Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàng không toàn cầu đối mặt với thiệt hại 29 tỉ đô la Mỹ vì dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàng không toàn cầu đối mặt với thiệt hại 29 tỉ đô la Mỹ vì dịch Covid-19

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Các hãng hàng không toàn cầu đứng trước nguy cơ thiệt hại doanh thu lên đến 29,3 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, khi nhu cầu đi lại hàng không sụt giảm mạnh trên toàn thế giới do tác động của dịch Covid-19, theo nhận định của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).

Phía sau bề nổi "bùng nổ" của thị trường hàng không

Dòng vốn ngàn tỉ "chia lại" thị trường hàng không

Hàng không toàn cầu đối mặt với thiệt hại 29 tỉ đô la Mỹ vì dịch Covid-19
Cảnh vắng vẻ bên trong nhà ga hành khách ở sân bay quốc tế Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Các hãng hàng không Trung Quốc thiệt hại gần 13 tỉ đô la

Hôm 20-2, IATA công bố bản cáo cáo thẩm định sơ bộ tác động của dịch Covid 19 đối với ngành vận tải hàng không toàn cầu. Theo báo cáo, dịch bệnh viêm phổi cấp sẽ khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu trong năm 2020 giảm 0,6 % so với năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Hồi đầu năm nay, IATA dự báo nhu cầu đi lại hàng không toàn cầu sẽ tăng 4,1%.

Theo IATA, các hãng hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ hứng chịu tổn thất doanh thu nặng nề nhất với khoảng 27,8 tỉ đô la do nhu cầu đi lại hàng không ở khu vực này được dự báo giảm khoảng 13% trong năm nay.
Các hãng hàng không Trung Quốc sẽ chịu tổn thất doanh thu 12,8 tỉ đô la chỉ tính riêng ở thị trường trong nước.

Do tác động của dịch Covid-19, trong tháng vừa qua, thị trường hàng không Trung Quốc, vốn được dự báo sẽ vượt qua Mỹ trong thập kỷ này để trở thành thị trường lớn nhất thế giới, đã tụt từ hạng 3 về hạng 25 của thế giới, đứng sau cả Bồ Đào Nha.

Theo Công ty phân tích dữ liệu hàng không OAG Aviation Worldwide, trong thời gian từ 20-1 đến 17-2, các hãng hàng không Trung Quốc đã cắt giảm công suất 10,4 triệu ghế khi tạm dừng nhiều chuyến bay; trong khi đó các hãng hàng không trên toàn cầu cũng cắt giảm 1,7 triệu ghế bay đến Trung Quốc.

Theo Tổng Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), 14 hãng hàng không nước này đã hoàn lại 2,85 tỉ đô la tiền vé cho những hàng khách không thể bay trên những chuyến bay đã bị hủy.

Báo cáo của IATA cho biết các hãng hàng không bên ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ mất mát 1,5 tỉ đô la doanh thu do nhu cầu bay đến các thị trường có liên quan đến Trung Quốc suy giảm.

Tuy nhiên, IATA dự báo ngành kinh doanh vận tải hàng không toàn cầu sẽ phục hồi theo hình chữ V, có nghĩa là các hoạt động kinh doanh sẽ nhanh chóng trở lại mức bình thường sau khi dịch Covid-19 được khống chế, một kịch bản tương tự như những gì đã xảy ra đối với ngành vận tải hàng không trong thời kỳ dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp) vào năm 2003.

Dịch Covid-19 khiến các hãng hàng không quốc tế bao gồm British Airways (Anh), Lufthansa (Đức), Qantas (Úc), Air France–KLM (Pháp) và 3 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ quyết định tạm dừng bay đến Trung Quốc trong thời gian này, trong đó một số hãng tạm dừng bay đến cuối tháng 4 hoặc tháng 5.

Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại ở Trung Quốc và nỗi sợ lây nhiễm virus Covid-19 đã làm sụp đổ nhu cầu các chuyến bay trong nước ở thị trường Trung Quốc.

Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nói: “Đây là thời khắc thách thức đối với ngành vận tải hàng không toàn cầu. Khống chế đà lây lan của dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu lúc này. Đây sẽ là một năm rất gian nan đối với các hãng hàng không. Họ đang đưa ra các quyết định khó khăn để cắt giảm công suất và trong một số trường hợp là ngừng các tuyến bay”.

Ông lưu ý con số tổn thất doanh thu 29,3 tỉ đô la nói trên được tính toán dựa trên kịch bản cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 không lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc.

Ông nói: “Nếu cuộc khủng hoảng này lan rộng ra các thị trường châu Á-Thái Bình Dương thì lúc đó, tác động của nó đến các hãng hàng hàng không ở các khu vực khác sẽ lớn hơn”

Các hãng hàng không nhỏ đối mặt nguy cơ phá sản

Báo cáo của IATA nhận định: “Nhu cầu giảm mạnh do dịch Covid-19 sẽ tác động xấu đến tình hình tài chính của các hãng hàng không, đặc biệt là những hàng hàng không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc”. IATA cho rằng vẫn còn quá sớm để thẩm định mức lợi nhuận bị sụt giảm của các hãng hàng không.

Lúc này, các hãng hàng không đang xoay sở ứng phó tác động của dịch Covid-19. Hồi đầu tháng 2, hãng hàng không Cathay Pacific (Hồng Kông) yêu cầu 27.000 nhân viên nghỉ phép không lương trong ba tuần, thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 do nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh.

Thông báo của Cathay Pacific nói rằng hãng này cần dự trữ tiền mặt để bảo vệ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hãng hàng không Hong Kong Airlines sa thải 400 nhân viên trong tổng số 3.500 nhân viên đồng thời yêu cầu các nhân viên khác nghỉ phép không lương.

Hôm 19-2, Hong Kong Airlines thông báo sẽ cắt giảm các dịch vụ cho hành khách trong chuyến bay.

Hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc, Asiana Airlines ,cũng yêu cầu hàng ngàn nhân viên nghỉ phép không lương khi hãng này tạm dừng các tuyến bay đến Trung Quốc. Tất cả 38 lãnh đạo của hàng hàng không này xin tự nguyện từ chức để xuống làm các chức thấp hơn và chấp nhận giảm 30% lương.

Hôm 18-2, Eastar Jet, một trong những hàng không giá rẻ của Hàn Quốc, cho biết sẽ cắt giảm 30% lương của ban lãnh đạo trong 4 tháng bắt đầu từ tháng 3. Ngoài ra, hãng này giảm giờ làm của tất cả nhân viên ngoại trừ các tiếp viên hàng không.

Tuần trước, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, Jeju Air, cũng quyết định giảm 30% lương của ban lãnh đạo và yêu cầu tất cả nhân viên nghỉ phép không lương.

Nhà phân tích Paul Yong ở Ngân hàng DBS (Singapore) nhận định trong lúc ba hãng hàng không nhà nước Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines có tiềm lực tài chính dồi dào, giúp chống đỡ tác động của dịch Covid-19 thì một số hãng hàng không nhỏ hơn ở nước này sẽ chật vật để tồn tại.

Ông cho biết hãng hàng không Hải Nam (Hainan Airlines) đặc biệt dễ tổn thương do tập đoàn mẹ HNA đang gặp khó khăn vì những những khoản nợ khổng lồ.

Hôm 19-2, hãng in Bloomberg cho biết chính quyền tỉnh Hải Nam, nơi HNA đặt trụ sở, đang đàm phán để tiếp quản tập đoàn này khi nhận thấy dịch Covid-19 làm tổn thương khả năng trả nợ của HNA.

Theo kế hoạch đang được đàm phán, sau khi tiếp quản, chính quyền sẽ bán phần lớn tài sản hàng không của HNA cho ba hãng hàng hàng không lớn nhất Trung Quốc là Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines.

Hãng hàng không Suparna Airlines, một công ty con của hãng hàng không Hải Nam, sẽ được bán cho chính quyền tỉnh Giang Tô.

Từng chỉ là một tập đoàn điều hành hãng hàng không ít tên tuổi, HNA gây chú ý trong giai đoạn 2016-2017 khi vung 40 tỉ đô la (nhờ vay nợ) để mua cổ phần của tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide Holdings (Mỹ), Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) và mua hàng loạt bất động sản cao cấp từ Hồng Kông cho đến Manhattan. Trong những năm gần đây, HNA đã ồ ạt bán tài sản để giảm nợ và quay trở lại tập trung cho mảng kinh doanh hàng không.

Các nhà phân tích của Công ty Agency Partners ở London (Anh) nhận định: “Cú sụp đổ của hoạt động hàng không ở Trung Quốc do dịch Covid-19 rõ ràng đang đẩy HNA đến bờ vực phá sản thực sự”.

Thep AP, Bloomberg, Koreabizwire.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới