang đầu tư xây dựng các trục đường kết nối như đường vành đai phía Tây, đường 97, 98, 921, 923… Đi theo các trục đường kết nối này địa phương đã hình thành các khu công nghiệp. Hiện Cần Thơ đã quy hoạch 7.400 héc ta đất công nghiệp, trong đó, hiện có một số nhà đầu tư quan tâm đầu tư như: khu công nghiệp VSIP Cần Thơ quy mô 293,7 héc ta và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh quy mô 540 héc ta do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ triển khai.

Theo ông Hiển, đi theo các khu công nghiệp nêu trên, địa phương cũng có các cụm công nghiệp kết nối, đồng thời phát triển hạ tầng đô thị để tận dụng cơ hội từ hai cao tốc nêu trên mang lại.

“Chúng tôi cũng thu hút đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật để làm sao thu hút các nhà đầu tư đến để đầu tư trên địa bàn Cần Thơ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân”, ông Hiển nói.

Với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai, đây sẽ là cơ sở để ĐBSCL có thể phát huy lợi thế, khai phá tiềm năng, phát huy nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Kỳ vọng thực tại và tương lai, những chỉ đạo liên tục, xuyên suốt, nhắc lại với yêu cầu cao nhất của các bộ ngành trung ương và địa phương có thể giúp nơi đây xóa bỏ được tầm nhìn “vùng trũng”, thay thế bằng một diện mạo giao thông hoàn toàn mới. Việc quan trọng là các địa phương phải chủ động được các kế hoạch đầu tư mạng lưới kết nối để tận dụng cơ hội phát triển trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới