Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không đối mặt với thiếu phi công và sân bay quá tải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng không đối mặt với thiếu phi công và sân bay quá tải

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tình trạng thiếu hụt phi công ngày càng trầm trọng đang khiến nhiều máy bay “nằm đắp chiếu”, đẩy lương phi công lên cao, trong khi đó, nhiều sân bay đang trở nên quá tải, gây khó khăn cho các kế hoạch mở rộng của các hãng hàng hàng không.

Hàng không đối mặt với thiếu phi công và sân bay quá tải
Máy bay nắm san sát tại sân bay quốc tế Hồng Kông. Ảnh: SCMP

Các vấn đề này đang đặt ngành vận tải hàng không toàn cầu đứng trước rủi ro về triển vọng tăng trưởng.

Nguồn cung phi công trở nên khan hiếm

Hãng tin Reuters hôm 6-6 cho biết, trong những tháng gần đây, các hãng không lớn trên thế giới như Emirates (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và Qantas Airways (Úc) đã rót nhiều nguồn lực để thuê phi công nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng máy bay của họ thường xuyên hơn như kế hoạch đặt ra do các chương trình đào tạo bay không đáp ứng nổi nhu cầu phi công đang gia tăng nhanh của họ.

Trong khi đó, phi công nhiều nơi trên thế giới đòi tăng lương. Phi công của hãng máy bay giá rẻ Ryanair (Ireland) đang thành lập các công đoàn trên khắp châu Âu để yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn. Đầu tháng 5, các phi công ở hãng Air France (Pháp) đình công đòi tăng lương.

Chi phí nhân sự tăng vọt là gánh nặng tài chính lớn nhất của các hãng hàng không. Cộng thêm vào đó, giá nhiên liệu máy bay đang tăng khiến biên lợi nhuận của họ ngày càng teo tóp. Các hãng hàng không cho biết giá vé không theo kịp với tốc độ tăng chi phí.

“Sức ép chi phí này sẽ không dừng lại trước mắt”, nhà kinh tế trưởng Brian Pearce ở Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói tại hội nghị thường niên của IATA ở Sydney (Úc) diễn ra vào hồi đầu tuần này.

Chi phí đào tạo phi công quá cao đã khiến nhiều người không muốn theo đuổi nghiệp phi công dù hãng sản xuất máy bay Boeing dự báo thế giới cần thêm 637.000 phi công trong 20 năm tới.

Một số hãng hàng không đang lên kế hoạch mở rộng các chương trình đào tạo phi công nội bộ. Qantas Airways cho biết, sẽ chi 15 triệu đô la Mỹ để mở một trường dạy bay mới nhằm bảo đảm nguồn cung phi công. Tháng 11 năm ngoái,  Emirates cũng đã khai trương học viện huấn luyên bay trị giá 135 triệu đô la ở Dubai. Học viện này có thể nhận đến 600 học viên trong một khóa.

Các hãng hàng không khác đang mở rộng thị trường nước ngoài, phải cạnh tranh với khốc liệt các đối thủ ở Trung Quốc, nơi các cơ trưởng nước ngoài đang được săn lùng với mức lương hàng năm lên đến 314.000 đô la mỗi năm sau thuế.

Andrew Herdman, Tổng Giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương cho biết, cuộc chiến đấu giá phi công, đặc biệt là những phi công có kinh nghiệm đang diễn ra. Còn Suren Ratwatte, Giám đốc điều hành hãng hàng không SriLankan Airlines cho hay, hãng này bị mất phi công liên tục vào tay các hãng hàng không ở Trung Đông.

“Chúng tôi đang trả lương cho phi công rất tốt để ngăn họ họ rời bỏ hãng, sang Trung Đông”, ông nói.

Trong khi đó, hãng hàng không Bangkok Airways (Thái Lan) cũng đang tăng lương và phúc lợi cho phi công.

Các sân bay ngày càng chật chội

Theo hãng tin Bloomberg, giá nhiên liệu tăng vọt, nguồn cung phi công thiếu hụt là hai nỗi lo lớn đối các với các hãng hàng không nhưng điều tồi tệ hơn có thể sắp xảy ra với họ là các sân bay ngày càng trở nên chật chội.

Với lượng hành khách toàn cầu được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên con số 7,8 tỉ lượt hành khách vào năm 2036, các sân bay ở nhiều nơi trên thế giới có thể nhanh chóng quá tải. Tại châu Á, nơi đón nhận hơn 50% lượt hành khách tăng thêm của toàn cầu vào năm 2036, nhiều ga hành không tại các sân bay lớn đã hoạt động hết công suất.

“Thiếu cơ sở hạ tầng là mối đe dọa đối với tăng trưởng của các hãng hàng không lớn hơn cả giá nhiên liệu. Hiện nay, sức chứa của các ga hành không vẫn còn thiếu cho một tỉ hành khách trên toàn cầu” Akbar Al Baker, Giám đốc điều hành hãng hàng không Qatar Airways nói.

Rico Merkert, Giáo sư ngành vận tải và quản lý chuỗi cung cấp ở trường kinh doanh của Đại học Sydney (Úc) cho biết, các nền kinh tế tại một số khu vực sẽ tăng trưởng chậm lại vì không có công suất hạ tầng hàng không đầy đủ.

Theo công ty tư vấn hàng không Asian Sky Group (ASG) có trụ sở ở  Hồng Kông, ga hàng không ở 11 sân bay lớn nhất của châu Á đã hoạt động hết công suất. Một báo cáo của ASG vào năm 2017 cho biết trong số 1.017 sân bay trong khu vực châu Á, các sân bay ở Hồng Kông đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng nhất. Trong vòng hai năm tới, các sân bay ở Bắc Kinh, Singapore và Manila (Philippines) cũng sẽ hoạt động hết công suất.

“Các sân bay giờ đây quá chật chội, bạn không thể tìm được chỗ đậu. Vậy nên các hãng hàng không muốn triển khai các chuyến bay đến New Yok, Los Angeles hay Hồng Kông hay nơi nào đi nữa thì cũng không còn chỗ sẵn cho họ”, Tim Clark, Chủ tịch hãng hàng không Emirates (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) cho biết.

Tại hội nghị thường niên của IATA ở Sydney, lãnh đạo các hãng hàng không trên toàn cầu cảnh báo tình trạng thiếu hụt hạ tầng hàng không sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của họ cũng như du lịch và thương mại toàn cầu.

Hạ tầng hàng không thiếu hụt sẽ gây ra rủi ro cho mức doanh thu 2.700 tỉ đô la trong các hoạt động kinh tế mà ngành vận tải hàng không đóng góp cho nền kinh tế mỗi năm, cũng như kế hoạch mở rộng của các hãng sản xuất máy bay như Airbus và Boeing cũng như các hãng hàng không lớn từ British Airways (Anh) cho đến Cathay Pacific Airways (Hồng Kông).

Mời xem thêm

Trung Quốc trong “cơn khát” phi công

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới