(KTSG Online) - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết tổ an ninh kinh tế được thành lập hôm 1-11 nhằm phối hợp với các cơ quan khác của chính phủ trong việc giúp các công ty, tập đoàn Hàn Quốc giải quyết các vấn đề đang xảy ra trong chuỗi cung ứng vốn trở thành vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu, đặc biệt khi dịch Covid kéo dài.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy ngày càng trầm trọng
Đối phó với bất ổn của kinh tế toàn cầu
Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chip trên toàn cầu, cước phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt và sự chậm trễ trong giao nhận đã đặt ra những thách thức lớn, không thể nhanh chóng giải quyết trong các lĩnh vực điện tử, xe hơi và hàng tiêu dùng.
Bộ Ngoại giao nói tổ công tác đặc biệt này là nỗ lực gấp đôi để đối phó với các vấn đề sắp xảy ra trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, nhằm đối phó với những bất ổn ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu. "Các cơ quan chính phủ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, đã nỗ lực phối hợp và sử dụng tất cả các nguồn lực sẵn có để giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Bộ cũng đã quyết định khởi động lực lượng công tác với nhận thức rằng cần có các phản ứng chuyên nghiệp, chuyên sâu hơn để xử lý nhiều vấn đề, bao gồm kinh tế, an ninh và công nghệ.", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Choi Young-sam cho biết trong một cuộc họp báo hôm 4-11.
Theo Korea Times, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết tổ công tác sẽ hoạt động dưới sự điều hành của Vụ quan hệ kinh tế song phương để xử lý các vấn đề kinh tế cần kíp và có thể được mở rộng sau này để bao gồm nhiều lĩnh vực hơn, phù hợp với tầm quan trọng ngày càng tăng trong việc quản lý chuỗi cung ứng. Quan chức này cho biết Bộ Ngoại giao đã yêu cầu tăng ngân sách trong năm tới để mở rộng các hoạt động ngoại giao kinh tế.
Hợp đồng vô tiền khoáng hậu
“Đổi chip lấy vaccine” là hợp đồng có một không hai mà chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện vào cuối tháng 5 vừa rồi trước khi thành lập tổ công tác đặc biệt.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington hồi cuối tháng 5, cả hai tổng thống đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định về chip, pin xe điện và các mặt hàng chủ chốt khác. Nhưng về thực chất, Hàn Quốc đã dùng các hợp đồng xây dựng các nhà máy chip hàng chục tỷ đô la ở Mỹ để đổi lấy quyền sản xuất vaccine từ các hãng dược Mỹ.
Hàn Quốc đang nuôi tham vọng trở thành "trung tâm sản xuất vaccine" tầm cỡ toàn cầu, nhưng không có sự giúp đỡ của Mỹ thì tham vọng đó không bao giờ trở thành sự thật.
Hàn Quốc là một nơi hiếm hoi bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ có thể sản xuất cùng lúc nhiều loại vaccine ngừa Covid-19, như AstraZeneca, Moderna và Novavax. Những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên mà Việt Nam đã nhận là đều được sản xuất tại Seoul.
Nhưng để có được cái gật đầu của Moderna và Novavax, người Hàn đã trả cái giá không nhỏ. Samsung phải chi 17 tỉ đô la, LG bỏ 14 tỉ đô la, SK góp 7 tỉ đô la và Hyundai hùn 1,4 tỉ đô la để đầu tư vào ngành sản xuất chip và công nghiệp xe hơi tại Hoa Kỳ. Tổng cộng là 39,4 tỉ.
Trước đó, vào tháng 4-2021, các chaebol (tập đoàn) Hàn Quốc đã cùng nhau cam kết đầu tư đến 450 tỉ đô la để đưa ngành công nghệ bán dẫn lên một vị thế cao hơn, giảm bớt sự phụ thuộc thái quá vào Đài Loan và bảo đảo an toàn cho các chuỗi cung ứng của công nghệ sản xuất Hoa Kỳ. Nhưng đó là tương lai quá dài - tính bằng nhiều thập niên.
Chuyện trước mắt là nguồn vaccine Covid mà Hàn Quốc và cả thế giới đang cần. Các tập đoàn Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung, có sẵn nguồn lực để trở thành cứ điểm vệ tinh sản xuất vaccine nhượng quyền từ Mỹ.
Thách thức đầu tiên trong thời gian tới
Trong một sắc lệnh do Tổng thống Joe Biden ký hôm 24-9, Mỹ đã đưa ra hạn chót là ngày 8-11 để các hãng chip hàng đầu thế giới như Samsung Electronics, SK Hynix của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan phải cung cấp dữ liệu về chuỗi cung ứng của mình cho chính phủ Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ cho hay họ muốn tìm hiểu thông tin để hoạch định chính sách nhằm cải thiện sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây. Tuy vậy, các hãng chip vẫn lo ngại sẽ hé lộ nhiều thông tin nhạy cảm, gây bất lợi cho việc làm ăn cũng như khả năng cạnh tranh của họ. Phía Mỹ yêu cầu cung cấp dữ liệu gồm thông tin khách hàng, doanh số, kho hàng, kế hoạch tăng sản lượng.
Tổ công tác được thành lập trong bối cảnh các nhà sản xuất chip toàn cầu đang đối mặt với áp lực từ chính quyền của ông Biden trong việc chia sẻ thông tin về hàng tồn kho và các thông tin chi tiết khác vào ngày 8-11, thời hạn chót chỉ gói gọn trong ba ngày nữa.
Sắc lệnh của Washington đã làm dấy lên lo lắng về khả năng rò rỉ thông tin mà các các hãng chip Hàn Quốc xem là các bí mật thương mại lớn và buộc các hãng này phải biết cách trả lời những câu hỏi nhạy cảm trong khi vẫn tuân thủ các thủ tục giấy tờ và quy tắc công bố thông tin.
Tổng thống Moon Jae-in đã tham dự hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden triệu tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome hôm 31-10. Ông đã cam kết vai trò lớn hơn của Seoul trong việc giải quyết các thách thức ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.
Các quan chức Seoul nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng phạm vi liên minh với Mỹ để bao trùm ngoại giao kinh tế, phù hợp với việc Washington đang chuyển trọng tâm vào các mối quan hệ thương mại và đầu tư.
Hàn Quốc và Mỹ cũng lên kế hoạch cho đối thoại kinh tế cấp cao song phương vào tháng 12 tới nhằm thảo luận các bước đi kế tiếp để giải quyết các vấn đề của chuỗi cung ứng. Bộ Ngoại giao nói Hàn Quốc cũng đã tham vấn với Trung Quốc để bớt lo ngại về tình trạng thiếu dung dịch nước urea thường được sử dụng trong các loại xe chạy bằng động cơ diesel nhằm giảm lượng khí thải CO2. Giá dung dịch này đã tăng vọt trong những tuần gần đây do Trung Quốc hạn chế vận chuyển các nguyên liệu thô cần thiết cho các ngành công nghiệp khác nhau, gây ảnh hưởng đến lĩnh vực hậu cần trong nước.
"Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc đã và đang hỗ trợ để giúp đơn giản hóa quy trình kiểm tra và sớm giao kho dự trữ đã được ký kết. Bộ Ngoại giao và đại sứ quán sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề”, người phát ngôn Choi nói.