(KTSG Online) - Nửa đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước không những không tăng mà còn có phần chững lại. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải gỡ những "nút thắt" về giải phóng mặt bằng và phân cấp - phân quyền thì mới có thể tăng tốc độ giải ngân vốn.
- 6 tháng đầu năm ngành giao thông giải ngân 25.500 tỉ đồng vốn đầu tư công
- Năm 2025, dự kiến vốn đầu tư công của Hà Nội hơn 81.300 tỉ đồng
Nan đề đền bù, giải phóng mặt bằng
Theo Bộ Tài chính, thanh toán giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 6-2024 mới đạt 196.669 tỉ đồng, bằng 27,51% kế hoạch cả năm và 29,39% kế hoạch Thủ tướng giao. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân không tăng mà còn có phần chững lại.
Các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay vẫn là những tồn tại nhiều năm. Đó là, cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng (GPMB), trọng tâm là xác định nguồn gốc đất và giá đất; thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết, quá trình triển khai thực tế khó tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các thủ tục đền bù cho người dân. Việc giải quyết tình huống phát sinh tại từng dự án phụ thuộc lớn vào sự nhạy bén và linh hoạt các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án.
“Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án”, ông Phương nói và cho rằng, nếu không xử lý nhanh thì dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Thực tế, tại Bắc Ninh, với những dự án như đầu tư các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với quốc lộ 3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh đường Vành đai 4 dù Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn đến hết năm 2024 nhưng địa phương cũng không chắc chắn là có thể giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn.
Trước đó, tính từ lúc nhận được vốn Trung ương giao vào giữa năm 2023, địa phương đã dành đến một năm để chuẩn bị các thủ tục đầu tư. Vướng mắc chủ yếu vẫn nằm ở công tác giải phóng mặt bằng. Đơn vị thi công mới nhận bàn giao gần 11/18,5km đường dọc tuyến dự án do nhóm cần đền bù là khá lớn, nằm tại hai huyện, với chín xã và 25 thôn.
Đại diện Ban phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhiều công trình thuộc dự án đi qua đất vườn của người dân có đơn giá bồi thường chỉ 70.000 đồng/m2, không có các khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề và ổn định đời sống. Mức này thấp hơn khá nhiều so với đất nông nghiệp nên nhiều người dân không đồng thuận.
Cũng liên quan đến giải phóng mặt bằng, có một câu chuyện đáng chú ý là dù chỉ còn một mố cầu nữa là hoàn thành nhưng việc xây dựng một cây cầu thuộc dự án đơn vị thi công buộc phải làm việc cầm chừng trong nửa năm qua. Lý do là dự án vướng 50m2 công trình phụ của một hộ dân nằm án ngữ ở vị trí mố cầu.
Trong khi đó, giá thuê một cần cẩu tháp xây dựng tại công trình là 100 triệu đồng/tháng nhưng gần sáu tháng qua cần cẩu vẫn phải nằm chờ vì không có việc, gây lãng phí hơn nửa tỉ đồng của đơn vị thi công.
Gỡ nút thắt GPMB và phân cấp - phân quyền
GS. TS Đoàn Xuân Tiên, nguyên Phó tổng KTNN đánh giá, nút thắt đầu tiên và cũng là gốc của vấn đề giải phóng mặt bằngcác dự án đầu tư công là giá đất. Vì vậy, cần định giá đất sát với giá thị trường.
Trước đó, Luật Đất đai năm 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”. Tuy nhiên, việc bỏ khung giá đất và cập nhật bảng giá đất hàng năm, theo quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi), được kỳ vọng sẽ giúp giá đất bồi thường sát hơn với giá thị trường, qua đó bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Bên cạnh yếu tố định giá đất, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu nên tách giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng và giai đoạn đầu tư, thi công thành một dự án riêng, giúp việc triển khai các dự án nhanh hơn.
Nếu làm vậy, địa phương sẽ chủ động hơn và chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, có thể buộc phải giải phóng xong mặt bằng mới được cấp kinh phí thi công. Chủ đầu tư và đơn vị thi công chỉ tập trung triển khai dự án mà không phải kiêm thêm công tác giải phóng mặt bằng, một công việc không phải nhiệm vụ chuyên môn.
Việc này cũng nâng cao được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan đến việc triển khai các công trình, dự án; việc đánh giá, quy trách nhiệm đối với từng đơn vị sẽ rõ ràng hơn.
Hiện mới chỉ có một số dự án quan trọng quốc gia (dự án nhóm A) như dự án thành phần 1.1 thuộc dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án thành phần 2 thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM được phép tách công tác tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Với các dự án nhóm B và C, việc này mới dừng ở giai đoạn đề xuất thí điểm.
Về tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm khiến nhiều dự án chậm triển khai, chậm tiến độ và không thể giải ngân dù đã bố trí được nguồn vốn đầy đủ, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng nên rà soát quy trình đầu tư theo hướng tinh giản, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức và cá nhân có liên quan.
“Cần chuyển từ cơ chế xin - cho sang cơ chế giao nhiệm vụ đầu tư công, gắn trách nhiệm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân có liên quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương”, ông Ánh nói.
Với các tổ công tác của Chính phủ về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, chuyên gia này cho rằng, mỗi tổ công tác, mỗi thành viên cần được trao đủ quyền hạn và trách nhiệm để xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn theo nguyên tắc “tiền trảm hậu tấu”, tránh quy trình thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Đồng thời, cần có đường dây nóng trực tiếp báo cáo với Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực về những vấn đề vượt thẩm quyền, để xử lý kịp thời và dứt điểm.
“Chỉ có như vậy, tiến độ giải ngân mới được đẩy nhanh và hoạt động của tổ công tác mới nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”, ông Ánh nói.
Thực tế tại Vĩnh Phúc, một trong số 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước sau 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân tốt hơn nhờ phân bổ vốn theo đúng các nguyên tắc “tập trung cho các công trình quyết toán, chuyển tiếp, các công trình thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, hạn chế khởi công công trình mới”. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2024 được giao ngay từ cuối năm 2023.
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn tại các dự án trọng điểm
Ở cấp huyện, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng phòng tài chính - kế hoạch, UBND huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết địa phương đã thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách cấp huyện, xã đạt trên 97% cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Thậm chí, UBND huyện còn tổ chức hội nghị giao ban hàng tuần/tháng để đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với riêng các dự án lớn và trọng điểm, huyện Yên Lạc thành lập 2 tổ công tác, phân công cụ thể từng lãnh đạo UBND huyện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các dự án.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu. Có như thế, chính quyền mới có thể đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công.