(KTSG Online) – Tín dụng ngân hàng đang được đẩy ra nhiều hơn trong bối cảnh thị trường bước vào giai đoạn nhu cầu sử dụng vốn cao hơn. Tuy nhiên, nguồn cung tăng cũng chưa đủ đảm bảo những rủi ro về phía cầu.
- NHNN chỉ đạo nghiên cứu giải pháp tín dụng để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất
- Nới room tín dụng – vì sao vào lúc này và hệ quả là gì?
- Tăng trưởng tín dụng tại TPHCM thấp hơn mặt bằng chung cả nước
Tăng tốc giải ngân, đủ vốn kích cầu
Trung tuần tháng 10, TPHCM đã có tới ba hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức liên tiếp, với số vốn cam kết cho vay lên tới trên 20.000 tỉ đồng. Hai kỷ lục mới được tạo ra, một là số buổi kết nối trong 10 tháng đầu năm lên tới con số 34, ngang mức cả năm 2023, cũng là năm đạt kỷ lục về số lượng tổ chức từ trước đến nay.
Kỷ lục thứ hai là số vốn giải ngân từ đầu năm đến nay lên mức 548.337 tỉ đồng, vượt 7,5% con số đăng ký đầu năm của 17 ngân hàng thương mại tham gia, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM.
Số vốn đăng ký trong năm 2024 cũng đã cao hơn 12% so với quy mô vốn cung ứng năm 2023. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vốn đang được đẩy ra thị trường nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm đạt 8,5%. Trong đó, nhiều ngân hàng có tỷ trọng cho vay khối khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân ở mức cao. “Điều này chứng tỏ nhu cầu vốn tín dụng của khối kinh tế tư nhân đang khởi sắc và được hệ thống ngân hàng đáp ứng tốt”, ông Lệnh đánh giá.
Còn theo số liệu của NHNN, tín dụng bình quân hệ thống tăng khoảng 9% trong 9 tháng đầu năm. Đồng thời, trong buổi họp báo gần đây, lãnh đạo NHNN cũng nhiều lần nhấn mạnh thanh khoản hệ thống tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng.
Tại hội nghị kết nối ở TPHCM mới đây, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Trong đó có gói quy mô 20.000 tỉ đồng đặc thù mà lãi suất chỉ từ 2,6%/năm với kỳ hạn dưới 3 tháng; hay gói 50.000 tỉ đồng với lãi suất giảm từ 0,5% đến 1,5% cho những khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.
Không thiếu vốn là lời cam kết mà nhiều lãnh đạo ngân hàng nói trong thời gian qua, dù còn nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ở ngân hàng. Vốn thừa, nhiều ngân hàng trong thời gian qua cũng giới thiệu nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất công bố thấp hơn tùy theo điều kiện từng khách hàng.
Theo đại diện Agribank, vấn đề cần giải quyết ở các hội nghị kết nối là làm thế nào để doanh nghiệp có thể hiểu hơn về chính sách và quy định của ngân hàng, để khi tiếp cận thì giảm bớt thông tin không đáng có. Từ đó giúp mối quan hệ đồng hành hai bên lành mạnh hơn, trên cơ sở hướng tới cái chung.
Tuy nhiên, không chỉ chênh lệch khoảng trống về thông tin đơn thuần, vấn đề khác là độ lệch giữa cung và cầu vốn, cũng như áp lực của các nhà băng về khả năng cân bằng chi phí vốn và chất lượng khoản vay.
Áp lực kích cầu tín dụng
Số liệu của Techcombank cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9-2024 ở mức cao. Mảng cho vay mua nhà tăng 6,6% so với quí trước và 13,2% so với đầu năm, lên mức cao kỷ lục. Trong khi đó, tín dụng doanh nghiệp ghi nhận mức tăng lần lượt 2,9% và 16,3%. “Tín dụng cá nhân là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong quí 3”, Techcombank đánh giá.
Một số báo cáo quí 3 cho thấy một số nhà băng cũng có mức tăng trưởng tín dụng cao tương tự. Tuy nhiên, đánh giá chung từ phía NHNN trong cuộc họp báo gần nhất, cho rằng mức tăng trưởng vẫn chưa đồng đều, có tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu được thông báo, nhưng cũng có bên tăng trưởng âm.
Trong năm nay, NHNN đổi phương án giao hạn mức để các tổ chức tín dụng chủ động phương án đưa vốn ra thị trường. Ngày 28-8, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt trên 80% chỉ tiêu thông báo đầu năm, được tăng thêm dựa trên điểm xếp hạng.
Một khảo sát khác của Vụ Dự báo thống kê (thuộc NHNN) công bố hồi đầu tháng 10 cho thấy thêm một góc nhìn khác về nhu cầu vốn. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng dư nợ trong năm 2024 giảm về mức 13,2%, thay vì mức 14,1% ở kỳ khảo sát trước đó. Lãi suất huy động cũng có xu hướng điều chỉnh tăng ”rất nhẹ”, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, bài toán hiện nay của các ngân hàng là đối mặt với khả năng NIM (biên lợi nhuận lãi thuần) giảm, khi chi phí huy động chịu áp lực tăng vào cuối năm (trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với huy động). Mặt khác, bài toán tìm khách hàng cho vay cũng là điều mà các ngân hàng đối mặt. “Vấn đề là ngân hàng có khả năng chịu đến bao giờ?”, ông Khoa bình luận.
Tuy nhiên, một điểm tích cực có thể nhắc đến là hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng lãi suất cho vay nhìn chung khó có thể tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh các chính sách hỗ trợ tăng trưởng dường như đang được ưu tiên.
Bên cạnh câu chuyện lãi suất, nhu cầu nền kinh tế có thể không đạt như kỳ vọng là một rủi ro, dù hầu hết các chuyên gia đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay quanh mức 15% là có thể đạt được.
Trong buổi hội nghị vào giữa tháng 10, đại diện Công ty Thái Sơn Nam cho biết các doanh nghiệp hiện nay thận trọng dù lãi suất vay được đánh giá là ở mức phù hợp, tìm cách xoay sở dòng tiền từ việc giảm nợ để giảm chi phí, hay cố gắng tìm thêm khách hàng trả trước tiền một ít. “Doanh nghiệp làm ổn định thì không muốn vay thêm mà muốn giảm nợ dần, cũng như sẽ tìm ngân hàng nào có chính sách tốt hơn”, vị này bình luận.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng xu hướng tăng trưởng tín dụng vẫn tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (tăng 16%) hơn là tín dụng bất động sản tiêu dùng (cá nhân vay mua nhà, sửa nhà - tăng 4,62%). “Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng từ cá nhân và hộ gia đình chưa có sự phục hồi đáng kể, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức thấp và hấp dẫn”, báo cáo của SSI đánh giá.
Nhìn chung, các ngân hàng đang chịu áp lực từ đầu vào (chi phí vốn) và áp lực đầu ra khi tìm khách hàng cho vay và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cuối năm (cung ứng vốn để tăng trưởng GDP chứ không chỉ là mục tiêu tín dụng), đồng thời phải đảm bảo chất lượng tín dụng và các quy định cơ cấu nợ xấu sắp hết hiệu lực. Chính sách tiền tệ dường như đang phải bù đắp cho chính sách tài khóa, khi giải ngân vốn đầu tư công chưa đủ mục tiêu.