Thứ hai, 28/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hai bức tranh rối nước Việt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai bức tranh rối nước Việt

Thoa Nguyễn

Hai bức tranh rối nước Việt
Trên mặt nước, qua hình ảnh những con rối gỗ, cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt dần hiện lên-Ảnh: T.L

(TBKTSG Online) - Những ngày này, trên những trang báo Việt Nam liên tục xuất hiện hoặc tin, hoặc bài về việc rối nước Việt Nam được đón chào nồng nhiệt tại trời Tây, mà cụ thể ở đây là Pháp. Nhiều người hoan hỉ bởi nghệ thuật cổ của Việt Nam được nhiều nước bạn quan tâm và chú ý.

Tuy nhiên, sau vui mừng ấy, chúng ta sẽ chạnh lòng khi mà những buổi diễn của các phường rối nước, khách xem Việt thật lèo tèo trong số khách vốn đã lèo tèo cho sự quan tâm tới loại hình nghệ thuật này.

Đó là hai bức tranh tương phản đang dần hiện rõ trong nghệ thuật múa rối cổ Việt Nam: múa rối được chào đón tại một khung trời khác chứ không phải là nơi nó được sinh ra.

Rối nước Việt tại trời Tây

Sau nhiều tháng tập luyện, ngày 15-11-2011 buổi diễn đầu tiên của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Pháp nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân tại đây. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, trưởng đoàn nghệ thuật biểu diễn rối nước của Việt Nam tại Pháp cho biết tại buổi họp báo sau đợt đầu tiên đoàn công diễn tại Pháp.

Tiếp nối thành công của hơn 30 buổi diễn tại đây, từ ngày 10 đến ngày 25-2, chương trình nghệ thuật biểu diễn rối nước Việt Nam mang tên “Người thầy của những con rối” do đạo diễn người Pháp Dominique Pitoiset, Giám đốc Nhà hát Quốc gia Bordeaux en Aquitaine dàn dựng, được công diễn tại nhà hát Claude Lévi-Strauss trong khuôn viên của bảo tàng Quai Branly ở thủ đô Paris (Pháp).

“Người thầy của những con rối” được bắt đầu bằng không khí ồn ào, náo nhiệt của phố phường Hà Nội. Tiếp đó là cảnh thanh bình trên sông nước với tiếng chim hót, tiếng gió thì thầm của làng quê...

Giữa không gian ấy bỗng vút lên một giọng ca trong trẻo cùng tiếng phách lách cách, nhịp nhàng. Các nghệ sĩ xuất hiện với những con rối trên tay, điều khiển chúng một cách điêu luyện, cho khán giả thấy được sự tài tình, độc đáo của nghệ thuật rối nước, rồi sau đó sân khấu thủy đình mới thật sự được trả lại cho các chú rối.

Hình ảnh những con cá vàng lóng lánh, rồng phun lửa, rùa dạo chơi, ông lão đánh cá, nông dân cày cấy... nối tiếp nhau sinh động.

"Vở diễn được hỗ trợ bởi những tứ thơ đậm chất hiền triết phương Đông, thể hiện qua giọng ca của NSND Thanh Hoài, với những giai điệu lạ, khiến khán giả tại Nhà hát Quốc gia Bordeaux – Pháp ngạc nhiên và thán phục" - ông Dũng chia sẻ. "Đặc biệt, một trong số những buổi biểu diễn dành cho khán giả nhí đã đạt được sự thành công ngoài mong đợi, khi mà trẻ em đến tham dự dường như bị cuốn vào vở diễn, không có một lời nói chuyện hay hành động riêng. Để rồi, những tràng pháo tay không ngớt của khán giả nhí cũng là điều mà đoàn nghệ thuật không ngờ tới…" - Trưởng đoàn nghệ thuật cho biết thêm.

Rối nước Việt tại quê nhà

Tại trời Tây thì thế, nhưng thật chạnh lòng khi xem rối nước cổ truyền ở Hà Nội, chỉ thấy hầu hết khán giả là du khách nước ngoài, mà quá ít người thủ đô. Hình như, sân khấu có một không hai này của người Việt lại chỉ lọt "mắt xanh" của... người nước ngoài.

“Mẹ ơi, con gì đó mẹ?". Người mẹ vội vã: “Trò đó xưa rồi, không đáng quan tâm đâu con. Mình đi thôi” - Một người mẹ giải thích cho đứa con của mình khi cô bé thắc mắc, không biết, những con vật đang uốn lượn trên mặt nước kia gọi là con gì?

Nhớ khi tôi trạc tuổi cô bé, mỗi khi xã có tổ chức đêm diễn rối nước phục vụ cộng đồng (khi ấy ti vi chưa có nhiều ở làng quê tôi) đám trẻ chúng tôi cứ gào lên và đòi đi xem cho kỳ được mỗi lần có thông báo “đêm diễn múa rối nước”. Còn quá nhỏ để có thể hiểu đó là loại hình nghệ thuật gì nhưng trong tâm thức, tôi luôn ghi nhớ, đó là một trò diễn với những con rồng phun lửa, những con rùa ngụp lặn… của đất nước.

Vì thế, ngạc nhiên dai dẳng nhất của tôi là tại sao người Việt, trẻ em Việt giờ lại không còn mấy nao nức xem rối nước? Và, rối nước vốn là của cải văn hóa phi vật thể đặc sắc bậc nhất Việt Nam - cách đây vài năm, khi đưa hồ sơ đề nghị UNESCO phong tặng Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, lại bị trả về, vì chưa đủ minh chứng đây là sân khấu dân gian lâu đời và độc đáo duy nhất chỉ có ở làng quê Việt!

Tôi ngờ rằng, sự trong trẻo, hồn nhiên, ngộ nghĩnh mang linh hồn Việt toát lên từ nghệ thuật này đã làm người xem phương Tây "phải lòng" rối nước cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, với người Việt, những điều đó dường như không còn được quan tâm khi cuộc sống ngày càng bị lấn át bởi nhiều thứ hơn.

Hơn nữa, ở tại nơi sinh ra, rối nước cổ truyền như không còn đúng nghĩa với cái “cổ truyền” mà nhiều người vẫn thấy. Và thay vì phát huy, có nơi đã phát triển bằng cách thêm thắt cho rối cổ những cái mới: kịch bản, lời thoại trong khi rối nước chỉ đơn giản là sự xâu chuối những trò lẻ, không lời, chỉ thuần động tác của diễn viên là con rối gỗ.

Ngoài ra, rối nước còn thêm nếm hát chèo, nhạc chèo, nhiều đến mức phá vỡ cấu trúc trò diễn và cái đẹp trong những động tác sân khấu của con rối. Quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ có hơn chục trò rối nước cổ được "pha loãng" ra, thí dụ trò lẻ cổ truyền: long-ly-quy-phượng, đã bị bẻ ra làm 4, thành rồng phun nước, phun lửa, lân tranh cầu, rùa ngụp lặn...

Và có thể, đôi khi, ý thức cần "chuyên nghiệp hóa" quá mạnh đã khiến người ta vô tình đánh mất hồn rối nước cổ truyền mà không nhận ra.

Nhiều người ngờ rằng, có được thành công trong dự án “Người thầy của những con rối” là bởi có sự góp nhặt từ ý tưởng, cách dàn dựng của đạo diến Dominique Pitoiset. Đồng thời, có sự góp nhặt bởi yếu tố lạ của rối nước Việt tại trời Tây. Thay vì, rối nước đã truyền tải hết những tinh túy, những đặc sắc của nước Việt trong đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới