Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc chạy đua ngăn khủng hoảng thanh khoản liên quan nợ xấu bất động sản

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới chức trách Hàn Quốc chạy đua triển khai các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản liên quan đến khoản cho vay bất động sản khoảng 173,7 nghìn tỉ won (136 tỉ đô la Mỹ) ở các hợp tác xã tín dụng của đất nước. Hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn 4 châu Á đối mặt bất ổn mới sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi khỏi Liên đoàn hợp tác xã tín dụng cộng đồng Hàn Quốc (MGCCC) do tỷ lệ nợ quá hạn ở tổ chức tài chính này tăng mạnh.

Một chi nhánh của Liên đoàn hợp tác xã tín dụng cộng đồng Hàn Quốc (MGCCC) ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Tâm điểm của cơn bất ổn tài chính trong tháng qua ở Hàn Quốc là MGCCC, nơi cung cấp một nguồn tài chính quan trọng cho thị trường bất động sản. MGCCC vừa trải qua vài tuần căng thẳng sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền gửi trước các thông tin cho thấy nợ xấu liên quan đến các dự án bất động sản ở tổ chức tín dụng này tăng mạnh. Khách hàng gửi tiền càng hoang mang hơn sau khi một chi nhánh của MGCCC ở thành phố Namyangju, phía đông Seoul, đóng cửa hồi đầu tháng 7.

Theo Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc, tỷ lệ nợ quá hạn của MGCCC tăng lên 6,2% vào cuối tháng 6, gần gấp đôi so với mức 3,6% hồi cuối năm 2022. Trong số này, có gần 10% liên quan đến các khoản vay dành cho các công ty phát triển dự án bất động sản.

Nợ xấu ở các dự án bất động sản là nguyên nhân sâu xa dẫn đến làn sóng rút tiền ở MGCCC và có thể là ngòi nổ tiềm tàng của khủng hoảng trong hệ thống  tài chính của đất nước. Trong vòng 3 năm, các khoản vay dành cho lĩnh vực xây dựng và bất động sản của MGCCC tăng hơn gấp đôi, lên 56,4 nghìn tỉ won (44 tỉ đô la). Không chỉ MGCCC mà cả các hợp tác xã tín dụng và tổ chức tài chính phi ngân hàng của Hàn Quốc cũng dành quá nhiều vốn vay cho các dự án bất động sản. Họ đã mạnh tay cho vay với niềm tin mạnh mẽ rằng một tòa nhà, khi được xây dựng xong, sẽ tạo ra lợi nhuận.

Tỷ lệ nợ quá hạn tổng thể của các khoản vay tài trợ cho các dự án bất động sản ở các tổ chức tài chính phi ngân hàng của Hàn Quốc tăng gần gấp đôi, từ 1,19% vào cuối năm ngoái lên 2,01% vào cuối quí đầu tiên. Tỷ lệ này ở các công ty chứng khoán tăng lên tới 15,88% và đối với các ngân hàng tiết kiệm là 4,07% vào cuối tháng 3.

Nếu các nhà phát triển bất động sản vay nợ nhiều rơi vào tình trạng phá sản, năng lực thanh toán của nhiều tổ chức cho vay liên quan sẽ xấu đi nhanh chóng. Một biến cố rút tiền ồ ạt tương tự như đã diễn ra ở MGCCC có thể xảy ra. Hồi tháng 4, Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường giám sát 500 trong số khoảng 3.600 dự án bất động sản trên cả nước đã nhận được các khoản vay từ các tổ chức tài chính. Điều này có nghĩa là hàng trăm dự án bất động sản dựa vào vốn vay đang có nguy cơ vỡ nợ.

Trong khi đó, lãi suất trong nước ở Hàn Quốc được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Gần đây, thị trường bất động sản Hàn Quốc đã phục hồi một phần nhưng trong vẫn còn yếu ớt. Nếu tình trạng này tiếp diễn, mắt xích yếu nhất trong chuỗi cung cấp vốn cho dự án bất động sản có thể đứt gãy. Hiện tại, MGCCC dường như là mắt xích yếu nhất

Trong một thị trường bất động sản trì trệ, việc một số công ty xây dựng vừa và nhỏ gặp khủng hoảng thanh khoản là điều khó tránh khỏi. Nếu họ không hoàn trả các khoản vay kịp thời, sức khỏe của các tổ chức tài chính liên quan sẽ xấu đi,

Về danh nghĩa, các hợp tác xã tín dụng ở Hàn Quốc không được xem là ngân hàng nhưng mục đích và hoạt động lại giống như ngân hàng.

MGCCC được hình thành từ thập niên 1960, tập trung vào các giá trị lành mạnh như cải thiện nền kinh tế nông thôn, hợp tác cộng đồng địa phương và giúp các thành viên đạt được cuộc sống ổn định. Vì vậy, cơn bất ổn liên quan đến nợ xấu của MGCCC là một diễn biến gây bất ngờ. MGCCC có khoảng 1.295 chi nhánh trên toàn quốc, với tổng tài sản 260 nghìn tỉ won (203 tỉ đô la) và 21 triệu khách hàng. MGCCC nhận tiền gửi, cung cấp các khoản vay và dịch vụ bảo hiểm.

Vấn đề nợ xấu bất động sản MGCCC đánh dấu một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với thị trường tài chính và tín dụng của Hàn Quốc kể từ vụ vỡ nợ hồi năm ngoái của Gangwon Jungdo Development, nhà phát triển công viên giải trí chủ đề Legoland Korea Resort ở tỉnh Gangwon. Vụ vỡ nợ này đã gây ra cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng ở Hàn Quốc.

Lần này, các cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc đã nhanh chóng hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản tiềm ẩn. Ngay khi làn sóng rút tiền diễn ra ở MGCCC hồi đầu tháng 7, chính phủ tuyên bố sẽ bảo đảm cho khoản tiền gửi 50 triệu won (39.300 đô la Mỹ) của mỗi khách hàng gửi tiền, vốn là hạn mức tiền gửi được Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc cam kết bồi hoàn nếu xảy ra rủi ro.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), 5 ngân hàng thương mại trong nước đã đồng ý cung cấp thanh khoản 4 tỉ đô la cho MGCCC. Sau đó, hai ngân hàng nhà nước Hàn Quốc cung cấp thêm 1,5 tỉ đô la nữa.

Hôm 27-7, BoK cho biết đang tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính ngằm ngăn chặn các làn sóng rút tiền vì hoảng loạn. BoK cũng tuyên bố sẽ giải cứu các tổ chức tài chính phi ngân hàng như MGCCC nếu cần thiết.

Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc thông báo sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý khác để  tiến hành cuộc thanh tra đặc biệt ở 30 chi nhánh của MGCCC và có thể khuyến nghị đóng cửa hoặc sáp nhập nếu cần thiết. Mục tiêu của bộ này là giảm tỷ lệ nợ quá hạn của MGCCC xuống dưới 4% vào cuối năm nay.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ và An ninh Hàn Quốc ghi nhận, hiện tại, ít nhất đã có một số dấu hiệu cải thiện với MGCCC. Dòng tiền gửi vào hợp tác xã tín dụng này đã ổn định trở lại.

Park Chong Hoon, nhà kinh tế của chi nhánh ngân hàng Standard Chartered tại Hàn Quốc, cho rằng vấn đề ở các khoản vay dành cho các dự án bất động sản ở Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết, dù các động thái của BOK giúp rủi ro ở MGCCC lắng xuống.

Tuy nhiên, các thị trường nợ Hàn Quốc đang xuất hiện mối đe dọa lớn hơn. Hôm 10-7, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp định danh đồng won kỳ hạn 3 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1. Sau đó, lợi suất trái phiếu này giảm trở lại nhưng lại nhích lên một lần nữa trong thời gian gần đây.

Vấn đề hóc búa rộng lớn hơn mà các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đang đối mặt là họ phải cân bằng các biện pháp để kiểm soát các khoản nợ khó tái cấp vốn hơn trong bối cảnh chi phí đi vay cao hơn, lạm phát và thị trường bất động sản suy thoái.

Theo Bloomberg, Yonhap, Korea Times

 

 

 

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới