Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính phủ mới của Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Yoon Suk-yeol đang nỗ lực đa đạng hóa thương mại để tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc bằng cách củng cố quan hệ với các nền kinh tế khác ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Đất hiếm được tập kết để xuất khẩu ở cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hàn Quốc đang phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Xây dựng liên minh chuỗi cung ứng

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc vào năm ngoái. Dưới thời kỳ cầm quyền của chính phủ mới, có lập trường bảo thủ hơn, Hàn Quốc đang tìm cách đào sâu mối quan hệ với một loạt nền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Truyền thông Hàn Quốc hôm 19-5 dẫn lời một trợ lý cấp cao của Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết: “Chúng ta cần đa dạng hóa hoạt động nhập khẩu. Chúng ta cần các liên minh chuỗi cung ứng. Đây là kỷ nguyên quan trọng để xây dựng năng lực quản lý chuỗi cung ứng ở cấp độ quốc gia”.

Bảo đảm chuỗi cung ứng cho các nguyên vật liệu và hàng hóa quan trọng nổi lên như là một ưu tiên đối với nhiều nước sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao. Nhưng dữ liệu thương mại với Trung Quốc cho thấy Hàn Quốc còn một chặng dài phía trước để giảm bớt sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Trong 3 quí đầu của năm ngoái, 3.941 trong số 12.586 mặt hàng mà Hàn Quốc nhập khẩu phụ thuộc tối thiểu 80% vào một nước riêng biệt, theo dữ liệu của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc. Gần 50% trong số 3.941 mặt hàng này phụ thuộc Trung Quốc tối thiểu 80%.

Kim Ba-woo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc, cho biết: “Cho dù đó là đất hiếm hay khí hiếm, chúng đều đủ trữ lượng ở những nơi khác ngoài Trung Quốc. Vấn đề là chi phí khai thác tài nguyên ở những nơi khác có thể cao hơn do các quy định nghiêm ngặt về môi trường”.

Hàn Quốc đang có kế hoạch chính thức đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với các bên ký kết trải dài từ các nền kinh tế ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, cho đến các nước ở châu Á - Thái Bình Dương.

Viện Brookings, một tổ chức tư vấn của Mỹ, ước tính Hàn Quốc có thể thu được thêm 86 tỉ đô la mỗi năm nếu gia nhập CPTPP vì hiệp định này giúp nâng cao vai trò của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng châu Á và Bắc Mỹ bằng cách giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan với các nền kinh tế như như Nhật Bản, Malaysia, Mexico và Việt Nam. Hàn Quốc cũng sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á sau khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực vào tháng 1.

RCEP là khối thương mại lớn nhất thế giới, với 15 thành viên bao gồm các nước ASEAN và các nền kinh tế lớn ngoài ASEAN.

Khó thay thế linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc

Việc ông Yoon Suk-yeol được bầu làm tổng thống Hàn Quốc trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3 đã đặt ra câu hỏi về phương hướng tương lai của mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh.

Tân tổng thống Hàn Quốc có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Moon Jae-in, nhưng sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng được sử dụng trong lĩnh vực điện tử, sẽ khó bị phá vỡ.

Thiết bị điện và điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các hàng hóa mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hàn Quốc nhập khẩu 17,93 tỉ đô la chip bán thành phẩm từ Trung Quốc trong năm 2020, chiếm 39,5% tổng giá trị nhập khẩu thiết bị bán dẫn của nước này.

Hàn Quốc cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về các khoáng đất hiếm, thành phần quan trọng của pin xe điện, lĩnh vực mà Hàn Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Khoáng chất đất hiếm cũng được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị bán dẫn và ô tô.

Thiết bị bán dẫn và đất hiếm nằm trong số bốn mặt hàng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác định là tài sản chiến lược quan trọng. Các nền kinh tế lớn đang tranh giành để đảm bảo nguồn cung ổn định cho những mặt hàng này, đặc biệt là sau khi trải qua những sự cố gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các nước như Đức, Nhật Bản và Mỹ đã tìm cách nhập khẩu đất hiếm từ từ nước khác như Brazil và Việt Nam, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, cả Hàn Quốc lẫn Mỹ vẫn thiếu công nghệ cần thiết để sản xuất và tinh chế khoáng sản đất hiếm phục vụ các mục đích sản xuất công nghiệp. Trung Quốc sản xuất 85% khoáng sản đất hiếm tinh chế của thế giới trong năm 2020.

Nhà nghiên cứu Kim Ba-woo, nói: “Việc đa dạng hóa nhập khẩu các mặt hàng quan trọng mà nhiều nước đang dựa Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào tốc độ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) triển khai các dự án liên quan đến các mặt hàng đó và quy định pháp lý ở những nước có nguồn lực bên ngoài Trung Quốc”.

Các quy định quản lý môi trường ở Đông Nam Á hiện tại không nghiêm ngặt, nhưng có khả năng sẽ được siết chặt hơn trong những năm tới. Trong khi đó, ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc được hưởng lợi trong nhiều thập niên nhờ giới chức trách chưa xây dựng các quy định quản lý môi trường chặt chẽ.

Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc hôm 16-5, Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị cho biết cả hai nước nên cùng phản đối những nỗ lực nhằm tách rời các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Vương Nghị nhấn mạnh thị trường rộng lớn của Trung Quốc tạo ra tiềm năng phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông cũng cho rằng việc tăng cường hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và năng lượng mới sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho hai nước.

Moon Jong-chol, một nhà nghiên cứu khác tại Viện Kinh tế công nghiệp và thương mại Hàn Quốc, cho biết các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể thay thế một phần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong "các lĩnh vực hạn chế" dựa vào nguồn lực tài nguyên và công nghệ của một nước.

Ông nói: “Ví dụ, sự thay thế này có thể xảy ra đối với hoạt động lắp ráp điện thoại thông minh, mặt hàng tương đối không đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Nhưng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò đáng kể trong thương mại với Hàn Quốc”.

Nhànghiên cứu Kim Ba-woo nhận định các mặt hàng có thể được sản xuất ngay lập tức bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các mặt hàng khác không đòi hỏi hệ sinh thái công nghiệp có thể được thay thế trong một khoảng thời gian ngắn.

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới