Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng hóa nhập từ Trung Quốc tăng hơn 33%, đạt gần 100 tỉ đô la

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tháng 11 vừa qua, cả nước chi thêm 10,3 tỉ đô la Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước này lên 99,4 tỉ đô la trong 11 tháng năm nay, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan.

Tính ra, trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam tăng thêm đến gần 25 tỉ đô la để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, mức nhập siêu hơn 49 tỉ đô la.

Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng mạnh trong 11 tháng 2021. Ảnh minh họa: TL

Hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu có giá trị lớn của Việt Nam đều nhập khẩu từ thị trường nước này. Cụ thể với nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu với trị giá đạt 22,81 tỉ đô la, tăng đến 53% so với cùng kỳ năm trước, bỏ xa thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 là Hàn Quốc chỉ với gần 5,6 tỉ đô la...

Tính đến hết tháng 11-2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 602 tỉ đô la, tăng 22,9% với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 112,25 tỉ đô la. Trong đó cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư được 1,46 tỉ đô la.

Với nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá nhập khẩu lên đến 19,73 tỉ đô la, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nhóm mặt hàng Việt Nam chi số tiền cao thứ hai để nhập khẩu từ Trung Quốc. Với nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện, Việt Nam cũng chi đến 8,26 tỉ đô la để nhập từ Trung Quốc, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh sản xuất và gia công xuất khẩu cũng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ nước này. Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua Việt Nam chi đến 12,34 tỉ đô la nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để phục vụ ngành dệt may da giày, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 52% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này của Việt Nam.

Hay mặt hàng ô tô nguyên chiếc vốn người tiêu dùng trong nước lâu nay không mấy ưa chuộng những mẫu xe có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trong 11 tháng đầu năm nay cả nước vẫn nhập khẩu đến 18.400 chiếc từ nước này, tăng đến 194% so với cùng kỳ năm trước.

Với diễn biến này, theo giới quan sát, khả năng khi kết thúc năm 2021 Việt Nam sẽ chi đến 110 tỉ đô la nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong cùng thời gian trên Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt hơn 50 tỉ đô la, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, tính ra trong 11 tháng năm nay, Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc với giá trị lên đến 49,29 tỉ đô la.

Nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại…

Ngoài Trung Quốc, 3 thị trường nhập khẩu lớn tiếp theo của Việt Nam đều nằm ở châu Á gồm Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.

Một điểm đáng chú ý khác mà các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại là từ đầu năm 2022 sẽ khó khăn đưa hàng hóa qua nước này khi Trung Quốc áp dụng "luật chơi" mới.

Cụ thể, từ ngày 1-1-2022, xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam và các nước phải thực hiện theo “Lệnh 248” về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và “Lệnh 249” về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Trung Quốc.  Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài (bao gồm cả Việt Nam) muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ những quy định được quốc gia này đưa ra.

Đáng chú ý, “Lệnh 249” áp dụng từ ngày 1-1-2022, phía Trung Quốc đưa ra những quy định cụ thể về việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm và mức giới hạn tối đa cho phép về tồn dư các chất độc hại trong thuỷ sản theo quy định của quốc gia này. Điều này theo giới phân tích chắc chắn ít nhiều sẽ cản trở hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đưa vào thị trường đông dân nhất thế giới này trong thời gian tới nếu như doanh nghiệp không kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với các quy định mới của Trung Quốc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới