Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc chạy đua trở thành trung tâm sản xuất vaccine Covid-19

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tổng thống Moon Jae-in đạt được nhiều tiến bộ mới trong ngoại giao vaccine nhân chuyến đi tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York. Ngoài cam kết trao tặng vaccine cho Việt Nam và thực hiện vay vaccine với Anh, ông Moon còn mời được hãng sản xuất nguyên liệu vaccine Cytiva của Mỹ đầu tư vào Hàn Quốc. Bước tiến này sẽ giúp Hàn Quốc trở thành trung tâm sản xuất vaccine tầm cỡ toàn cầu.

Bên trong một nhà máy của Samsung Biologics. Nhà máy thứ tư sản xuất nguyên liệu dược sinh học, trong đó có dung dịch nuôi tế bào để sản xuất vaccine ngừa Covid, sẽ hình thành năm 2022 với vốn đầu tư 2 tỉ đô la. Ảnh: Bloomberg

Hợp tác y tế và nghiên cứu vaccine với Việt Nam

Trong bài diễn văn trước cuộc họp về các mục tiêu phát triển bền vững tại Liên hiệp quốc hôm 21-9, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng “cam kết tham gia và cùng phát triển thịnh vượng của Hàn Quốc phải được thể hiện bằng hành động ngay lúc này”.

“Hành động đó có thể bắt đầu với việc tiếp cận và phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 trong cộng đồng quốc tế. Tại hội nghị G7 vừa rồi, Hàn Quốc đã cam kết đóng góp 200 triệu đô la cho chương trình Covax. Là một trong những trung tâm vaccine toàn cầu, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực mở rộng nguồn cung ứng và hỗ trợ vaccine Covid-19”, Tổng thống Moon phát biểu.

Hôm 21-9, Tổng thống Moon Jae-in đã hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cam kết sẽ tặng Việt Nam ít nhất là 1 triệu liều vaccine hoặc hơn trong tháng 10 tới. Tổng thống cũng nhấn mạnh rằng hai quốc gia đã cùng nhau chia sẻ những tài nguyên cần thiết, cố gắng vượt qua đại dịch trong giai đoạn đầu.

Theo thông cáo của Nhà Xanh – tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cam kết trên là khoản tài trợ vaccine đầu tiên cho nước ngoài, bên cạnh sự đóng góp tài chính cho chương trình Covax.

Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác về các vấn đề y tế và vaccine. Tổng thống Moon cũng đề nghị Việt Nam hỗ trợ cho các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của các hãng dược tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp sau đó với Thủ tướng Anh Boris Johnson, cả hai đạt được thỏa thuận Hàn Quốc sẽ vay 1 triệu liều vaccine mRNA từ Anh từ ngày 25-9 tới, sẽ trả lại sau.

Tổng thống Moon cũng thảo luận với CEO Albert Bourla của hãng vaccine Pfizer, khẳng định đơn đặt hàng mới của nước này. Hàn Quốc đã đặt mua 30 triệu liều Pfizer giao trong năm tới, nhưng Tổng thống đã yêu cầu hãng dược Mỹ giao hàng sớm hơn khi Hàn Quốc cần thêm liều tiêm tăng cường.

Trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu

Tại New York, Tổng thống Moon đã tham gia lễ ký kết hợp đồng trị giá 52,5 triệu đô la của giữa Bộ Y tế và An sinh Hàn Quốc với công ty sản xuất vật liệu vaccine Cytiva của Mỹ. Đây là tập đoàn có năng lực sản xuất dược phẩm lớn thứ hai trên thế giới và cũng là khoản đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực nguyên liệu vaccine tại Hàn Quốc.

“Đầu tư của Cytiva được mong đợi sẽ tạo nên nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định và góp phần giúp Hàn Quốc đạt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu”, Bộ trưởng Y tế và an sinh Kwon Deok-cheol phát biểu tại New York.

Cytiva sẽ đầu tư trong ba năm 2022-2024, với kế hoạch sản xuất dung dịch nuôi tế bào sử dụng một lần. Đây là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất vaccine, đặc biệt khan hiếm trong hai năm vừa qua khi tất cả các hãng dược đua nhau phát triển và chế tạo vaccine

Quan hệ đối tác sản xuất vaccine lần đầu tiên được thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5-2021. Lễ ký kết với Cytiva là thành quả của nỗ lực hợp tác khoa học và kỹ thuật trong bốn tháng qua. Nhân chuyến làm việc tại New York của Tổng thống Moon, các viện nghiên cứu và các công ty liên quan đến sản xuất vaccine của Hàn Quốc và Mỹ đã ký 8 bản ghi nhớ.

Tổng thống Moon Jae-in (giữa) cụng khuỷu tay với CEO Emmanuel Ligner của hãng dược Cytiva trong lễ ký hợp đồng tại New York. Ảnh: Yonhap

Nước cờ có một không hai

Trên chuyến chuyên cơ từ sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson ở Atlanta về Seoul, Tổng thống Moon hôm 23-5 tuyên bố ông đang về nhà với “những món quà đầy ngạc nhiên”. Đó là việc hai hãng dược Moderna và Novavax đã đặt bút ký thỏa thuận sản xuất vaccine ngay tại thủ đô Seoul.

Hàn Quốc đang nuôi tham vọng trở thành “trung tâm sản xuất vaccine” tầm cỡ toàn cầu. Nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ thì tham vọng đó khó trở thành sự thật.

Cho đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là một nơi hiếm hoi ngoài lãnh thổ Mỹ có thể sản xuất cùng lúc nhiều loại vaccine ngừa Covid-19, như AstraZeneca, Moderna và Novavax. Những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên mà Việt Nam nhận hồi tháng 4-2021 là được sản xuất tại Seoul.

Nhưng để có được cái gật đầu hợp tác của Moderna và Novavax, người Hàn đã trả cái giá không nhỏ. Samsung phải chi 17 tỉ đô la, LG bỏ 14 tỉ, SK góp 7 tỉ và Hyundai hùn 1,4 tỉ để đầu tư vào ngành sản xuất chip và công nghiệp xe hơi tại Mỹ. Tổng cộng là 39,4 tỉ đô la

Tháng trước, các chaebol Hàn Quốc đã cùng nhau cam kết đầu tư đến 450 tỉ đô la để đưa ngành công nghệ bán dẫn lên một vị thế cao hơn, giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan và bảo đảm an toàn cho các chuỗi cung ứng của công nghệ sản xuất Mỹ. Nhưng đó là tương lai khá dài, phải mất vài thập niên.

Chuyện trước mắt là nguồn vaccine Covid-19 mà Hàn Quốc và cả thế giới đang cần. Các tập đoàn Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung, có sẵn nguồn lực để trở thành cứ điểm vệ tinh sản xuất vaccine nhượng quyền từ Mỹ.

Hơn nữa, Samsung Biologics – hãng con của tập đoàn Samsung – chuyên sản xuất các nguyên liệu dược sinh học, chẳng hạn dung dịch nuôi tế bào, cho những hãng dược lớn nhất thế giới, bao gồm Bristol-Myers Squibb Co. và Roche Holding Ltd. Một siêu nhà máy dược phẩm trị giá 2 tỉ đô la sẽ hình thành ở khu ngoại ô Songdo ở phía tây Seoul vào năm 2022. Đây sẽ là nhà máy dược sinh học lớn nhất trên thế giới với diện tích 230.000 m2 mặt bằng, hơn tổng diện tích của ba nhà máy dược hiện tại của Samsung cộng lại.

Mục tiêu của Samsung là đón bắt nhu cầu gia tăng chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra và tận dụng tức thì các cơ hội mà dịch mang đến cho ngành dược toàn cầu. CEO Kim Tae-han nói với tờ Wall Street Journal, ban đầu dự định nhà máy mới chỉ có quy mô nhỏ nhưng dịch Covid bùng nổ đã khiến hãng này đổi ý và đầu tư lớn cho một thị trường mới.

Bên cạnh đó, tập đoàn đa ngành SK cũng có công ty con chuyên dược sinh học. Vì thế, SK Bioscience cũng có năng lực sản xuất vaccine.

Đó là lý do tại sao Moderna sớm ký hợp đồng với Samsung Biologics. Trước đó thì dù Moderna luôn nói đang thảo luận với nhiều nước châu Á để sớm sản xuất vaccine ngay tại các nước này nhưng ngay cả Nhật Bản cũng bị Mỹ và Moderna từ chối.

Hồi tháng 4-2021, Thủ tướng Yoshihide Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Biden đón tiếp tại Nhà Trắng. Nhưng các thỏa thuận kinh tế đã không có gì rõ rệt.

Moderna thì nói Nhật Bản có thể là trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu nhưng đã không đá động chuyện hợp đồng. Ngay cả khi Moderna tuyên bố tăng năng lực sản xuất đến 3 tỉ liều trong năm nay thì đối tác Nhật Bản – hãng dược Takeda Pharmaceuticals – vẫn chỉ là hãng phân phối.

Cái chính là Takeda và ngành dược Nhật Bản không đáp ứng được quy mô sản xuất lượng vaccine rất lớn mà phía Mỹ mong đợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới