Thứ Hai, 16/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hàng không toàn cầu đối mặt cơn biến động mới vì biến thể Omicron

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các hãng hàng không toàn cầu đang chuẩn bị ứng phó cơn biến động nhu cầu mạnh hơn khi sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể buộc họ phải thay đổi lịch trình bay và điểm đến trong thời gian ngắn. Giới phân tích dự báo họ có thể phải dựa dẫm nhiều hơn vào thị trường nội địa nếu như các hạn chế nhập cảnh áp dụng rộng rãi trên thế giới và hành khách hoãn các kế hoạch du lịch nước ngoài.

Quang cảnh vắng vẻ ở sân bay quốc tế Narita ở tỉnh Chiba (Nhật Bản) sau khi chính phủ Nhật Bản thông báo đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài trong vòng 1 tháng để ngăn chặn biến thể Omicron. Ảnh: Getty

Nhiều du khách đã đặt vé máy bay cho các chuyến nghỉ ngơi trong dịp Giáng sinh, mùa kinh doanh cao điểm của các hãng hàng không. Nhưng giới lãnh đạo các hãng hàng không trên toàn cầu đang lo ngại hành khách sẽ tạm dừng đặt vé trong tương lai, gây trì hoãn hơn nữa đối với đà phục hồi vốn đã chậm chạp của ngành hàng không.

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết họ vừa hạ dự báo lưu lượng hành khách toàn cầu cho năm 2021 và 2022, với lý do sự xuất hiện của các biến thể mới như Omicron cho thấy các điều kiện kinh doanh vẫn tiếp tục bất ổn đối với các hãng hàng không.

Deidre Fulton, đối tác của Công ty tư vấn MIDAS Aviation, nhận định: “Có vẻ như chúng ta đang trở lại thời kỳ của một năm trước đây và đó không phải là một triển vọng tốt cho ngành hàng không”.

Tác động của Omicron sẽ thay đổi theo từng quốc gia và khu vực do phản ứng khác nhau của mỗi chính phủ và tính đa dạng trong mô hình kinh doanh của các hãng hàng không.

Hôm 1-12, hai công ty hàng không hàng đầu Nhật Bản Japan Airlines và ANA Holdings đã tạm dừng bán vé cho các chuyến bay quốc tế đến Nhật Bản cho đến cuối tháng 12 sau khi Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản yêu cầu các hãng hàng không dừng nhận đặt mua vé bay đến nước này trong vòng một tháng để kiểm soát biến thể Omicron. Cùng ngày, giới chức y tế Nhật Bản xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron thứ hai.

Hồi đầu tuần, Úc thông báo trì hoãn kế hoach nới lỏng các hạn chế biên giới thêm ít nhất 2 tuần sau khi nước này ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron thứ năm. Hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hồng Kông thiếu thị trường nội địa và đang chỉ hoạt động 10% công suất so với trước đại dịch. Hãng cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của Omicron đối với nhu cầu.

Các hãng hàng không ở các nước có thị trường nội địa lớn mạnh như Mỹ, Trung Quốc và Nga được che chắn tốt hơn trước những bất ổn lớn hơn của du lịch quốc tế. Một báo cáo phân tích của Ngân hàng UBS cho biết các hãng bay Mỹ vẫn chưa thay đổi công suất bay đã lên kế hoạch của họ, vốn đang ở mức 87% so với tháng 12- 2019 và dự kiến đạt 92% công suất trước đại dịch Covid-19 vào tháng 1-2022.

Hãng bay United Airlines vẫn khai trương đường bay Newark (bang New Jersey, Mỹ) – Cape Town (Nam Phi) vào hôm 1-12 bất chấp Nhà Trắng đã ra lệnh nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Mỹ bay từ Nam Phi. Trong khi đó, hãng Delta Air Lines, đối thủ của United Airlines, cho biết lượng đặt chỗ trong thời gian Giáng sinh tăng mạnh.

Helane Becker, nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư Cowen, nói: “Trong năm qua, sự xuất hiện của mỗi biến thể mới của Covid-19 đều gây suy giảm lượng vé đặt trước nhưng sau đó, lượng đặt vé tăng trở lại khi làn sóng lây nhiễm dịu lại. Chúng tôi kỳ vọng mẫu hình đó sẽ lặp lại”.

Nền tảng lữ hành trực tuyến Kayak cho biết số lượt tìm kiếm du lịch quốc tế từ những người dùng ở Mỹ chỉ giảm 5% vào hôm 28-11,  trong khi đó mức giảm này từ Anh lên đến 26% sau khi giới chức trách nước này siết chặt các yêu cầu xét nghiệm đối với du khách nước ngoài.

Các hãng hàng không lớn của châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào các tuyến bay quốc tế so với các hãng hàng không của Mỹ, khiến họ có nguy cơ chịu tác động nặng nề hơn của biến thể Omicron.

Ở châu Á, các nước như Úc, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan chỉ mới bắt đầu thận trọng dỡ bỏ các hạn chế biên giới trong những tuần gần đây và số lượng hành khách vẫn còn ở mức rất thấp so với mức trước đại dịch.

John Grant, Giám đốc phân tích của  Công ty ty dữ liệu hàng không OAG, nói các động thái cấm và trì hoãn việc nhập cảnh đối với người nước ngoài của Nhật Bản và Úc vì lo ngại biến thể Omicron là “đáng buồn và thất vọng”.

Hôm 30-11, Tim Clark, Chủ tịch hãng hàng không Emirates (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), cảnh báo nếu nhu cầu đi lại hàng không bị giảm mạnh trong mùa du lịch cao điểm tháng 12 do mối lo ngại biến thể Omicron thì điều này sẽ gây những tổn thương lớn cho ngành hàng không toàn cầu.Ông nói rằng những tuần tới sẽ rất quan trọng đối với ngành hàng không khi giới khoa học đưa ra các đánh giá chính xác hơn về các rủi ro của biến thể Omircon. Các hãng vaccine phương Tây đưa ra những nhận định trái chiều về hiệu quả các vaccine Covid-19 hiện nay đối với biến thể này.Đại học Oxford (đối tác của hãng dược AstraZeneca) và hãng dược công nghệ sinh học BioNTech (đối tác của hãng dược Pfizer), trấn an rằng các vaccine hiện tại của họ vẫn có thể tiếp tục ngăn ngừa các triệu chứng nặng của Covid-19. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành hãng dược Moderna, Stéphane Bancel cảnh báo biến thể Omircon có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của các vaccine hiện tại.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới