Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hạn mức tăng trưởng tín dụng: những lý do… chưa xác đáng!

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mới đây, có đại biểu Quốc hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét trong thời gian tới thay việc quản lý bằng biện pháp hành chính là cấp “room” tín dụng (tức hạn mức tăng trưởng tín dụng – người viết), bằng việc quản lý hệ số an toàn vốn, vừa đảm bảo an toàn, vừa phù hợp với chuẩn Basel 2 và thông lệ quốc tế(1).

Vì sao NHNN luôn kiên định với công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng?

Lý do cho đề nghị này, theo vị đại biểu, là cần có những biện pháp, những chính sách, cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước, nhất là để doanh nghiệp tư nhân, được thuận lợi vay vốn, đổi mới sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Vốn tín dụng từ ngân hàng là nguồn tiếp cận chính của doanh nghiệp.

Nếu dòng vốn không kịp thời, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, kiệt quệ dẫn đến phải đóng cửa, phá sản. Kinh tế có thể dẫn đến suy thoái, sau một đợt khủng hoảng tài chính sẽ cần rất nhiều năm để phục hồi.

Theo người viết, dường như vị đại biểu trên đã hiểu sai về vai trò và tác động của hạn mức tăng trưởng tín dụng đến doanh nghiệp và nền kinh tế nên mới đề nghị NHNN bỏ nó đi.

Cụ thể hơn, hạn mức tăng trưởng tín dụng đúng là sẽ hạn chế mức độ tăng trưởng tín dụng (tức “room” tín dụng theo cách hiểu của vị đại biểu) của từng tổ chức tín dụng theo ý kiến chủ quan của NHNN. Nhưng điều này không có nghĩa là doanh nghiệp là khách hàng của một tổ chức tín dụng cụ thể, ví dụ là ngân hàng A, cũng sẽ bị giới hạn mức độ cho vay một cách tương ứng.

Bởi ngoài ngân hàng A thì doanh nghiệp còn có thể vay vốn ở ngân hàng B, C, E…, miễn là doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được vay vốn từ các ngân hàng này. Tất nhiên cũng phải có thêm điều kiện đủ là lãi suất cho vay của các ngân hàng này phải ở mức cạnh tranh, chấp nhận được.

Trước sự hiểu sai nói trên thì rõ ràng NHNN không có lý do gì để phải bỏ công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng, một công cụ mà cho đến nay NHNN luôn kiên định bảo vệ. Lưu ý thêm rằng người viết lập luận “hộ” cho NHNN như thế này không phải là để ủng hộ NHNN duy trì công cụ này. Thực tế, người viết đã đôi lần phân tích sự bất hợp lý của công cụ này, và sẽ tiếp tục lặp lại ý này trong phần sau của bài viết.

Liệu hạn mức tăng trưởng tín dụng có phải đang được sử dụng như “cây gậy hay củ cà rốt” để “khuyến khích” tổ chức tín dụng tuân thủ tốt định hướng chính sách tiền tệ của NHNN, bao gồm tự nguyện cắt giảm lãi suất cho vay với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19?

Tất nhiên, vị đại biểu trên có thể bổ sung thêm vào lập luận của mình rằng do các ngân hàng khác như B, C, E… cũng bị hạn chế tăng trưởng tín dụng (tăng trưởng tín dụng của họ cũng chỉ được phép ở một mức cụ thể nào đó, ví dụ như 12% hoặc 18% trong năm, chứ không phải là vô hạn) nên rốt cuộc doanh nghiệp đi vay từ các ngân hàng này cũng sẽ bị hạn chế số vốn vay được.

Cho dù vậy thì cần nhớ rằng, về nguyên tắc, sẽ không thể, không bao giờ có việc một ngân hàng trung ương lại để cho doanh nghiệp muốn vay bao nhiêu thì cũng được hệ thống ngân hàng đáp ứng (vô điều kiện). Hệ thống ngân hàng có thể cung cấp bao nhiêu tín dụng cho nền kinh tế phụ thuộc vào cung tiền của ngân hàng trung ương, được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như lạm phát và việc làm.

Do đó, giả sử ngân hàng trung ương (trong trường hợp Việt Nam là NHNN) chỉ muốn tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế ở một con số cụ thể, chẳng hạn là 10%, thì họ cũng chỉ bơm ra nền kinh tế một lượng tiền phù hợp với con số này. Với một lượng cung tiền có hạn, các ngân hàng phải cạnh tranh cho vay một cách tối ưu nhất (khách vay tốt, lãi suất cao), còn khách hàng cũng sẽ chỉ vay một cách tối ưu nhất (lãi suất thấp, điều kiện dễ).

Các yếu tố cạnh tranh mang tính thị trường như vậy sẽ dẫn đến tình trạng luôn chỉ có một số doanh nghiệp được vay/vay được số tiền mong muốn với mức lãi suất “chấp nhận được”. Do đó, dù NHNN không áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thì rốt cuộc cũng sẽ không có chuyện doanh nghiệp vay vốn dễ và tùy thích theo nhu cầu.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, dù NHNN có nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, hoặc tốt nhất là bỏ cái này đi, thì doanh nghiệp vẫn khó, càng khó tiếp cận tín dụng ngân hàng. Nói cách khác, hạn mức tăng trưởng tín dụng không phải là cái cần bị phê phán trong trường hợp cụ thể của vị đại biểu này.

Nói như trên không có nghĩa là NHNN đã đúng khi kiên định với hạn mức này. Trong phản hồi của mình trước đề nghị của vị đại biểu trên, NHNN cũng đưa ra những lý do… chưa xác đáng, không giải thích hợp lý được tại sao phải duy trì hạn mức này.

Cụ thể, NHNN cho rằng tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế mà còn gia tăng rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng. Để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, thời gian qua, NHNN kiên định kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng theo hướng đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng đầu năm và thông báo cho từng tổ chức tín dụng.

Có thể thấy ngay lý do này của NHNN chính là điều đã được phân tích ở đoạn trên. Theo đó, hoàn toàn đúng đắn khi NHNN cẩn trọng với rủi ro đến từ việc tín dụng tăng trưởng quá cao. Nhưng cũng như đã nói, để quản lý tăng trưởng tín dụng thì NHNN chỉ cần quản lý cung tiền – một trong những chức năng và sứ mệnh cơ bản của ngân hàng trung ương, mà cụ thể trong trường hợp muốn hạn chế tăng trưởng tín dụng thì chỉ cần hạn chế tăng cung tiền/hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ – chứ không phải là quay ra ban hành và áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

Cuối cùng, tuy nhiều người, gồm người viết và các tổ chức nước ngoài như IMF và Moody’s đã chỉ ra những bất cập của hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng NHNN vẫn “kiên định” duy trì hạn mức này. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng NHNN còn ẩn ý gì đó mà họ không tiện nói ra để tiếp tục kiên định như vậy?

Một phần câu trả lời này có thể nằm trong ý đồ sử dụng hạn mức này như “cây gậy hay củ cà rốt” để “khuyến khích” tổ chức tín dụng tuân thủ tốt định hướng chính sách tiền tệ của NHNN, bao gồm tự nguyện cắt giảm lãi suất cho vay với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19(2).

Nếu đúng vậy thì dễ hiểu tại sao NHNN lại luôn bảo vệ công cụ hạn mức này nhưng luôn bằng những lý do… chưa xác đáng!

————-

(1) https://cafef.vn/nhnn-phan-hoi-de-xuat-thay-room-tin-dung-bang-quan-ly-he-so-an-toan-von-20210909213202623.chn

(2) https://baodautu.vn/giam-lai-suat-va-cu-ca-rot-mang-ten-room-tin-dung-d147542.html

4 BÌNH LUẬN

  1. Nên điều hành theo hướng linh hoạt hơn. Nghĩa là NHNN vẫn giao hạn mức tín dụng để ổn định vĩ mô, nhưng TCTD vẫn phải bảo đảm điều kiện về tỷ lệ an toàn vốn, trong đó yêu cầu quan trọng là tỷ lệ nguồn vốn khả dụng ( sau khi trừ dự trữ bắt buộc/ thanh khoản) > dư nợ và các khoản đầu tư tài chính. Nếu tỷ lệ nguồn vốn khả dụng nhỏ hơn chứng tỏ năng lực TCTD bị hạn chế, rủi ro kép (nguồn vốn và dư nợ) sẽ gia tăng.

  2. Kinh nghiệm EverGrande Trung Quốc cho thấy, 3 lằn ranh đỏ để TCTD được xem xét mở rộng hạn mức tín dụng 1. Nguồn vốn > Sử dụng vốn tối thiểu 120%, 2. Nợ xấu nội và ngoại bảng <5%, 3. Dư nợ dự án bất động sản < 30% tổng dư nợ. Bài học kinh nghiệm lớn nhất là rủi ro từ thất bại của kẻ khác, chứ không phải từ chính bản thân mình.

  3. Khi kinh tế tăng trưởng mạnh thì nhu cầu hạn mức là rất cao. Điều này có vẻ có lý. Nhưng khi kinh tế khó khăn thì không phải nhu cầu hạn mức giảm mà vẫn có thể tăng lên… vô hạn ? Bởi vì phải cần nguồn lực nhiều để bù đắp cho những gì đã mất hoặc tưởng rằng đã mất…? Hiện tượng này rất nguy hiểm cho ổn định vĩ mô, lạm phát sau đó sẽ rất dễ bùng nổ, khó mà kiểm soát được. Bởi vậy cuộc đời này mới sinh ra Ngân hàng Trung ương chính là để làm sứ mệnh “chốt chặn”, đưa mọi thứ trên trời dưới đất trở về trật tự của nó. Từ đó mới có công cụ hạn mức tín dụng. Vậy nên hãy để NHTW hoàn thành chức trách của mình!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới