Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng dệt may đi Mỹ đang gặp thách thức

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức khi Mỹ bắt đầu thực thi “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” (UFLPA) ngày 21-6.

Mặt khác, lạm phát đang tăng cao ở Mỹ và EU… cũng sẽ khiến cho dệt may Việt Nam khó khăn.

Các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức của đạo luật UFLPA. Ảnh minh họa: LH

Thông tin trên được ghi nhận tại hội nghị chuỗi cung ứng bông bền vững được tổ chức ngày 21-6 tại TPHCM với sự tham gia của các doanh nghiệp kéo sợi, dệt, may mặc, nhãn hàng thời trang, nhà bán lẻ, và đại diện văn phòng thu mua tại Việt Nam.

Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 7-2021 và được Tổng thống Mỹ ký ban hành ngày 23-12-2021. Đạo luật này cho rằng hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương là được làm bởi lao động cưỡng bức, và do đó bị cấm theo Đạo luật thuế quan 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Mỹ.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đạo luật UFLPA đã bắt đầu được thực thi sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang thực hiện gia công cho các nhãn hàng thời trang bán ở Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Cụ thể, ông Giang cho rằng đạo luật này ảnh hưởng đến những đơn hàng mà các nhãn hàng đã ký với các doanh nghiệp.

Với quy định của đạo luật nói trên, các nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương, vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ bông Tân Cương sẽ không được xuất khẩu sang Mỹ.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng những ảnh hưởng của đạo luật UFLPA là một trong những yếu tố thách thức cho việc xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải theo dõi, tìm hiểu xem đạo luật này được áp dụng như thế nào trong tình hình hiện nay về nguồn gốc xuất xứ từ bông, sợi, dệt nhuộm để tránh bị thiệt hại khi ký hợp đồng mua nguyên liệu.

Bên cạnh đó, theo ông Giang, doanh nghiệp cũng cần làm rõ với các nhãn hàng về việc mua nguyên liệu. Bởi lẽ có trường hợp các nhãn hàng chỉ định cụ thể nơi mua nguyên liệu cho doanh nghiệp, song với những trường hợp doanh nghiệp chủ động mua nguyên liệu thì cần cẩn trọng.

Trước tình hình này, ông Giang cho rằng các doanh nghiệp cần phải tìm ra nguồn nguyên liệu bông và vải ở các thị trường không bị đánh giá là cưỡng bức lao động để bù đắp.

Ở góc độ doanh nghiệp, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư- Thương mại Thành Công, nói rằng trên thực tế có một số nhãn hàng chỉ định mua vải từ Trung Quốc, điều này đồng nghĩa bông có xuất xứ Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp phải yêu cầu họ cam kết nếu mua vải của Trung Quốc để làm đơn hàng và khi xuất khẩu sang Mỹ nếu hải quan chặn lại thì nhãn hàng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo đại diện Vitas, không phải tất cả doanh nghiệp sản xuất vải của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng bởi bông Tân Cương. Có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu bông Mỹ về kéo sợi tại Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau đó doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất ra vải và bán ngược lại thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Như vậy, trường hợp này sẽ không bị ảnh hưởng bởi đạo luật UFLPA.

Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may cũng cho biết họ còn gặp các thách thức khi lạm phát đang tăng cao ở Mỹ và EU… Cụ thể dù đạt được kết quả cao trong xuất khẩu ở 5 tháng đầu năm, song ngành dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trước biến động của thị trường thế giới.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, trong 5 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của công ty rất tích cực, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 30%. Các khách hàng ở thị trường Mỹ, EU có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhờ đó số lượng đặt hàng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí một số khách hàng có đơn đặt tăng hơn trước thời điểm dịch Covid-19.
Tuy nhiên, mức độ lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá lương thực tăng cao, dẫn tới nhu cầu cho dệt may giảm sút, điều này sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quí 3 và 4.

Ông Việt lo ngại, mặc dù đã có đơn đặt hàng đến hết quí 3 và một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022, nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên, khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc hủy đơn đột ngột.

Ngoài ra, chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đang tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.

Ông Vũ Đức Giang cũng cho rằng xung đột Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu cùng chi phí vận tải biển tăng liên tục đã kéo theo các chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao.

Do đó, ông Giang lưu ý các doanh nghiệp theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Đáng chú ý là cần chủ động chuyển đổi, đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới