Hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, giải quyết thế nào?
Đức Tâm
Giáo sư Jaafar Bin Jantan, thuộc Bộ Giáo dục Malaysia. Ảnh: TL. |
(TBKTSG Online) - Bên lề diễn đàn đổi mới giáo dục các quốc gia Đông Nam Á, chuyên gia Malaysia đã chia sẻ với TBKTSG kinh nghiệm giải quyết vấn nạn sinh viên khó xin việc làm sau khi ra trường. Tính đến thời điểm này, số cử nhân thất nghiệp tại Việt Nam lên đến 162.000 người.
>> Không phải chỉ 72.000 cử nhân thất nghiệp, con số mới là 162.000
Giáo sư Jaafar Bin Jantan, thuộc Bộ Giáo dục Malaysia cho biết, vào năm 2006 Malaysia cũng từng gặp tình trạng như Việt Nam hiện nay khi số cử nhân bị thất nghiệp cao. Chính phủ Malaysia đã mời các chuyên gia giáo dục thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các chuyên gia trong nước tìm hiểu nguyên nhân một cách chi tiết và toàn diện, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả.
Bên cạnh việc đào tạo tại các trường đại học không phù hợp với nhu cầu thị trường, điều tra của WB còn chỉ rõ sinh viên Malaysia không được chuẩn bị tốt về tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này khiến sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn. Thêm nữa, khả năng giao tiếp tiếng Anh không lưu loát cũng hạn chế khả năng xin việc làm sau khi tốt nghiệp.
Từ báo cáo và tư vấn của WB, Malaysia đã lập kế hoạch hành động chiến lược thay đổi nền giáo dục bậc đại học hướng đến đào tạo theo nhu cầu của xã hội và kêu gọi các công ty phối hợp với trường đại học trong quá trình đào tạo.
Hầu hết các chương trình đào tạo đại học tại Malaysia kéo dài trong ba năm. Bộ Giáo dục Malaysia luôn khảo sát xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động trong ít nhất là ba năm sau đó để biết thị trường cần gì và cần bao nhiêu trước khi lập kế hoạch đào tạo.
Vào năm cuối cùng của chương trình đào tạo, nhà trường sắp xếp cho sinh viên làm việc từ ba đến năm tháng tại các công ty đối tác của nhà trường. Sau thời gian này, công ty và sinh viên có thể ký hợp đồng lao động nếu hai bên cảm thấy phù hợp nhau.
Tuy không có con số thống kê cụ thể về tỷ lệ hợp đồng được ký sau tời gian thực tập nhưng qua đánh giá chung, xã hội hài lòng với sự hợp tác này: doanh nghiệp tìm được người phù hợp, còn sinh viên tìm được công việc dễ dàng, giáo sư (GS) Jaafar nói.
Trao đổi với phóng viên TBKTSG, GS Jaafar cho biết, hiện nay số sinh viên Malaysia tìm được việc làm trong vòng một năm sau ngày ra trường đạt hơn 90%.
Malaysia đã vượt qua khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra cho sinh viên. Hiện Malaysia phấn đấu trở thành một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực, thu hút nhiều sinh viên các Đông Nam Á đến học đại học và sau đại học. Số lượng sinh viên nước ngoài tại Malaysia đến thời điểm hiện tại là khoảng 200.000 người, và sẽ là 600.000 trong giai đoạn 2016 – 2020, GS Jaafar chia sẻ.
Cũng theo giáo sư Jaafar, việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học tại Việt Nam cũng là vấn đề nên tính đến. Năm học 1997 – 1998 là cộc mốc quan trọng trong nền giáo dục Malaysia khi Bộ Giáo dục nước này quyết định rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ bốn năm còn ba năm, GS Jaafar nói.
Trước 1997, nhiều trường đại học dân lập tại Malaysia cung cấp chương trình đào tạo ba năm, trong khi khối công lập vẫn giữ bốn năm. Dưới sức ép cạnh tranh của các trường dân lập và dư luận xã hội, Bộ Giáo dục Malaysia đã đưa ra quyết định nêu trên, góp phần tạo sự thay đổi giáo dục và tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho xã hội.
Gs Jaafar cho biết thêm Malaysia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới giáo dục đại học khi có yêu cầu.
Diễn đàn đổi mới giáo dục dành cho các lãnh đạo ngành giáo dục các quốc gia Đông Nam Á diễn ra từ ngày 9 đến 11/7 tại Trung tâm Đào tạo Khu vực tại Việt Nam thuộc Tổ chức Các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (Southeast Asian Ministers of Education Organization Regional Training Center – SEAMEO RETRAC) đặt tại TPHCM. Tại diễn đàn, đại biểu giáo dục từ các quốc gia Đông Nam Á chia sẻ những vấn đề và giải pháp để cùng nhau nâng cao chất lượng giáo dục tại khu vực. |