(KTSG Online) - Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng trở lại lần đầu tiên sau hơn một năm. Đó một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu bên ngoài đang phục hồi vì Hàn Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu, nắm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Diễn biến này mang lại phần nào sự yên tâm cho các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi tình hình thương mại toàn cầu.
- Sản lượng nhà máy của Hàn Quốc giảm tháng thứ 10 liên tiếp
- Hàn Quốc bán hàng sang Mỹ nhiều hơn sang Trung Quốc
Theo dữ liệu công bố hôm 23-10 từ Cục Hảo quan Hàn Quốc, các chuyến hàng xuất khẩu trung bình hàng ngày trong 20 ngày đầu tháng 10 tăng 8,6% so với một năm trước đó, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Sự gia tăng này là dấu hiệu tích cực cho thấy thương mại thế giới đang bắt đầu lấy lại sức mạnh sau khi nhu cầu toàn cầu trải qua giai đoạn trì trệ. Hàn Quốc công bố dữ liệu xuất khẩu sớm hơn nhiều nền kinh tế khác. Do vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lĩnh vực công nghệ, số liệu xuất khẩu của nước này được theo dõi chặt chẽ, giúp sớm nắm bắt quỹ đạo của thương mại thế giới.
Dữ liệu cho thấy, trong 20 ngày đầu tiên của tháng này, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 33,84 ti đô la Mỹ, trong khi nhập khẩu tăng 0,6%. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 6,1%, mức giảm nhỏ nhất kể từ mùa hè năm ngoái, còn xuất khẩu sang Mỹ tăng 12,7%. Tính đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 16 tháng liên tục.
Xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore và Việt Nam lần lượt tăng 20%, 37,5% và 0,6%. Hàn Quốc đã xuất khẩu 5,2 tỉ đô la Mỹ chip bán dẫn trong 20 ngày đầu tiên của tháng 10, thấp hơn 6,4% so với một năm trước đó. Dù vậy, con số này cải thiện so với mức giảm hàng năm 14,4% trong tháng 9. Cục Hải quan Hàn Quốc cho biết, thâm hụt thương mại tăng lên 3,7 tỉ đô la trong 20 ngày đầu tiên của tháng 10, tăng so với mức thâm hụt 488 triệu đô la trong cùng kỳ của tháng trước.
Mức tăng trưởng xuất khẩu đầu tiên trong hơn một năm là điều đáng khích lệ đối với nền kinh tế Hàn Quốc, do tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài.
Trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở Seoul bày tỏ kỳ vọng rằng xuất khẩu cả tháng sẽ trở lại mức tăng hàng năm trước cuối năm nay. Doanh số xuấy khẩu chip bán dẫn, nguồn thu lớn nhất của Hàn Quốc, cũng có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là chip nhớ Nand flash.
“Rốt cục, sự phục hồi của giá chip đang kéo theo sự phục hồi của xuất khẩu của mặt hàng này. Chúng ta có thể chứng kiến một tình hình kinh tế kỳ lạ với tốc độ tăng trưởng cao, lãi suất cao và lạm phát cao trong năm tới”, Jeong Wonil, nhà kinh tế của Yuanta Securities, bình luận.
Trong một báo cáo riêng hôm 23-10, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) nhấn mạnh sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn và sự lạc quan ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu tiếp tục mạnh lên trong năm tới. BoK chỉ ra rằng, tháng trước, giá chip nhớ DRAM tăng lần đầu tiên trong 18 tháng. Đây là loại chip nhớ mà Hàn Quốc giữ vai trò sản xuất thống trị trên thị trường toàn cầu. Dù giữ nguyên lãi suất trong sáu cuộc họp liên tiếp, BoK khẳng định sẽ tập trung vào nỗ lực ổn định lạm phát bằng chính sách thắt chặt tiền tệ. Thống đốc BoK Rhee Chang-yong nói BoK sẽ xem xét tăng lãi suất nếu nợ hộ gia đình tiếp tục tăng. Khoản vay hộ gia đình mà các ngân hàng ở Hàn Quốc giải ngân đã tăng tháng thứ sáu liên tiếp, dẫn đầu là các khoản cho vay thế chấp mua nhà.
BoK dự báo lạm phát sẽ tiếp tục có xu hướng chậm lại, nhưng những bất ổn về giá cả và tăng trưởng đã tăng lên đáng kể do lập trường thắt chặt chính sách ở các nền kinh tế lớn và rủi ro địa chính trị dâng cao.
Bất chấp số liệu xuất khẩu khả quan, thương mại Hàn Quốc vẫn còn đối mặt nhiềurủi ro. Trung Quốc, điểm đến lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu từ Hàn Quốc, vẫn đang chật vật vực dậy động lực đầy đủ cho nền kinh tế. Cuộc xung đột Israel-Hamas đang làm tăng thêm những bất ổn toàn cầu khác, có thể ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng của các nước phụ thuộc vào thương mại như Hàn Quốc. Cuộc xung đột này cũng đang đẩy tăng giá dầu, gây khó khăn với nước nhập khẩu dầu như Hàn Quốc.
Lãi suất cao hơn ở Mỹ làm dấy lên lo ngại dòng tiền chảy ra khỏi Hàn Quốc, do đó, làm suy yếu giá đồng won so với đồng đô la Mỹ. Điều này cũng gây thêm áp lực lạm phát bằng cách khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Thống đốc BoK Rhee Chang-yong dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,2% trong năm tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận triển vọng tăng trưởng không chắc chắn vì điều này phụ thuộc vào tình hình kinh tế của Trung Quốc và diễn biến của cuộc xung đột ở Trung Đông.
Theo Bloomberg, Pulse News