(KTSG Online) - Hai lô hàng bị phía Nhật Bản buộc tiêu hủy là lô sầu riêng khoảng 1,4 tấn bị phát hiện tồn dư chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm và lô hàng hơn 4 tấn ớt có hai hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole và hexaconazole.
- Nghịch lý sầu riêng được giá, nhà xuất khẩu lỗ nặng rời thị trường
- Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang châu Âu
TTXVN dẫn thông tin từ Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, trong tháng 10-2023 có một lô hàng sầu riêng và một lô hàng ớt của Việt Nam xuất sang Nhật Bản bị buộc tiêu hủy do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép.
Lô hàng sầu riêng khoảng 1,4 tấn được nhập khẩu ngày 5-10. Khi hàng đến Nhật Bản, cơ quan kiểm dịch nước này đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện tồn dư hoạt chất procymidone với hàm lượng 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép của Nhật Bản là 0,01 ppm. Đây là hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.
Với lô hàng hơn 4 tấn ớt, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm với 4 hoạt chất. Kết quả xét nghiệm phát hiện có hai hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố, xuất khẩu sầu riêng trong 10 tháng năm 2023 đã đạt gần 2,1 tỉ đô la, là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy.
Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích trồng sầu riêng năm 2023 đạt 131.000 ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng đạt 1 triệu tấn.