Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hai chướng ngại thách thức giải ngân đầu tư công

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giải ngân đầu tư công trong bốn tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm ngoái, đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế hỗ trợ cho tăng trưởng và thậm chí còn dấy lên mối lo cuối năm thiếu vốn nếu tiếp tục giải ngân tốt như hiện nay. Dù vậy, mục tiêu giải ngân 95% vốn vẫn rất thách thức nếu tình trạng thiếu vật liệu san lấp và sự lạc hậu của các định mức xây dựng không được khắc phục kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Đầu giờ chiều nay, xe từ trung tâm thành phố đổ về cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây ngày càng đông. Từ đường Đồng Văn Cống đến đường dẫn cao tốc chỉ dài 500m, nhưng xe phải mất hơn 15 phút mới qua được. Ảnh: Minh Hoàng

Hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỉ đồng (bao gồm 225.000 tỉ đồng vốn ngân sách trung ương và 432.349 tỉ đồng vốn ngân sách địa phương).

Báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khai mạc ngày 20-5-2024, Chính phủ cho biết, giải ngân vốn đầu tư công trong bốn tháng đầu năm đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65% - tương đương 110.633 tỉ đồng). Nhờ đó, một lượng vốn lớn, khoảng 115.906 tỉ đồng, đã được đưa ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Như vậy, giải ngân đầu tư công trong bốn tháng đầu năm 2024 cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và tuyệt đối. Lý giải nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng “các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân”.

Đầu tiên phải kể đến rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế; đặc biệt là những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.

Tiếp đến là công tác chỉ đạo điều hành hết sức quyết liệt. Từ năm tổ công tác đôn đốc giải ngân đến nay đã thành lập 26 tổ do các bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng. Ngoài ra, có rất nhiều nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Giải pháp quan trọng nhất, theo ông Phương, là sự tự giác, quyết liệt ở các đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai, thi công công trình. “Chúng ta thấy được không khí “thi công 3 ca 4 kíp”, “vượt nắng mưa”… trên công trường như Thủ tướng thường nói”.

Và cuối cùng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, trung ương, địa phương để nhanh chóng xử lý những tình huống phát sinh, nhờ đó, quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng.

Diễn biến tích cực của giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm nay có thể dẫn đến tình huống thiếu vốn dịp cuối năm. Theo ông Phương, nếu các bộ, ngành tiếp tục giải ngân tốt thì rất có khả năng đến cuối năm hết tiền, tức là giải ngân hết rồi và không còn hạn mức, không còn dự toán để giải ngân nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng, dự báo lượng vốn thực tế có thể giải ngân được của năm 2024 và năm 2025 so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Ước tính năm nay có thể thiếu hơn 100.000 tỉ đồng, ông Phương cho biết. Nếu điều này xảy ra thì giải pháp là điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công, bởi luôn có nơi thiếu vốn và nơi thừa vốn.

Thiếu cát đắp nền, định mức xây dựng lạc hậu

Năm nay, Chính phủ phấn đấu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công. Dù đã đạt được kết quả tốt trong những tháng đầu năm song mục tiêu này cũng đối diện không ít thách thức.

Trong đó, đáng chú ý là nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết.

Cùng với giải phóng mặt bằng thì các vấn đề định mức, đơn giá, vật liệu là nóng nhất hiện nay, ảnh hưởng đến tiến độ thi công…

Tình trạng thiếu cát đắp nền của các dự án giao thông trọng điểm đã ở trạng thái nhức nhối từ năm ngoái cho tới nay. Với chiều dài 463 ki lô mét, các dự án cao tốc khu vực ĐBSCL có nhu cầu cát san lấp rất lớn, khoảng 53,69 triệu mét khối. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp hiện còn 37 triệu mét khối, chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cho các dự án cao tốc, chưa kể các dự án đường bộ khác. Việc khai thác cát cũng vướng ở nhiều khâu, khiến nguồn cung trở nên căng thẳng.

Trong khi đó, báo cáo của UBND TPHCM cho biết, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án đường Vành đai 3 khoảng 9,3 triệu mét khối, trong đó riêng năm 2024 là 6,5 triệu mét khối (riêng TPHCM là 4,7 triệu mét khối). Tuy nhiên, các nhà thầu thi công đang gặp khó khăn trong tìm kiếm các nguồn cát đắp nền, vì các tỉnh ưu tiên cung cấp cát cho các dự án của địa phương và cao tốc Bắc - Nam. Do thiếu cát đắp nền, nhiều gói thầu của Vành đai 3 phải thi công cầm chừng.

Không có cát đắp nền, trong khi việc sử dụng cát biển làm vật liệu thay thế cát sông vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tiến độ thi công và hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm sẽ bị chậm lại. Kéo theo đó sẽ khó hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc về định mức xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Định mức xây dựng hiện áp dụng theo Thông tư 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường; định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ; đồng thời, còn thiếu nhiều định mức.

Ông Phùng Tiến Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, lấy ví dụ: thi công móng cấp phối đá dăm trước đây định mức hao phí vật liệu là 1,42 mét khối đá/1 mét khối móng hoàn thiện, đến Thông tư 12 chỉ còn 1,34 mét khối đá/1 mét khối móng hoàn thiện. Như vậy, hao phí vật liệu để hoàn thiện 1 mét khối móng cấp phối đá dăm đã giảm, trong khi hao hụt thi công theo định mức vật liệu là không đổi. Hoặc, việc tận dụng đá để đắp nền đang áp dụng ở rất nhiều dự án trọng điểm, nhưng định mức đắp đá và hệ số lu lèn vẫn chưa được ban hành.

Đơn giá nhân công do các địa phương ban hành cũng bất cập. “Theo đơn giá của địa phương, giá nhân công các bậc chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày. Trong khi thực tế thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng đã 400.000-500.000 đồng/ngày. Ngày nghỉ, ngày lễ phải nhân đôi, nhân ba nhưng không có định mức, dự toán nào tính cho”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả phản ánh.

Bộ định mức hiện nay còn thiếu nhiều cũng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng khi lập dự toán và nghiệm thu, thanh toán, quyết toán. “Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chúng tôi đang thi công, hạng mục đắp đá, đắp đất lẫn đá chưa có định mức để áp dụng, nhà thầu phải tạm thanh toán theo đơn giá đắp đất, ảnh hưởng lớn đến công tác thu hồi vốn và tài chính của nhà thầu”, ông Thành cho hay.

Cùng với giải phóng mặt bằng thì các vấn đề định mức, đơn giá, vật liệu là nóng nhất hiện nay, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, xác nhận.

Đặc biệt, thời gian qua, nhà thầu rất vất vả trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo cơ chế đặc thù. Thực tế các thủ tục từ lúc lập đến khi cấp phép khai thác kéo dài khoảng tám tháng, nguyên nhân do chưa có hướng dẫn rõ ràng từ đầu, các địa phương hiểu, áp dụng khác nhau theo hướng an toàn, thận trọng, dẫn đến thủ tục kéo dài.

Tại Công điện số 02/CĐ-TTg ban hành ngày 9-1-2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, việc sửa đổi Thông tư 12 không thể hoàn thành trong quí 1 như dự kiến trước đó, mà phải dời sang quí 3 năm nay.

Nếu bất cập của định mức, đơn giá khiến nhà thầu “càng làm càng lỗ” thì họ có thể thi công cầm chừng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, đến mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ và ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế trong dài hạn, bởi các dự án hạ tầng này đều có ý nghĩa rất quan trọng với đất nước.

316 dự án chưa giải ngân đồng nào

Bộ Tài chính vừa công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (trong nước) do địa phương quản lý là 82.243 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hết ngày 31-3-2024, các dự án mới giải ngân được 8.634 tỉ đồng, đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%). Đặc biệt, đến ngày 30-4-2024, còn 316 dự án có tỷ lệ giải ngân là 0% so với kế hoạch Thủ tướng giao.

Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, tỉnh Điện Biên đứng đầu danh sách khi có tới 105 dự án, tiểu dự án chưa giải ngân với số vốn trên 343,9 tỉ đồng. Tỉnh Sơn La có 22 dự án chưa giải ngân với số vốn trên 258,8 tỉ đồng. Tỉnh Hòa Bình có 18 dự án chưa giải ngân với số vốn trên 264,4 tỉ đồng. Tiếp đến là các tỉnh Quảng Bình, Đắk Nông, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Giang, Bắc Giang đều còn trên dưới 10 dự án chưa giải ngân…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới