Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực duy nhất tăng trưởng dương

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khi các thị trường nhập khẩu chủ lực của hàng hóa Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU... đều bị sụt giảm thì Hàn Quốc lại tăng giá trị nhập khẩu hàng hóa. Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực duy nhất của Việt Nam tăng trưởng dương trong 2 tháng vừa qua.

Cảng hàng hóa ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP-TTXVN

Theo số liệu thống kê cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong 2 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 13,03 tỉ đô la Mỹ, chiếm đến 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Mặc dù vậy, kết quả này là bị sụt giảm đến 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong số các thị trường nhập khẩu có giá trị lớn của Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất qua nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều bị sụt giảm nhiều.

Đơn cử như nhóm hàng da giày giảm 34,7% (chỉ đạt 890 triệu đô la); gỗ và sản phẩm gỗ giảm đến 47,2 % (chỉ đạt 785 triệu đô la); thủy hải sản giảm đến 55,3% (chỉ đạt 155 triệu đô la); dệt may giảm đến 32,5% (đạt 1,95 tỉ đô la);...

Còn đất nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai là Trung Quốc có kim ngạch đạt 7,39 tỉ đô la, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và  giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam xuất qua đất nước đông dân nhất thế giới hiện nay cũng bị sụt giảm trong 2 tháng vừa qua.

Đơn cử trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang nước này đạt 1,06 tỉ đô la (giảm 31,9% so với cùng kỳ); thủy sản với 126 triệu đô la, giảm 10,6%, so với cùng kỳ năm trước,...

Trong khi đó, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ cập nhật của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỉ đô la, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đất nước xứ kim chi cũng là thị trường lớn duy nhất có kim ngạch tăng trưởng dương, trong khi xuất khẩu sang các thị trường hàng đầu khác như Nhật Bản, và các khu vực ASEAN, EU… đều bị sụt giảm, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.

Các nhóm hàng xuất khẩu lớn sang Hàn Quốc đạt kim ngạch hàng trăm triệu đô la như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Đáng chú ý, nhóm hàng dệt may dù các thị trường xuất khẩu lớn khác bị sụt giảm nhưng trong 2 tháng qua đất nước xứ kim chi nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam tăng.

Cụ thể Hàn Quốc nhập khẩu nhóm hàng dệt may của Việt Nam đạt giá trị 505 triệu đô la, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cũng cho KTSG Online biết, khi thị trường Mỹ, EU... sụt giảm đơn hàng nhiều, họ đã  tìm cách đẩy mạnh ở các thị trường còn tốt hoặc tiếp cận thị trường mới ở Hàn Quốc. Nhờ đó phần nào tạo được công ăn việc làm cho người lao động và tạo doanh thu.

Việt Nam xuất siêu 3,44 tỉ đô la

Lũy kế đến hết tháng 2 vừa qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 95,83 tỉ đô la, giảm 13,4% (tương ứng giảm 14,83 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 49,64 tỉ đô la giảm 10% (tương ứng giảm 5,55 tỉ đô la) và trị giá nhập khẩu đạt 46,2 tỉ đô la, giảm 16,7% (tương ứng giảm 9,28 tỉ đô la).

Như vậy trong 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 3,44 tỉ đô la.

Điều đáng chú ý, dù nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới này, trong 2 tháng qua cũng đang giảm tốc do tình hình xuất khẩu ảm đạm và niềm tin kinh doanh yếu nhưng vẫn gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc công bố hồi trung tuần tháng 3 này, xuất khẩu của nước này trong tháng 2 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu các mặt hàng bán dẫn trên toàn cầu yếu. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1997 nước này ghi nhận thâm hụt thương mại 12 tháng liên tiếp.

Doanh số bán lẻ - thước đo chi tiêu tư nhân, giảm 2,1% trong tháng 1 so với tháng trước đó do nhu cầu suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.

Dù vậy, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết thị trường vẫn tiếp tục hy vọng về những tác động tích cực đối với nước này từ việc mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.

Trong khi đó, Yonhap dẫn số liệu sơ bộ của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy chi phí nhập khẩu của nước này đã tăng trong tháng 2-2023 do đồng nội tệ mất giá và giá dầu tăng đã đẩy giá mua hàng hóa nước ngoài lên cao.

Chỉ số giá nhập khẩu trong tháng 2-2023 đã tăng 2,1% so với tháng trước đó. Mức tăng này do đồng won giảm giá so với đồng USD, khiến chi phí mua hàng hóa nước ngoài tăng. Giá dầu cao cũng là yếu tố khác khiến chi phí gia tăng.

Giá tiêu dùng, thước đo đánh giá lạm phát chính, trong tháng 2 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, và so với mức tăng 5,2% trong tháng 1-2023.

Tháng 2-2023, BoK đã giữ chính sách lãi suất không đổi trong bối cảnh sức ép lạm phát dường như giảm xuống và những lo ngại về kinh tế chậm lại đang tăng lên.

Thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc hướng đến mốc 100 tỉ đô la trong năm nay

Hồi trung tuần tháng 1-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo trong chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cho rằng hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột hợp tác quan trọng của hai nước, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP); phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ đô la vào năm 2023 và 150 tỉ đô la vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó có biện pháp hỗ trợ để hàng nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tăng cường trao đổi hàng hóa ổn định, lâu dài, bền vững; phấn đấu cân bằng cán cân thương mại vì hiện nay Hàn Quốc đang xuất siêu.

(Nguồn: Baochinhphu.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới