Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hãng tinh luyện vàng thỏi Ấn Độ mở rộng sang mảng bạc công nghiệp

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - MMTC-PAMP India Pvt – hãng tinh luyện vàng thỏi lớn nhất của Ấn Độ - đang mở rộng mảng kinh doanh loại bạc công nghiệp khi nhu cầu về kim loại này tăng đột biến ở nước này. Bạc công nghiệp được sử dụng trong hầu hết các linh kiện và thiết bị từ hộp cầu chì, công tắc, thiết bị chuyển mạch đến màn hình tivi.

Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá ngành sản xuất bạc đã có một năm thành công về mọi mặt trong năm ngoái khi vượt qua các đứt đoạn chuỗi cung ứng và vận tải, cùng với nhu cầu sử dụng đồ điện tử gia dụng tăng mạnh trong mùa dịch và sự hồi phục kinh tế của nhiều nước. Tuy nhiên, kim loại này sẽ không tránh khỏi các vấn đề như tính thanh khoản và giảm giá vào cuối năm nay.

Nhu cầu tăng bởi làn sóng đầu tư vào Ấn Độ

Hãng tinh luyện vàng thỏi MMTC-PAMP lớn nhất Ấn Độ đã xây dựng nhà máy tinh chế bạc công nghiệp để nắm bắt xu thế mới. Ấn Độ tiêu thụ 4.500 tấn bạc trong năm ngoái, chiếm hơn 15% nhu cầu thế giới – theo dữ liệu của The Silver Institute. Ảnh: Business Standard

MMTC-PAMP có khả năng tinh luyện khoảng 900 tấn vàng và bạc mỗi năm. Tại một nhà máy bên cạnh nhà máy lọc dầu của hãng ở bang Haryana, MMTC-PAMP đã bắt đầu chế tạo các bộ tiếp xúc bằng bạc và hợp kim trong cầu chì hoặc công tắc. Giám đốc điều hành Vikas Singh nói rằng nhà máy sẽ sản xuất hơn 100 triệu bộ tiếp xúc trong năm tài chính này, với kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng vào cuối tháng 3 năm 2024.

Singh nói với Bloomberg: “Chúng tôi nhận ra cơ hội lớn trong lĩnh vực bạc công nghiệp. Đây là hướng mở rộng hợp lý, giúp chúng tôi phục vụ cho một phân khúc khá lớn, không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu”.

Các kế hoạch của MMTC-PAMP nhằm đáp ứng nhu cầu về bạc công nghiệp được đưa ra khi Ấn Độ tìm cách tăng tỉ trọng sản xuất trong nền kinh tế. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra các chương trình khuyến khích liên kết sản xuất để thu hút các hãng chế tạo xe hơi, các tấm năng lượng mặt trời và các hãng đồ gia dụng điện tử nước ngoài đầu tư lập hãng xưởng tại Ấn Độ. Một số lĩnh vực đã có chuyển động tích cực như hàng điện tử gia dụng. Chẳng hạn, Bloomberg Intelligence nói rằng Apple Inc. đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Ấn Độ.

Thị phần của bạc trong lĩnh vực công nghiệp đang tăng lên ở Ấn Độ, nhà tư vấn Chirag Sheth của hãng Metals Focus Ltd có trụ sở tại London nhận định. “Nhu cầu mới sẽ đến từ lĩnh vực điện tử và điện. Khi hoạt động sản xuất trong không gian này chuyển sang Ấn Độ, sẽ có một lượng tăng trưởng đáng kể trong tương lai”, Sheth phát biểu.

Theo Metals Focus, Ấn Độ đã tiêu thụ khoảng 4.500 tấn bạc vào năm 2021, với 40% trong số đó ở dạng đồ trang sức và gần 25% trong lĩnh vực công nghiệp. Sheth cho biết dự báo nhu cầu bạc sẽ tăng gần một phần ba và đạt 5.900 tấn.

MMTC-PAMP kỳ vọng nhu cầu về bạc của Ấn Độ sẽ được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành sản xuất pin xe điện, tấm năng lượng mặt trời, mảng xây dựng và bất động sản vốn sử dụng nhiều thiết bị điện.

Hãng cũng đã thiết lập một nhà máy thu hồi chất thải điện tử để tách các kim loại quý như vàng và bạc từ smartphone, máy tính và máy giặt để bán lại. Singh cho biết đầu tư vào ngành kinh doanh bạc công nghiệp sẽ cần 25-30 triệu đô la, tương đương với khoản đầu tư để thiết lập các nhà máy lọc dầu.

Từ việc chỉ tập trung phục vụ các nhà đầu tư mua vàng thỏi, MMTC-PAMP đã đa dạng hóa các mảng kinh doanh của mình như mở các cửa hàng lưu niệm bán các đồng xu vàng hay bạc hoặc các thanh vàng, bạc cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Giá cao trong vài tháng tới

Bạc sẽ được giá trong vài tháng tới, nhưng đến cuối năm sẽ giảm giá và gặp khó về thanh khoản. Ảnh: Financial Times

Theo The Silver Institute – một tổ chức hiệp hội ngành có trụ sở tại Washington, nhu cầu bạc công nghiệp trong năm ngoái đã tăng lên mức cao kỷ lục 508 triệu ounce, tức khoảng 14.400 tấn.

Trong Khảo sát bạc thế giới năm 2022 mới công bố, viện nghiên cứu tiết lộ ngành tinh chế và kinh doanh bạc đã có nhiều thành công khi vượt qua các đứt gãy chuỗi cung ứng và vận tải trong thời gian qua. Ngành cũng thu lợi từ điều kiện kinh tế cải thiện, nhu cầu hàng điện tử gia dụng, công nghệ 5G và vật liệu quang điện trong các tấm pin mặt trời.

Nhìn chung, nhu cầu bạc toàn cầu trong năm 2021 cũng tăng vọt 19% lên 1,05 tỉ ounce (khoảng hơn 29.700 tấn). Đây là mức cao nhất kể từ năm 2015.

“Điều này phản ánh sự hồi phục của sản xuất công nghiệp và các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại khi Covid đang dần trở thành quá khứ”, báo cáo của The Silver Institute viết.

Nhu cầu đối với đồ trang sức bằng vàng và đồ trang sức bằng bạc lần lượt tăng 20% ​​và 30%, trong đó nhu cầu từ Ấn Độ đã thúc đẩy sự gia tăng. Trong khi đó, các quỹ ETF bạc đã đăng ký dòng vốn 65 triệu ounce (hơn 1.842 tấn) tập trung vào đầu năm, với lượng nắm giữ cũng tăng lên mức cao kỷ lục mới.

Bất chấp những con số kỷ lục, The Silver Institute cảnh báo rằng có nhiều bất ổn về triển vọng cho năm nay. Viện này nói rằng đà tăng giá kim loại quý do tác động của cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (khi chiến tranh chấm dứt) và các nguyên tắc cơ bản sẽ bắt đầu quyết định giá bạc một lần nữa trong năm nay.

“Chúng tôi tin rằng giá bạc sẽ giữ ở mức cao trong vài tháng tới như trong các giao dịch gần đây, ngay cả khi các yếu tố làm tăng giá bạc có liên quan đến cuộc chiến yếu đi. Tuy nhiên, vào cuối năm nay, việc thanh lý và giảm giá sẽ khó tránh khỏi”, The Silver Institue dự báo.

Nhìn chung, The Silver Institute dự báo rằng giá bạc sẽ trung bình là 23,90 đô la/ounce trong năm nay. Giá các phiên dịch giao dịch trong tuần là 24,42 đô la/ounce.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới