Thứ Bảy, 19/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hai nút thắt của sản xuất lúa gạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hai nút thắt của sản xuất lúa gạo

Trúc Diễm

Hai nút thắt của sản xuất lúa gạo
Giá gạo sẽ có xu hướng nhích lên năm 2017 - Ảnh: TL

(TBKTSG Online) -  Trong ngắn hạn, giá lúa gạo được dự báo vẫn theo xu hướng tăng do nhu cầu dự trữ của một số quốc gia nhưng sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang phải đối mặt hai nút thắt ở hai đầu của chuỗi sản xuất, theo thông tin tại hội thảo về triển vọng lúa lúa gạo được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nghiên cứu về thị trường lúa gạo Việt Nam của Bộ môn nghiên cứu và ngành hàng thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (Ipsard) cho thấy, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang có hai nút thắt ở hai đầu của chuỗi sản xuất. Nút thắt thứ nhất là từ phía người sản xuất, tức nguồn cung chủ yếu từ nông dân, và khá tập trung ở một số tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, 2/3 lượng lúa thặng dư tập trung ở nhóm 20% nông dân sản xuất nhiều nhất, diện tích canh tác trung bình 2,74 héc ta. Trong 9 triệu hộ trồng lúa, lượng lúa gạo sản xuất từ 300.000 hộ chiếm phần lớn lượng gạo xuất khẩu.

Kế tiếp là hoạt động chế biến thì lại bị phình ra và phân tán tại hơn 300.000 nhà máy, chủ yếu có quy mô nhỏ. Trong khi tại Thái Lan, chỉ có khoảng 1.000 nhà máy. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam lại thắt lại với khoảng hơn 100 nhà xuất khẩu; trong đó hiện chỉ có 22 nhà xuất khẩu được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính hai nút thắt này khiến các chuyên gia hoài nghi đây chính là nguyên nhân khiến thị phần gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới có khuynh hướng giảm trong những năm gần đây…Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam giảm 27% về lượng, 23% về giá trị so với 2015, thấp nhất trong ít nhất 8 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, thị phần gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất cũng giảm. Thị phần của Việt Nam tại các thị trường khó tính, có giá trị nhập khẩu gạo cao nhất như EU, Trung Đông, hoặc vùng Sub-Sahara đang giảm hoặc rất ít, chỉ chiếm vài phần trăm.

Dù thị trường thế giới yếu đi nhưng thị trường gạo trong nước cũng không hẳn là nơi “trú ẩn” của gạo Việt Nam vì các doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Ngoài ra, thị trường nội địa còn một số rào cản tự nhiên khác khiến doanh nghiệp khó tiếp cận như cung cầu nặng tính vùng miền; tỉ lệ dân cư sống ở nông thôn còn cao….

Nhu cầu xuất khẩu gạo sẽ phục hồi?

Theo ông Sergio Araujo, Ban Thương mại và Thị trường của FAO Rome, thách thức của gạo Việt Nam là làm sao chuyển từ phân khúc lúa gạo cấp thấp sang xây dựng thương hiệu lúa gạo cấp cao. Làm thế nào để phân biệt được lúa gạo Việt Nam với các thương hiệu lúa gạo của các quốc gia khác.

Trong khi đó, cạnh tranh tại phân khúc gạo cấp cao cũng rất khắc nghiệt. Hiện nay, nhiều nước đang định hình lại phân khúc gạo cấp cao của mình. Ví dụ như Thái Lan tăng tiêu chuẩn gạo cao cấp và lập cơ quan nghiên cứu giá trị gia tăng cho ngành gạo (API); Ấn Độ tập trung tăng tiêu chuẩn kỹ thuật gạo basmati; Myanmar tuyên bố tập trung vào chất lượng gạo; Ấn Độ và Thái Lan đều nỗ lực tăng sản xuất - xuất khẩu gạo hữu cơ…

Xét về phía cầu, nhu cầu tiêu thụ gạo đang giảm xuống mà thay bằng các mặt hàng giàu đạm hơn như thịt, hải sản, trứng, sữa….Đặc biệt, thị trường Trung Quốc cho thấy sự bão hoà về nhu cầu tiêu thụ gạo do tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và tốc độ tăng dân số thấp.

Theo số liệu của Ipsard, nếu như năm 2002, 20% hộ có thu nhập cao nhất dành hơn 48% ngân sách thực phẩm cho gạo thì đến năm 2012 cũng 20% này chỉ dành khoảng 33% ngân sách thực phẩm cho gạo.

Theo bà Phạm Kim Dung, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành hàng (Ipsard), bên cạnh việc suy giảm nhu cầu tiêu thụ gạo, các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng có những chính sách đảm bảo an ninh lương thực riêng của mình. Ví dụ, Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu; Philippines, Indonesia, Malaysia và một số nước châu Phi cũng nỗ lực tự cung tự cấp, thậm chí Indonesia đang có tham vọng xuất khẩu 10.000 tấn gạo trong năm 2017.

Tuy vậy, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới cũng như Quỹ tiền tệ Quốc tế, giá gạo vẫn có xu hướng nhích lên trong ngắn hạn do nhu cầu dự trữ lương thực tại một số quốc gia tăng lên. Malaysia tăng nhập khẩu lên 950.000 tấn do phục hồi sản xuất thấp hơn dự báo trước đó; Bangladesh cũng vừa tuyên bố nhập khẩu 600.000 tấn, trong đó có nhắm tới nguồn cung từ Việt Nam. Ngoài ra, một số nước châu Phi cũng tăng nhu cầu dự trữ.

Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2017 được dự báo tiếp tục ở mức cao nhưng gạo Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh lớn tại thị trường này. Hiện các nước xuất khẩu gạo đang vận động hành lang để Trung Quốc cấp phép thêm cho các nhà xuất khẩu gạo, như tại Campuchia, Ấn Độ và ngay cả Việt Nam cũng vậy. Hơn nữa, Thái Lan, đối thủ lớn của Việt Nam, có lợi thế xuất khẩu gạo thông qua các hợp đồng chính phủ với Trung Quốc.

Mời đọc thêm:

Ta có dám học Campuchia làm lúa gạo không?

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới