Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không lo lắng điều tồi tệ hơn sẽ đến trong quí 2

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng không lo lắng điều tồi tệ hơn sẽ đến trong quí 2

V. Dũng

(TBKTSG Online) – Những con số lỗ ngàn tỉ đồng được các hãng hàng không công bố trong quí 1 vừa qua có thể vẫn chưa phải là đáy của sự suy giảm, bởi doanh số mùa Tết Nguyên đán đã giúp bù đắp phần nào kết quả kinh doanh của cả 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn có thể sẽ đến vào quí 2 khi trong tháng 4 hoạt động của các hãng gần như tê liệt và sự phục hồi các đường bay nội địa trong tháng 5 vẫn chưa tạo đủ nguồn thu.

Hàng không lo lắng điều tồi tệ hơn sẽ đến trong quí 2
Lĩnh vực hàng không được dự báo sẽ giảm sâu hơn trong quí 2. Ảnh minh họa: TTXVN

Kỷ lục thua lỗ sẽ bị phá vỡ?

Các hãng hàng không đã đưa ra các con số lỗ hàng ngàn tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, đây đều là các con số kỷ lục đối với các doanh nghiệp này từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhiều công ty chúng khoán đã đưa ra dự báo kỷ lục này có thể bị phá sâu hơn khi 2/3 chặng đường của quí 2 đi qua mà tình hình vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Chưa kể, doanh thu từ dịch vụ bay trong tháng 4 gần như là con số zero vì nền kinh tế thực hiện các biện pháp giản cách xã hội; tháng 5 hoạt động bay nội địa được khởi động lại nhưng nguồn thu từ các chặng quốc tế vẫn còn nằm ở tương lai. 

Theo số liệu từ Cục Hàng không, trong tháng 5, lượng khách di chuyển trên các đường bay quốc tế của hàng không Việt đã giảm 97,6% so với cùng kỳ 2019. Dịch Covid-19 đã gần như cắt đứt hoàn toàn doanh thu từ thị trường quốc tế của hàng không Việt Nam trong giai đoạn tháng 2 tới tháng 5.

Trong khi đó lượng khách nội địa dù được phục hồi gần một nửa (43%) nhưng vẫn chưa hoàn toàn ổn định.
Trong một báo cáo mới đây, công ty chứng khoán BVSC dự báo rằng, ngành hàng không sẽ còn "ngấm đòn" nặng hơn trong quí 2, khi mà đại dịch Covid-19 khiến Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4.

Nhìn lại kết quả kinh doanh trong quí 1, hãng bay Vietjet Air lỗ sau thuế hợp nhất lên tới gần 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HVN) ghi nhận khoản lỗ 2.600 tỉ đồng. Tập đoàn FLC (chủ hãng hãng không Bamboo Airways cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 1.200 tỉ đồng. Chưa kể các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất cũng đã hé lộ những khoản lỗ đầu tiên sau nhiều năm.

Với những dự báo kể trên, giới đầu tư bắt đầu lo lắng kết quả quí tới sẽ lộ ra các khoản lỗ ngàn tỉ đồng khi nhiều hãng bay vẫn chưa thể hoạt động hết công suất dịch vụ trong thời gian sắp tới.

Diễn biến mới nhất, Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) đã không còn là cổ đông lớn của Vietjet sau khi bán hơn 70 ngàn cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu bán ra không nhiều nhưng đủ để GIC giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,99%, không còn là cổ đông lớn của hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Sau khi không còn là cổ đông lớn, GIC không cần phải báo cáo nếu bán cổ phiếu VJC. Sức ép này cũng gia tăng lên cổ phiếu của hãng bay này khi giảm VJC giảm 6 trên 10 phiên gần nhất và chỉ ghi nhận 2 phiên tăng nhẹ.

Báo cáo phân tích của BVSC cũng không loại trừ tác động tiêu cực ra khỏi Vietnam Airlines. Đơn vị này cũng dự kết quả kinh doanh quí 2 của các hãng hàng không sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi dịch Covid-19 so với quí 1. Theo tính toán của BVSC biên lợi nhuận gộp trong năm 2020 của Vietnam Airlines giảm xuống 9,15% từ mức 11,37% trong năm 2019, do ảnh hưởng từ kết quả quí 1 và quí 2 tới.

Trước tình cảnh này, mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đánh giá tích cực về đề xuất vay 12.000 tỉ đồng không tính lãi với thời hạn tối thiểu 3 năm của Vietnam Airlines. Bộ này nhận định đây là biện pháp cần thiết để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng các điều kiện cụ thể như mức vay, lãi suất vay và thời hạn cho vay cần được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trông chờ vào sự phục hồi mảng bay quốc tế

Trên thực tế, Vietjet Air là hãng hàng không hồi phục mạnh nhất sau khi nhiều lệnh cấm bay được bãi bỏ. Tuy nhiên, nỗi lo về hoạt động của hãng vẫn còn lớn trong bối cảnh ngành hàng không thế giới gặp khó, còn tại Việt Nam hoạt động vận chuyển hành khách đường hàng không quốc tế vẫn chưa được mở trở lại.

Nguồn: Báo cáo tài chính quí 1 các doanh nghiệp

BVSC cũng ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ sụt giảm khoảng 69% so với năm 2019 và dần phục hồi từ 100.000 lượt khách/tháng vào tháng 7 đến mức 600.000 lượt khách/tháng vào tháng 12.

Hiện theo số liệu từ Cục Hàng không, lượng khách quốc tế của thị trường hàng không Việt trong tháng 5 đã đạt mức 78.000 lượt khách, cho thấy con số 100.000 lượt khách vào tháng 7 theo ước tính của BVSC là khả thi.

Trong nhiều năm qua thị trường quốc tế vẫn đang đang đóng góp tỷ lệ cao trong cơ cấu doanh thucủa các hãng bay. Cho dù thị  trường nội địa có số lượng khách tăng mạnh trở lại sau khi quy định giãn cách được nới lỏng nhưng vẫn chưa thể bù đắp được cho các hãng hãng này.

Cụ thể, Vietjet Air, doanh thu vận tải hàng không từ thị trường quốc tế thậm chí còn vượt doanh thu từ thị trường nội địa. Theo báo cáo thường niên 2019 của Vietjet Air, doanh thu vận tải hàng không nội địa của hãng đạt 10.753 tỉ đồng trong khi doanh thu từ thị trường quốc tế của hãng đạt tới 14.692 tỉ đồng, chiếm 57,7% tổng doanh thu vận tải hàng không.

Với Vietnam Airlines, trong 22,9 triệu lượt khách hãng vận chuyển năm 2019, có 8,2 triệu lượt khách đến từ các đường bay quốc tế với lợi nhuận mỗi lượt khách bay quốc tế cao hơn lượt khách bay nội địa.

Đó là chưa kể đến việc các đường bay mới được mở trước khi dịch Covid-19 bùng nổ vẫn chưa có cơ hội gia tăng doanh số tối đa. Với Vietnam Airlines là các đường bay mới đi Macao, Thâm Quyến (Trung Quốc) hay Busan (Hàn Quốc). Trong khi đó Vietjet Air cũng mới ra mắt đường bay đi Ấn Độ. Bamboo Airways cũng đưa vào kế hoạch một loạt đường bay quốc tế mới đi Đông Nam Á, châu Âu…

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không nghiên cứu, báo cáo lại Bộ việc nối lại một số đường bay quốc tế nhằm phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương trước ngày 10-6 để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đây là những kế hoạch được cơ quan chức năng xây dựng nhằm phục hồi thị trường hàng không, tuy nhiên các hãng vẫn chưa thể chủ động trong kế hoạch của riêng mình khi tình hình vẫn còn mù mờ. Trong ngắn hạn các hãng vẫn phải di chuyển cầm cự với “một chân” đồng nghĩa với việc khuyết một nửa doanh thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới