(KTSG Online) – Tại cuộc họp nội các Hàn Quốc hôm 13-12, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, Hong Nam-ki thông báo Hàn Quốc chính thức khởi động tiến trình xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Động thái này diễn ra sau một số nền kinh tế như Trung Quốc, Đài Loan, Anh cũng bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên của hiệp định này.
Bộ trưởng Hong Nam-ki nói: “CPTPP sẽ giúp Hàn Quốc tăng cường sự hiện diện trên thị trường toàn cầu và tạo ra nguồn động lực tăng trưởng trong tương lai cho nền kinh tế đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu”.
Dự kiến sau khi báo cáo lên quốc hội, chính phủ Hàn Quốc sẽ chính thức nộp đơn xin nhập gia nhập CPTPP. Tuy nhiên, ông Hong Nam-ki nhấn mạnh quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi đạt được sự đồng thuận trong xã hội thông qua các cuộc thảo luận.
Chính phủ Hàn Quốc dự liệu kế hoạch này sẽ vấp phải sự phản đối từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vì lợi nhuận của họ sẽ bị sụt giảm đáng kể nếu Hàn Quốc gia nhập CPTPP và dỡ bỏ các hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm rẻ hơn từ các thành viên hiện tại của hiệp định này. Cùng ngày, các thành viên một hội đồng đại diện cho ngành nông nghiệp Hàn Quốc đã đưa ra tuyên bố phản đối.
Tuyên bố cho biết: “Sự gia tăng các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu rẻ hơn sẽ dẫn đến sự sụp đổ của ngành nông nghiệp trong dài hạn. Chính phủ và các nhà lập pháp phải hiểu rằng họ sẽ phải trả giá đắt hơn trong những tháng tới. 2,5 triệu nông dân của đất nước sẽ tổ chức một cuộc biểu tình tập thể để phản đối động thái đơn phương của chính phủ”.
Thông báo của ông Hong Nam-ki được đưa ra sau khi Viện Phát triển Hàn Quốc, một tổ chức tư vấn chính sách của chính phủ, đưa ra báo cáo khuyến nghị Hàn Quốc cần gia nhập CPTPP nhanh chóng vào hồi đầu năm nay.
Báo cáo cho biết: “Một số ngành có năng suất thấp hơn sẽ bị loại khỏi thị trường toàn cầu và đó là điều không thể tránh khỏi và cần thiết để tăng cường sức mạnh tổng thể của đất nước. Chính phủ nên đưa ra các chính sách để giúp các doanh nghiệp mạnh, có lợi thế cạnh tranh khai phá các thị trường xuất khẩu mới, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng suất của doanh nghiệp”.
CPTPP là “phiên bản mới” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng dưới thời Tổng thống Barack Obama và được thiết kế để hạn chế sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Năm 2017, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP.
Seoul khởi động tiến trình gia nhập CPTPP ba tháng sau khi Trung Quốc bất ngờ nộp đơn gia nhập hiệp định này và ngay sau đó, Đài Loan cũng xin gia nhập. Trước đây, Seoul còn ngần ngại về việc xin gia nhập CPTPP vì lo ngại làm “phật lòng” Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.
Kwon Chil-seung, Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, cho biết mối lo ngại này đã được giải tỏa sau khi Trung Quốc xin gia nhập CPTPP. Ông nói: “Bộ phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như Bộ Nông nghiệp đã bày tỏ quan điểm tương đối thận trọng, nhưng quyết định khởi động tiến trình gia nhập CPTPP đã được đưa ra trong cuộc họp nội bộ chính phủ. Tiến trình này có thể bị trì hoãn nhưng phương hướng tổng thể đã được thiết lập”.
Cheong Inkyo, chuyên gia thương mại ở Đại học Inha nhận định ban đầu, chính phủ Hàn Quốc cũng lo ngại các rủi ro chính trị vì nhận thấy việc xin gia nhập CPTPP sẽ vấp phải sự phản đối của nhóm cử tri nông dân, ngư dân và những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tính khẩn cấp của việc gia nhập CPTPP tăng lên sau khi Trung Quốc và một số nước khác xin tham gia hiệp định này.
Tổng kim ngạch thương mại của 11 nước thành viên hiện tại của CPTPP đạt 5.700 tỉ đô la trong năm 2019, chiếm 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, theo Viện Thương mại và Kinh tế công nghiệp Hàn Quốc (KIIET).
Theo một báo cáo chính sách vào năm 2019 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Hàn Quốc sẽ hưởng lợi 86 tỉ đô la mỗi năm nếu gia nhập CPTPP. Choi Byung-il, cựu chuyên gia đàm phán thương mại của chính phủ Hàn Quốc và hiện là giáo sư của Đại học Nữ giới Ewha ở Seoul, nói: “Hàn Quốc không thể tiếp tục ngồi nhìn dòng chảy thương mại chuyển hướng sang các nước khác và bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Để gia nhập CPTPP, Hàn Quốc cần sự chấp thuận của tất cả 11 thành viên của hiệp định này, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Tuy nhiên, một trở ngại tiềm tàng đối với Hàn Quốc là mối quan hệ đang căng thẳng với Nhật Bản. Hai bên đang khiếu kiện nhau tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến việc Tokyo áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc hồi năm 2019. Nhật Bản giải thích các biện pháp hạn chế xuất khẩu này dựa trên các lý do an ninh.
Song Hàn Quốc nói động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động ở các nhà máy và hầm mỏ của họ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945. Một quan chức Nhật Bản nói với Financial Times: “Có thể sẽ có những cảm xúc lẫn lộn ở Nhật Bản về việc Hàn Quốc xin gia nhập CPTPP”.
Theo Financial Times, Korea Times