Hai bức tranh viện dưỡng lão
Thùy Dung
![]() |
Con em doanh nhân Câu lạc bộ Kết Nối (thuộc Saigon Times Club) thăm và tặng quà cho người già tại Trung tâm Nuôi dưỡng, bảo trợ người già và người tạn tật Chánh Phú Hòa, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Uyên Viễn. |
(TBKTSG) - Hai cụ già trên 80 tuổi dắt tay nhau trò chuyện vui vẻ trong khuôn viên đầy nắng và gió. Tiếng chim hót và những bài hát trữ tình được phát đi từ loa phóng thanh nghe thật yên bình. Một cô điều dưỡng viên nhẹ nhàng gọi các cụ vào uống thuốc theo lịch.
1. Đây là bức tranh mô tả cảnh trong Trung tâm Dưỡng lão Hà Nội (Mỗ Lao, Hà Đông), được thành lập cách đây hơn 30 năm nhằm phục vụ những người có công với đất nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Giám đốc trung tâm, mỗi năm trung tâm tiếp nhận khoảng 2.100 cụ già thuộc diện chính sách theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đó, mỗi tuần trung tâm tiếp nhận luân phiên gần 50 cụ và chăm sóc trọn vẹn trong vòng sáu ngày (không nuôi dưỡng suốt đời), bao gồm việc tổ chức cho các cụ đi du lịch, tham quan các viện bảo tàng, các khu di tích lịch sử trong nước. Trung tâm được nhận 1,8 triệu đồng một tuần cho mỗi cụ, chưa bao gồm các khoản như tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng và chi phí điều hành.
Ông Kiều Quang Trung, một thương binh từ thị xã Sơn Tây, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi đã vào đây an dưỡng được bốn ngày và thấy khỏe khoắn trở lại. Nhưng bốn năm mới được đi an dưỡng một tuần là rất ít”.
2. Khác với Trung tâm Dưỡng lão Hà Nội, tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Phúc (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra cảnh tan hoang, lộn xộn vì bị đòi đất, phải chuyển sang địa điểm mới ở Sóc Sơn. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Sau hơn 10 năm hoạt động, bao nhiêu công sức xây từng ngôi nhà, trồng từng cái cây, giờ phải chuyển đi nơi khác”.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội, chiếu theo chính sách, ông Ngọc được Nhà nước cho thuê đất dài hạn và hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất ưu đãi 3%/năm. Nhưng ông cho biết việc tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi kể trên là điều “không tưởng” vì những đòi hỏi thủ tục nhiêu khê từ phía ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ thường cấp đất tại những vùng xa trung tâm Hà Nội như Phú Thọ, Bắc Ninh... Những khu vực đó khó có thể kinh doanh do xa các cơ sở y tế. Hơn nữa, nhu cầu dưỡng lão lại chủ yếu tập trung trong nội thành.
Cái khó nữa là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông Ngọc cho rằng còn thiếu nhiều nhân viên điều dưỡng có chuyên môn, trách nhiệm và có tâm với nghề bởi thiếu cơ sở đào tạo, thiếu người theo nghề do xã hội chưa coi chăm sóc người già là một nghề thật sự.
Tương tự, ông Vũ Minh Lương, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Phù Đổng, (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết kể từ khi thành lập trung tâm tính tới nay đã sáu năm, ông chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Từ việc thuê đất kinh doanh đến vốn đầu tư đều do gia đình ông tự huy động. (Hiện Trung tâm Phù Đổng đang nuôi dưỡng hơn 100 người già trên khu đất chỉ khoảng một héc ta). “Vốn lớn nhưng thu lại tiền của các cụ hoặc con cái các cụ thì nhọc nhằn. Tôi thấy các viện dưỡng lão ở Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan đều được nhà nước cho thuê đất dài hạn 50 hoặc 70 năm và hỗ trợ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Lương so sánh.
Theo ông Lương, hiện ở Hà Nội, số trung tâm tư nhân như của ông chỉ đếm được trên đầu ngón tay, không đáp ứng nổi nhu cầu an dưỡng của một lượng không nhỏ dân số đang ngày càng già. Đã có lúc ông dự định mở rộng trung tâm thêm 5 héc ta nữa nhưng lãi suất vốn vay cao và thực trạng thu hồi vốn chậm đã khiến ông nản chí.
* * *
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 13 trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng người già thuộc diện chính sách, không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi. Trong một lần trả lời giới truyền thông, ông Lê Tuấn Hữu, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết sở này không có ý định đề xuất Chính phủ mở rộng hoặc xây thêm các trung tâm dạng này vì đã “cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu”(?).
Còn theo số liệu dự báo do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2009, tính đến hết năm 2011, số người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta đạt 7,6 triệu người, chiếm 8,74% tổng dân số. Tuy nhiên, đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 11,2 triệu người, tăng hơn 45% so với năm 2011 và chiếm tới 11,63% tổng dân số. Có thể hình dung với tốc độ già hóa dân số như thế, chắc chắn cần thêm các trung tâm dưỡng lão.
Tuy vậy, trong quá trình đô thị hóa dường như thiếu các khu quy hoạch dành cho người cao tuổi. Như vậy, người cao tuổi ở thành thị nếu không về quê an dưỡng tuổi già sẽ sinh hoạt ra sao tại đô thị? Ngày ngày sống với bốn bức tường nhà bao quanh, họ có khác gì bị giam lỏng?
Cần nhìn nhận các trung tâm chăm sóc người cao tuổi tư nhân không đơn thuần là hoạt động kinh doanh. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước, chính những doanh nghiệp này đang góp phần giảm bớt gánh nặng phúc lợi xã hội cho Nhà nước. Mặt khác, không có các đơn vị tư nhân đảm đương việc chăm sóc người già thì sẽ còn nhiều gánh nặng khác đè nặng lên tâm lý và cả kinh tế của những gia đình có người già yếu.
Nâng cao đời sống cho những người cao tuổi cũng chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân - một thước đo đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Thiết nghĩ, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để khích lệ việc tư nhân hóa các dịch vụ chăm sóc người già, nhằm đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn người lao động đến tuổi nghỉ hưu và những Việt kiều có nhu cầu quay về quê hương an dưỡng tuổi già.