Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hải sản khai thác vào EU bị ảnh hưởng vì ‘thẻ vàng’ IUU

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) đã vượt mốc 1 tỉ đô la Mỹ, nhưng riêng nhóm hải sản khai thác lại có đóng góp không đáng kể. Điều này được xác định do tác động từ việc Uỷ ban châu Âu (EC) thuộc EU đã rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.

"Thẻ vàng" IUU khiến hải sản Việt Nam vào EU bị ảnh hưởng - Ảnh minh họa: Trung Chánh

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào EU đạt 1,043 tỉ đô la Mỹ, tuy nhiên, hải sản khai thác chỉ chiếm 272 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 26%) và thuỷ sản nuôi chiếm đến 771 triệu đô la Mỹ (tương đương chiếm khoảng 74%).

Xét riêng nhóm hải sản khai thác, 9 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu đạt khoảng 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với kim ngạch vào EU đạt 272 triệu đô la Mỹ, có nghĩa hải sản khai thác bán vào đây chỉ chiếm khoảng 8% so với tổng kim ngạch đã bán sang các thị trường.

Theo đó, 9 tháng qua, hải sản khai thác chủ yếu xuất khẩu vào Nhật Bản, với 795 triệu đô la Mỹ (chiếm 23%); sang Mỹ đạt 655 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 19%; Trung Quốc trên 470 triệu đô la Mỹ và Hàn Quốc cũng đạt gần 380 triệu đô la Mỹ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, chuyên gia của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, bên cạnh khan hiếm nguyên liệu hải sản khai thác do tác động của xung đột Nga - Ukraine làm giá nhiên liệu tăng vọt, ngư dân ven biển không thể ra khơi, thì “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) càng làm trầm trọng hơn khi có những khó khăn, bất cập trong làm thủ tục xác nhận, chứng nhận.

Liên quan đến “thẻ vàng” IUU, trong những ngày cuối tháng 10-2022 vừa qua, đoàn thanh tra IUU của EC đã có chuyến làm việc ở Việt Nam nhằm kiểm tra, đánh giá việc khắc phục “thẻ vàng”.

Theo đó, qua kiểm tra ngẫu nhiên ở các địa phương ven biển, ông Roberto Cesari, Trưởng bộ phận IUU của Tổng vụ các vấn đề biển và thuỷ sản của EC (trưởng đoàn công tác), đánh giá việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, nhất là ở cấp trung ương trong việc triển khai các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, theo ông Roberto Cesari, việc thực thi, áp dụng các quy định từ cấp trung ương của tuyến cơ sở vẫn còn yếu. Dự kiến, trong thời gian 6 tháng, đoàn thanh tra IUU của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá.

Trước đó, vào ngày 23-10-2017, EC đã quyết định rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam vì vi phạm các nguyên tắc trong chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới