Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng chục ngàn hộ nông dân được hỗ trợ ứng phó với Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng chục ngàn hộ nông dân được hỗ trợ ứng phó với Covid-19

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) - Dự án hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được chính thức khởi động từ ngày 22-9.

Dự kiến sẽ có 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ được hỗ trợ bao gồm các loại hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và tài liệu tập huấn tương ứng.

Hàng chục ngàn hộ nông dân được hỗ trợ ứng phó với Covid-19
Ban đại diện dự án "Better Farms, Better Lives" trao quà tượng trưng cho đại diện trung tâm khuyến nông các tỉnh và các nông dân tại buổi khởi động. Ảnh: Hùng Lê

Đại dịch Covid-19 đang tạo áp lực kinh tế và xã hội lên những nông hộ sản xuất nhỏ, vốn đã chịu tác động nặng nề của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian qua.

Nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn và khôi phục sản xuất, Bayer Việt Nam (Bayer) phối hợp cùng Tổ chức Tăng trưởng Châu Á - Grow Asia và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), Vụ Hơp tác quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khởi động chương trình toàn cầu “Better Farms, Better Lives” (tạm dịch: "Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn") tại Việt Nam. Chương trình được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Chương trình đặt mục tiêu giúp đỡ 80.000 nông hộ sản xuất nhỏ thông qua việc trao tặng các gói hỗ trợ "Better Life Farming" (tạm dịch: "Gói hỗ trợ canh tác thuận lợi"). Các gói hỗ trợ sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của người nông dân tại các địa phương, bao gồm các loại hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật và tài liệu tập huấn tương ứng.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG, mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ các nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực ĐBSCL duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19, một cách bền vững, đảm bảo các sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế.

Chương trình được thực hiện với sự phối hợp của tổ chức Grow Asia, một nền tảng do ASEAN thiết lập để kết nối các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất tại 7 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ vốn đã công bố tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, chương trình giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và ngô bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL.

Lao động nữ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tiếp cận với các nguồn lực và kiến thức cần thiết, giúp họ tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng xung quanh.

Theo ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc Kinh doanh mảng Khoa học cây trồng, Bayer Việt Nam, nông nghiệp quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang xảy ra song song với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp lương thực cho chính người nông dân và cho cộng đồng.

Dự án “Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn” sẽ nhanh chóng hỗ trợ nông hộ quy mô nhỏ tiếp cận được các yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp và các chương trình tập huấn xuyên suốt vụ hè thu năm nay và tiếp đó. Ban tổ chức hy vọng rằng dự án này, với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, cùng với TTKNQG, Vụ Hợp tác Quốc tế cũng như tổ chức Grow Asia sẽ không chỉ góp phần mang lại khả năng phục hồi cho các nông hộ sản xuất nhỏ mà còn đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài các gói hỗ trợ kịp thời, Bayer cũng đang hợp tác với các đối tác để đưa ra kế hoạch trung và dài hạn, nhằm xây dựng hệ thống nguồn lương thực bền vững và đảm bảo các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

"Trong trung hạn, sẽ có các khóa đào tạo về các biện pháp an toàn theo tiêu chuẩn GAP, về quản lý sản phẩm và các biện pháp phòng tránh Covid-19 để hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ nâng cao năng suất, thu nhập và phúc lợi của họ. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn giúp nông hộ sản xuất nhỏ đạt năng suất cao hơn và ruộng vườn của họ sẽ là nguồn thu nhập bền vững, thay vì chỉ là một công cụ để sinh sống”, ông Weraphon cho biết thêm.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận các công cụ, công nghệ kỹ thuật số trong các chương trình đào tạo. Đơn vị này sẽ đồng hành cùng nhà nông trong quá trình từ khi gieo hạt tới lúc thu hoạch thông qua các tư vấn về quản lý cây trồng, dịch hại cũng như các chương trình đào tạo trực tuyến để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong canh tác...

Cụ thể, chương trình giúp nhà nông tăng cường cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ về bảo vệ thực vật, hỗ trợ tập huấn cho 80.000 nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL (trong đó hướng đến ít nhất 48% người hưởng lợi là nữ) thông qua việc cấp phát, hỗ trợ trực tiếp hạt giống ngô.

Dự án sẽ cấp phát, hỗ trợ trực tiếp hạt giống ngô (cho 20.000 nông hộ trồng ngô tại 2 tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), sản phẩm bảo vệ thực vật giúp bảo vệ năng suất trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn (cho 60.000 nông hộ trồng lúa tại 5 tỉnh vùng Tây Nam bộ là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới