(KTSG Online) – Một cuộc chiến pháp lý kịch tính đang nhen nhóm xung quanh các bản quyền sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA). Trong cuộc chiến này, các công ty dược kiện tụng lẫn nhau và tranh chấp với các nhà khoa học của chính phủ Mỹ về vấn đề ai là người đã phát minh ra những thành phần quan trọng trong loại vaccine này.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2021/12/Anh-bai-4-1.jpg)
Cuộc chiến về uy tín khoa học và tiền bạc
Sự hợp tác của chính phủ Mỹ và hãng dược Moderna đã dẫn đến sự ra đời của một trong các vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, có tên gọi mRNA-127. Nhưng giờ đây, cả hai bên đang tranh cãi về việc ai đã phát hiện ra thành một phần quan trọng của vaccine này và nắm bản quyền sáng chế đối với nó. Trong khi đó, hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác là hãng công nghệ sinh học BioNTech (Đức), đang lao vào cuộc chiến tranh giành bản quyền sáng chế vaccine ngừa Covid-19 với một công ty nhỏ hơn.
Trọng tâm của các cuộc đấu pháp lý này là: Ai có thể tuyên bố chính họ đã phát minh ra các thành phần quan trọng của vaccine ngừa Covid-19?
Pfizer và Moderna sẽ phải trích một phần lớn trong doanh thu bán vaccine hàng chục tỉ đô la của họ để trả tiền bản quyền sáng chế nếu các bên thứ ba chứng minh được rằng họ đã đóng góp một vai trò trong việc sáng chế ra các vaccine này.
“Đó là một cuộc chiến liên quan đến uy tín khoa học và tiền bạc”, Jacob Sherkow, giáo sư chuyên về sở hữu trí tuệ công nghệ sinh học tại Trường Luật thuộc Đại học Illinois, nói.
Các tranh chấp về bằng sáng chế vaccine đang phủ bóng đen lên thành tựu xuất sắc của giới khoa học, chính phủ và doanh nghiệp: phát triển một số loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả với tốc độ nhanh chưa từng có.
Các bằng sáng chế đặc biệt có giá trị trong ngành dược phẩm vì chúng có thể cho phép các công ty dược độc quyền bán thuốc hoặc vaccine trong nhiều năm. Chúng cũng có giá trị lớn đối với các nhà khoa học và các trường đại học cũng như các phòng thí nghiệm của chính phủ, nơi mà họ làm việc, nếu một công ty dược xin phép sử dụng các sáng chế và trả tiền bản quyền khi bán hàng.
Đại học Princeton (Mỹ) đã xây dựng một phòng thí nghiệm hóa học trị giá 278 triệu đô la bằng cách sử dụng tiền bản quyền thu được từ việc bán thuốc điều trị ung thư phối Alimta của hãng dược Eli Lilly. Thuốc này được phát triển dựa trên trên nghiên cứu của một giáo sư làm việc tại Đại học Princeton.
Tuy nhiên, các tranh chấp bản quyền sáng chế vaccine có thể khó giải quyết hơn bởi vì chúng liên quan đến việc ai được công nhận cho một nghiên cứu phức tạp được xây dựng dựa trên một loạt khám phá trùng lặp.
Thị trường vaccine Covid-19 đã được chứng minh là lớn hơn so với dự kiến ban đầu của giới phân tích ở Phố Wall. Pfizer và Moderna đã đạt tổng doanh số bán vaccine ngừa Covid-19 trị giá 35 tỉ đô la trên toàn cầu trong chín tháng đầu năm 2021.
Các nhà phân tích ước tính vaccine BNT162b2 của Pfizer/BioNTech và vaccine mRNA-127 của Moderna
sẽ đạt doanh số tổng cộng hơn 52 tỉ đô la vào năm 2022, nhờ nhu cầu tiêm nhắc lại.
Cả Pfizer, BioNTech lẫn Moderna đều trả tiền bản quyền cho việc bán vaccine của họ vì chúng được phát triển dựa trên một phần các nghiên cứu được thực hiện ở nơi khác. BioNTech và Moderna đã được cấp phép sử dụng bản quyền sáng chế về nghiên cứu công nghệ RNA thông tin do các nhà khoa học tại Đại học bang Pennsylvania thực hiện. Moderna đã trả 400 triệu đô la tiền bản quyền, bao gồm cả cho các công ty nắm giữ bản quyền đối với công nghệ RNA thông tin của Đại học bang Pennsylvania khi bán vaccine trong 9 tháng đầu năm 2021.
Các nhà khoa học của chính phủ Mỹ yêu cầu ghi nhận công trạng
Gần đây, một cuộc tranh chấp bản quyền đã nổ ra, bắt nguồn từ việc Moderna từ chối yêu cầu của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) về việc liệt kê các nhà khoa học của chính phủ vào danh sách những đồng sáng chế trong đơn xin cấp bằng sáng chế của công ty này đối với một thành phần quan trọng của vaccine mRNA-127. Bằng sáng chế này liên quan đến quyền phát minh ra một chuỗi mRNA được tích hợp vào vaccine ngừa Covid-19 của Moderna để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Moderna đã làm việc với NIH để nghiên cứu phát triển vaccine từ nhiều năm trước khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Hai bên đã hợp tác phát triển và thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 ngay sau khi đại dịch xảy ra.
Moderna cho biết họ đã công nhận vai trò của các nhà khoa học chính phủ trong các đơn xin cấp bằng sáng chế khác liên quan đến vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, công ty này khẳng định chỉ có các nhà khoa học của họ tìm ra chuỗi mRNA giúp chỉ dẫn các tế bào của cơ thể tạo ra một phiên bản của protein gai được tìm thấy trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Trong tháng này, Moderna đã rút đơn xin cấp bản quyền sáng chế đối với chuỗi mRNA vì muốn thương lượng với NIH để giải quyết tranh chấp trong êm đẹp.
Nhưng NIH và Moderna cũng có thể vướng vào một cuộc tranh chấp khác liên quan đến bằng sáng chế của NIH đối với một phiên bản được chỉnh sửa của protein gai giúp vaccine ngừa Covid-19 của Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn. Các phiên bản chỉnh sửa của protein gai đều được sử dụng trong vaccine ngừa Covid-19 công nghệ mRNA của Moderna lẫn Pfizer/ BioNTech. Pfizer và BioNTech đã được NIH cấp phép sử dụng bản quyền sáng chế protein gai chỉnh sửa nhưng Moderna thì chưa.
Theo Christopher Morten, phó giáo sư luật về lĩnh vực lâm sàng tại Trường Luật Columbia, do chưa được cấp phép sử dụng phát minh về protein gai chỉnh sửa, vaccine Covid-19 của Moderna trên thực tế đang vi phạm bằng sáng chế của NIH. Ông ước tính Moderna có thể phải trả hơn 1 tỉ đô la cho chính phủ vì vi phạm bằng sáng chế này.
Pfizer và Moderna bị các hãng dược khác kiện
Trong khi đó, cả Pfizer lẫn Moderna cũng đều đang vướng vào các cuộc chiến pháp lý tranh bằng sáng chế với các công ty khác liên quan đến vaccine ngừa Covid-19.
Hồi tháng 10-2020, Công ty công nghệ sinh học Allele Biotechnology & Pharmaceuticals, ở San Diego, kiện Pfizer và BioNTech vì cho rằng họ đã sử dụng một loại protein, mà công ty này đang nắm giữ bản quyền sáng chế, trong các cuộc thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của họ. Pfizer và BioNTech đã bác bỏ cáo buộc trên và vụ việc đang chờ xét xử.
Trước đại dịch, Moderna cũng đã gửi đơn khiếu nại lên Văn phòng cấp bằng sáng chế và thương hiệu Mỹ để phản đối các bằng sáng chế mà Công ty dược Arbutus Biopharma (Canada) đang nắm giữ. Các bằng sáng chế này liên quan đến quyền phát minh ra một số hạt nano nhất định, giống như các hạt nano được sử dụng trong vaccine ngừa Covid-19 của Moderna để giúp đưa chuỗi mRNA đi vào bên trong tế bào con người. Moderna cho biết đã sử dụng các hạt nano do công ty này tự phát minh và chưa được được đề cập trong bằng sáng chế của Arbutus Biopharma.
Theo một số nhà phân tích, nếu bị xử thua trong cuộc tranh chấp này, Moderna có thể phải trả tiền bản quyền cho Arbutus Biopharma.
Hồi đầu tháng 12, một tòa án phúc thẩm ở Mỹ đã công nhận một phần công nghệ hạt nano mà Moderna sử dụng nằm trong bằng sáng chế của Arbutus. Với phán quyết này, Arbutus Biopharma có thể khởi kiện cáo buộc Moderna vi phạm bản quyền hoặc đàm phán để yêu cầu Moderna trả tiền bản quyền.
Nhiều vụ kiện khác nữa liên quan đến bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19 có thể phát sinh. Năm ngoái, Moderna cho biết trong tình hình khẩn cấp của đại dịch, họ sẽ không khiếu nại các vi phạm bằng sáng chế liên quan đến vaccine nhưng sẽ tìm cách cấp phép và thu tiền bản quyền sáng chế sau khi đại dịch lắng xuống. Điều này có nghĩa là Moderna có thể tiến hành các vụ kiện vi phạm bản quyền nhằm vào các công ty khác bao gồm Pfizer và BioNTech nếu các bên không thỏa thuận được các điều khoản cấp phép sử dụng bản quyền.
Theo Wall Street Journal