Hàng ngàn tấn nông sản đến vụ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ
Chánh Trung
(KTSG Online) - Do nhiều địa phương hiện đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ nên việc thu mua và vận chuyển hàng hóa khá khó khăn. Trong khi đó, chôm chôm, dưa lê, nhãn, thanh long, bưởi, cam sành… ở một số tỉnh thành phía Nam lại đang vào mùa thu hoạch, rất cần sự kết nối, tiêu thụ của các doanh nghiệp, nhà phân phối.
Bưởi Sóc Trăng đang vào mùa cần tiêu thụ. Ảnh: Bích Loan |
Theo Sở Công Thương Hậu Giang, tỉnh này hiện có khoảng 52 tấn chôm chôm, 55 tấn dưa lê, 73 tấn nhãn… đang tới vụ thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ. Các sản phẩm tập trung trên địa bàn thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A.
Nhằm xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch Covid-19 gia tăng, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức “Hội nghị kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021” diễn ra trực tuyến vào các ngày 6, 9 và 10-8-2021.
Địa chỉ đăng ký tham dự hội nghị: http://event.vietrade.gov.vn/nongsanthuysanmntn |
Một số loại nông sản tới thời điểm thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua, hoặc thu mua cầm chừng với số lượng ít, gây ra tình trạng tồn đọng nông sản.
Qua ghi nhận, tại các địa phương hiện đang tồn đọng một số mặt hàng nông sản tổng số gần 2.700 tấn, trong đó rau màu các loại ghi nhận tồn đọng khoảng 75 tấn, cây ăn trái các loại tồn đọng 470 tấn, thủy sản tồn đọng 2.000 tấn, chăn nuôi tồn đọng 94 tấn (heo, trâu bò, gia cầm).
Đại diện Sở Công Thương Long An cho biết, tháng 8 này Long An bước vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch nên việc thu hoạch, vận chuyển và hoạt động của các kho thu mua gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo Sở Công Thương Sóc Trăng, hiện trên địa bàn tỉnh có lượng lớn nông sản tới vụ cần được kết nối tiêu thụ gồm: 24.443 tấn nhãn, thời điểm thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12, với sản lượng trung bình hơn 4.000 tấn/tháng; 15.373 tấn bưởi, sản lượng thu hoạch trung bình khoảng 1.500 tấn/tháng từ tháng 7 đến tháng 11, cao điểm trong tháng 12 là 7.826 tấn; 4.600 tấn vú sữa, dự kiến sẽ tập trung thu hoạch vào 2 tháng cuối năm, cao điểm là tháng 12 với sản lượng 4.500 tấn; 15.800 tấn cam sành được thu hoạch từ nay đến cuối năm; 15.535 tấn xoài sẽ được thu hoạch vào tháng 11 và 12; 20.496 tấn chanh cũng được thu hoạch từ nay đến cuối năm.
Đại diện Sở Công Thương các tỉnh thành phía Nam cho biết đã gửi công văn tới Bộ Công Thương, tổ công tác phía Nam, Sở Công Thương và trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố với mong muốn được hỗ trợ thông tin, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các tỉnh vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và truyền thống, các doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp sơ chế, chế biến trên cả nước.
Liên quan đến tình hình này, tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương tại TPHCM và các tỉnh phía Nam cho biết đang nỗ lực kết nối các hệ thống siêu thị, nhằm hỗ trợ tiêu thụ trái cây cho địa phương này.
Trước mắt các siêu thị Bách Hóa Xanh trên địa bàn TPHCM đang tiêu thụ thanh long Long An với giá 16.000 đồng/kg. Còn tại Aeon Việt Nam và MM Mega Market cũng tiêu thụ thanh long từ tháng 7-2021.
Thanh long Long An đang được các siêu thị tại TPHCM bán với giá 16.000 đồng. Ảnh: Bộ Công Thương |
Đại diện 2 doanh nghiệp bưu chính là Vietnam Post và Viettel Post cho hay đã tham gia cùng các tỉnh tập trung xúc tiến tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn những loại nông sản, trái cây mùa vụ có sản lượng lớn như nhãn Đồng Tháp, nhãn An Giang, mãng cầu Tây Ninh, khoai lang tím Vĩnh Long…
Bên cạnh phương thức trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, Vietnam Post và Viettel Post còn cho biết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ theo phương thức truyền thống gồm phân phối và bán nông sản tại các bưu cục, điểm bán hàng bình ổn thị trường.
“Trường hợp luồng vận tải tiếp tục siết chặt hơn để đảm bảo yếu tố phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc sản tại chính địa phương. Hình thức “đi chợ dùm” bằng cách bán sản phẩm theo combo tại các điểm bán hàng trực tiếp và trên sàn Voso sẽ tiếp tục được áp dụng”, đại diện Viettel Post chia sẻ thêm.
Mời xem thêm:
Dọn hàng lên mạng, nông sản Việt tìm cách thoát cảnh "giải cứu"
Đường đi của nông sản thiết yếu
Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp: thủy sản, trái cây và sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa