Hãng gọi xe Bolt, đối thủ “nhức mắt” của Uber
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Được thành lập bởi một sinh viên 19 tuổi bỏ học ở Estonia, một đất nước Bắc Âu bé nhỏ, chỉ có hơn 1,3 triệu dân, chỉ trong vòng sáu năm, hãng gọi xe Bolt mở rộng hoạt động ra 100 thành phố ở 30 nước, đe dọa sự thống trị của Uber ở châu Âu và châu Phi.
Đã đến lúc đặt ra quy chuẩn cho tài xế công nghệ
Dịch vụ xe công nghệ: Hướng đến người tiêu dùng
![]() |
Sự trỗi dậy của hãng gọi xe Bolt đang đe dọa sự thống trị của Uber ở thị trường gọi xe châu Âu và châu Phi. Ảnh: Bolt.eu |
Uber từng chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường gọi xe ở Ba Lan và Kenya nhưng trong hai năm qua, thế độc tôn đó bắt đầu lung lay. Tại Ba Lan, hãng gọi xe Bolt bắt đầu giành khách từ Uber nhờ cước phí rẻ hơn và đang thu hút nhiều tài xế nhờ tính phí hoa hồng thấp hơn. Tại Kenya, Bolt cũng gặm nhấm thị phần của Uber bằng cách cung cấp dịch vụ gọi xe ôm công nghệ, cho phép khách trả phí bằng ví điện tử.
Tại hai nước này, Uber đã phải chống đỡ bằng cách chi nhiều tiền thưởng và khuyến mãi hơn để thu hút khách và tài xế.
Markus Villig, một sinh viên 19 tuổi bỏ học ở Estonia, thành lập Bolt cách đây sáu năm. Kể từ đó, công ty khởi nghiệp này đã viết một câu chuyện thành công bất ngờ khi trở thành kẻ thách thức đáng gờm nhất của Uber ở thị trường gọi xe châu Âu và châu Phi.
Villig, giờ đây 25 tuổi, nói với tờ New York Times: “Mảng kinh doanh vận tải hành khách là một không gian hoàn toàn khác biệt và bạn sẽ thấy có những công ty dẫn đầu ở những khu vực này”. Anh cho rằng Uber không xem Đông Âu và châu Phi là thị trường ưu tiên vì ông lớn ngành gọi xe này đang bận bịu với các cuộc chiến lớn hơn ở những nơi khác.
Ban đầu, Bolt có tên gọi là Taxify. Sau đó, tên công ty được thay đổi để chuyển tải tham vọng lớn hơn và tránh bị nhầm lẫn là dịch vụ taxi truyền thống.
Sự trỗi dậy bất thình lình của Bolt gây bất ngờ một phần là vì công ty này và người sáng lập không được chú ý trong nhiều năm. Villig sinh ra trên một hòn đảo thưa thớt dân cư có tên gọi Saaremaa ở biển Baltic. Gia đình anh dọn đến thủ đô Tallinn, Estonia khi Villig lên 7. Lúc lên 10, anh đã mơ ước làm việc trong ngành công nghệ. Khi học trung học, Villig xây dựng các trang web cho các doanh nghiệp địa phương.
![]() |
Markus Villig, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Bolt. Ảnh: Zimbio |
Villig có cảm hứng với ngành công nghệ khi chứng kiến thành công của dịch vụ gọi điện Internet Skype, giờ đây thuộc sở hữu của Microsoft. Nhóm kỹ sư thiết kế ban đầu của Skype là người Estonia. Một thành viên của nhóm này là người anh của Villig, giờ đây đang làm việc cho Bolt.
Năm 2013, Villig nghỉ ngang đại học để thành lập Bolt với tên gọi ban đầu là Taxify. Villig đã phải dồn hết can đảm xin bố mẹ cho phép sử dụng vài ngàn euro tiền để dành nộp học phí đại học để thành lập công ty.
Việc huy động tiền từ bố mẹ hóa ra dễ dàng hơn việc thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào Bolt. Một số nhà đầu tư, bao gồm một số cựu thành viên của nhóm kỹ sư phát triển Skype, cuối cùng đồng ý rót tiền nhưng hàng chục nhà đầu tư khác từ chối lời mời đầu tư của Villig vì họ cho rằng Uber sẽ bóp nghẹt Bolt.
“Đó chỉ là một ứng dụng gọi taxi ở Tallinn, bạn không thể nhìn thấy cơ hội phát triển lớn của nó. Hơn nữa, cậu ấy (Villig) chỉ vừa học xong trung học”, Rain Rannu, một trong những nhà đầu tư đầu tiên mạnh dạn rót tiền vào Bolt, nhận xét.
Bolt tập trung hợp tác với các công ty taxi truyền thống trước khi chuyển qua mô hình giống Uber: cung cấp các cuốc xe thông qua ứng dụng di động và sử dụng các tài xế tự do.
Công ty cũng đặt trọng tâm vào các thị trường ở Đông Âu, vùng Baltic, châu Phi, nơi Villig cảm thấy Uber chưa thực sự dành các nguồn lực lớn.
Giờ đây, Bolt lên kế hoạch đối đầu với Uber ở London (Anh). Bolt đang tái nộp đơn xin cấp phép vận tải taxi để hoạt động ở London sau khi lá đơn đầu tiên bị các cơ quan quản lý ở thủ đô nước Anh bác bỏ vào năm 2017. Một cuộc chiến giành thị phần kéo dài ở London có thể khiến Uber và Bolt “bầm dập” tài chính.
Villig cho biết huy động tiền đầu tư cho Bolt là hành trình gian nan. Anh chỉ mời gọi được chưa đến 5 triệu đô la trong năm năm hoạt động đầu tiên của công ty, trong khi đó, Uber huy động được hơn 24 tỉ đô la. Thế rồi hồi năm ngoái, một nhóm nhà đầu tư bao gồm hãng xe Daimler (Đức) và hãng gọi xe Didi Chuxing (Trung Quốc) bất ngờ rót 175 triệu đô la vào Bolt. Giờ đây, Bolt lên kế hoạch cho vòng gọi vốn mới.
Thành công trong dài hạn của Bolt vẫn chưa chắc chắn. Bolt vẫn đang thua lỗ giống như Uber và Lyft. Villig thừa nhận cứ mỗi 10 đô la kiếm được từ cước phí gọi xe, Bolt lỗ khoảng 1 đô la do chi phí mở rộng các thị trường mới và cung cấp các khoản thưởng và ưu đãi cho tài xế và khách gọi xe.
Tuy nhiên, Villig cho rằng mức lỗ này thấp hơn so với mức lỗ của Uber và Lyft. Anh cho biết Bolt đang tiến nhanh đến mốc 1 tỉ lượt gọi xe trong năm nay và có thể đạt mức hòa vốn nếu giảm tốc các kế hoạch mở rộng thị trường.
Bolt cũng tiết kiệm chi phí nhân sự hơn Uber. Villig cho biết chi phí lương kỹ sư làm việc cho Bolt ở các văn phòng ở Estonia và Romania chỉ bằng phân nửa so với lương của các kỹ sư ở Thung lũng Silicon, Mỹ. Công ty cũng tiết kiệm tiền bằng cách không thành lập bộ phận nghiên cứu quy mô lớn.
Thay vào đó, công ty sẽ đăng quảng báo trên Facebook để hỏi ý kiến các tài xế nên ra mắt dịch vụ ở thị trường nào. Bolt sẽ tập trung vào các khu vực nhận được sự phản hồi lớn của tài xế. Bolt duy trì hầu hết hoạt động hỗ trợ ở Estonia và chỉ thuê 3-5 nhân viên ở mỗi nước mà Bolt hoạt động.
Theo New York Times
![]() |