(KTSG) - Bangkok lại muốn đưa người bán hàng rong tập trung vào một điểm nhằm quản lý và tạo vẻ mỹ quan đô thị theo mô hình hawker centre (các trung tâm ăn uống) của Singapore. TPHCM và Hà Nội cũng từng có những sáng kiến hay đề án tương tự Bangkok. Nhưng mô hình Singapore là một thách thức lớn.
Một quầy xôi xoài trên đường Silom Road, gần khách sạn 5 sao Dusit Thani. Ảnh: Ricky HồPhải mất hàng chục năm, từ giữa thập niên 1950, Singapore mới có thể giành lại lề đường cho người đi bộ, dẹp được những hàng rong mất vệ sinh, luôn tống rác xuống cống. Nhà chức trách không thực hiện chiến dịch bằng ý chí sắt đá mà chính sách giáo dục và dân sinh cho hàng chục ngàn gia đình phụ thuộc vào hàng quán lề đường.
Trò chơi “mèo đuổi chuột” ở Bangkok
Bangkok là nơi sinh sống của hàng triệu người nghèo từ các nơi đổ về. Ở một góc gần khách sạn năm sao Dusit Thani và đầu đường Silom - con phố thương mại và giải trí nổi tiếng nhất nhất ở Bangkok, đầy những xe bán đồ lưu niệm, xôi xoài, nước trái cây hay xe hủ tiếu mì kiểu Thái. Hương thơm tỏa mọi ngóc phố, len tận vào những soi - gọi là hẻm, nhưng xe hơi chạy thoải mái. Chủ nhân và người làm việc xung quanh những chiếc xe đó là dân các nơi đổ về, các vùng nông thôn nghèo khắp Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Có lúc nghe cả giọng Nghệ An, Thanh Hóa hay Quảng Trị.
Từ giữa năm 2016, chính quyền Bangkok bắt đầu chiến dịch giành lại vỉa hè, đuổi hàng rong đi, xử phạt xe máy hay xe hơi đậu xung quanh các xe này. Tờ Bangkok Post cho biết chính quyền địa phương đã đuổi 15.000 người bán hàng rong khỏi 36 khu vực.
Nhưng chính quyền cũng thừa nhận công cuộc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là “nhiệm vụ bất khả thi” do thiếu người. Chiến dịch này cũng khiến người dân không hài lòng bởi 40% số người dân của Bangkok sống nhờ vào hàng rong và đa số là người nghèo. Dịch đến, người nghèo tản mác. Thái Lan mở cửa đón khách quốc tế trở lại, nhịp sống hè phố lại rộn ràng. Tuy nhiên, vị thống đốc mới của Bangkok dự định thu xếp các ngôi chợ ngoài trời theo mô hình “hawker centre” nổi tiếng của Singapore.
Nhậm chức đầu tháng 6-2022, một tháng sau, Thống đốc Chadchart Sittipul công bố ý định làm sạch đẹp và dọn dẹp luôn những hàng quán xấu xí. Kế hoạch đến nay vẫn thiếu các chi tiết cụ thể, nhưng ông Chadchart nói rằng muốn biến Bangkok thành ốc đảo tươi đẹp, thu hút du khách. Các xe hàng rong sẽ được tập trung vào các khu vực do chính quyền chỉ định, giá thuê sẽ thật thấp. Ông Chartchai còn có ý định biến những khu đất dưới cầu vượt, đường cao tốc thành các khu ẩm thực.
Tuy vậy, người bán hàng chưa chắc nghe theo. Các chủ xe đẩy lo ngại có thể bị mất khách quen, vốn là nhân viên từ các tòa nhà văn phòng gần đó.
Hàng rong là một phần không thể tách rời của đời sống cư dân đô thị Bangkok. Một bữa ăn như cơm, hủ tiếu hay mì và nhiều món ăn vặt khác được bán với giá 50 baht, khoảng 33.000 đồng - một mức giá không thể có ở một quán tươm tất hay nhà hàng giữa Bangkok.
Hàng rong và thức ăn đường phố mang lại sức quyến rũ của Bangkok. Có những quán nổi tiếng như quán của bà dì Jay Fai với món trứng chiên cua được phong sao Michelin. Hàng rong cũng chứng minh sự tồn tại hữu ích khi mang lại chén cơm manh áo cho nhiều người. Nhưng cũng có người xem đó là sự chướng mắt và gây nhiều phiền toái. Bởi người bán lấn chiếm lề đường, buộc khách đi bộ phải xuống lòng đường. Họ còn đổ nước, thải rác ra cống rãnh.
Những chiếc xe đẩy với những ông bà chủ “không văn minh, lịch sự” - lời của ông Chadchart - là mục tiêu mới cần phải loại bỏ khỏi một Bangkok văn minh. Ông Chadchart nói rằng kế hoạch của ông được nhiều nơi, nhiều tổ chức ủng hộ vì “tốt cho người dân, người bán hàng rong và khách du lịch”.
Nhưng các xe hàng rong lại khẳng định một sự thật khác. “Những gì khách du lịch nước ngoài đang tìm kiếm là thức ăn đường phố. Không có điều gì khác cả”, một phụ nữ 56 tuổi bán món hủ tiếu xào padthai ở Khao San Road - khu phố Tây ba lô nổi tiếng của Bangkok - đã nói như đinh đóng cột. Người bán hàng đã đòi gặp mặt và đối thoại trực tiếp với Thống đốc Chadchart.
“Chúng tôi cần gặp trực tiếp và hỏi chính quyền suy nghĩ gì về tương lai của những người bán hàng rong”, theo lời bà Yada Pornpetrumpa - Chủ tịch Hiệp hội những người bán hàng rong ở Khao San Road.
Quốc hồn quốc túy của Singapore
Trong báo cáo “Success Matters: Singapore Hawker Centres”, tác giả Azhir Ghani tại Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu viết rằng, thập niên 1950 hàng quán rong là vấn đề đau đầu của chính quyền bởi tình trạng vô trật tự và mất vệ sinh. Chính quyền muốn quét sạch hàng rong khỏi vỉa hè, nhưng đa số người dân lại cảm thông và ủng hộ. Điều này khiến các quan chức Singapore thay đổi quan điểm và đưa ra nhiều quyết sách có lợi cho người dân.
“Năm 1966, Bộ Y tế Singapore ước tính chỉ có một phần tư trong tổng số theo ước đoán là 48.000-50.000 người bán hàng rong được cấp phép. Quy định Hawker Code ra đời trong năm đó bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân Singapore được phép đăng ký bán hàng”, ông Ghani viết.
Vào những năm tiếp theo, chính quyền bắt đầu xây dựng nhiều chợ, các khu tập trung bán hàng rong rải rác khắp nơi, với tỷ lệ trung bình chín khu chợ hay trung tâm mỗi năm. Nhà chức trách sẵn sàng giao đất cho nhà đầu tư chỉ với điều kiện duy nhất là phải xây hawker centre ngay tại mảnh đất được cấp.
Chính quyền Singapore cũng tính đến việc tái bố trí người bán hàng rong về khu vực gần với điểm buôn bán cũ, giúp giải tỏa tâm lý mất khách quen. Họ nhận được trợ cấp di dời của chính quyền đến 1.000 đô la Singapore mỗi hộ. Người bán hàng rong được đi học các khóa an toàn thực phẩm, nâng tay nghề nấu ăn. Họ phải đăng ký kinh doanh, trả tiền thuê mặt bằng.
“Trong nhiều năm chúng tôi không thể nào làm sạch đẹp thành phố bằng cách dẹp những người bán hàng rong bất hợp pháp và taxi dù. Chỉ sau năm 1971, khi chúng tôi tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thực thi pháp luật và giành lại đường phố. Chúng tôi cấp phép cho những người bán hàng rong, chuyển họ từ lòng lề đường đến những trung tâm ăn uống được xây dựng đàng hoàng, có đường ống nước, hệ thống nước thải và thu đổ rác. Đầu những năm 1980, chúng tôi đã hoàn thành di dời tất cả những người bán hàng rong”, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu viết trong hồi ký “From Third World to First - The Singapore Story: 1965-2000” của ông.
Di sản của ông Lý trong xóa đói giảm nghèo và đưa Singapore lên thịnh vượng không dừng ở đó.
Năm 2018, bộ phim hài lãng mạn Crazy Rich Asian quay tại Singapore với dàn diễn viên gốc Á nổi đình đám ở Hollywood. Newton Food Centre - một trong những khu ẩm thực nổi tiếng nhất Singapore với gần 100 quầy hàng - xuất hiện ở phần mở đầu của phim. Đây là lần đầu tiên hawker centre của Singapore gây bão toàn cầu.
Từ thời điểm này, các cơ quan chính phủ của Singapore bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc) công nhận các hawker centre của Singapore là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mất gần ba năm, cuối tháng 12-2020, UNESCO mới công nhận chính thức. Số liệu chính thức của Chính phủ Singapore nói Singapore có 115 chợ và trung tâm ẩm thực cuối năm 2020.
Tháng 7-2022, sách hướng dẫn ẩm thực Michelin Guide đã phong sao đến 67 quán hàng rong và nhà hàng của Singapore, trong số này có 9 nơi lần đầu vào Michelin Guide. Các nơi có mặt trong danh sách của Michelin năm nay gồm: 5 quầy bán món đường phố, 40 tiệm ăn bình dân trong các hawker centre và 22 nhà hàng 1-3 sao Michelin.
Mô hình “phố hàng rong” tại Việt Nam
Năm 2017, TPHCM đã từng đặt ra mô hình quản lý hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp nằm góc giao Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng ở quận 1. Năm năm trừ đi hai năm Covid còn ba, số hàng quán nơi đây rất lèo tèo và người đến ăn cũng khá ít.
Cách đó không xa, khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà và Công viên Thống Nhất, hàng rong tự phát đáp ứng nhu cầu nhanh, gọn và lẹ cho người tản bộ. Các con phố xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, số người đẩy xe đạp, bưng thúng bán bánh tráng trộn, trái cây, nước giải khát ken dày. Các cửa hàng đóng tiền mặt bằng cao ngất gần đó than trời, còn các công nhân quét dọn lại thêm phần việc mỗi tối.
Các khu vực ăn uống sầm uất xuất hiện khắp các quận huyện của thành phố. Quận 10 có khu vực chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận Phú Nhuận có đường Phan Xích Long… Vệ sinh thực phẩm và rác vẫn là hai vấn đề đau đầu.
TPHCM từng ra quân nhiều đợt để dẹp hàng rong ở quận 1 và quận 3. Hàng rong nhiều lần từng là đề tài nghị sự của chính quyền TPHCM, mới nhất là cuối tháng 8 vừa rồi. “Nếu có 100, 200 hay 300 người buôn gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được. Đừng nghĩ đẩy người ta ra khỏi chỗ này”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nói.
Như vậy, không thể nói dẹp người bán hàng rong là dẹp khơi khơi. Giải quyết sinh kế cho người nghèo là bài toán khó của chính quyền thành phố và các quận huyện, nhất là các quận trung tâm. Hàng rong dọc các con đường ở thành phố phần lớn là không sạch, và có phần xấu xí hơn các thành phố trong khu vực. Không thể mãi là “trò mèo đuổi chuột” hay “bắt cóc bỏ dĩa” như ở Bangkok. Còn muốn như Singapore thì cần quá trình vài chục năm.
Tính từ thời điểm ra đời Hawker Code năm 1966, Singapore mất 20 năm để ổn định và di dời người bán hàng rong, đưa họ vào quy củ với bao nhiêu nỗ lực, chính sách và tài lực. Và cũng hơn 30 năm để UNESCO công nhận hawker centre của đảo quốc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và rồi được Michelin Guide xếp hạng danh giá.
Liệu thành phố có đủ sức theo đuổi loạt chính sách dài hơi và tỉ mỉ trong vài chục năm như vậy. Rồi ngành du lịch và các bộ ngành khác xắn tay áo, mỗi người một việc để góp phần chấn chỉnh hàng rong và nâng tầm ẩm thực Việt, như Tổng cục Du lịch Việt Nam đã bàn với Michelin hồi tháng 6-2021.
Nhưng trước khi nâng tầm ẩm thực Việt, ngắm nghía các giải thưởng thì điều trước tiên phải nhớ đến người bán hàng rong. Số phận và sinh kế của họ không thể quyết trong một vài buổi họp và bằng các chiến dịch làm đẹp lòng lề đường.